Cuộc tỉ thí giữa Tokyo và Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến các thực thể kinh tế khác, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: Business Insider.
Bnews ngày 13/5 đưa tin, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng phương hướng mới, theo đó sẽ tăng số hiệp định đầu tư với nước ngoài lên gấp đôi hiện nay, đạt 100 hiệp định vào năm 2020. Chủ trương này sẽ được đưa vào chiến lược phát triển đang được Chính phủ Nhật Bản soạn thảo.
Các nước được Tokyo ưu tiên lựa chọn thúc đẩy đàm phán hiệp định đầu tư là những nước Nam Mỹ có thị trường rất tiềm năng như Brazil, Argentina, và các nước châu Phi giàu tài nguyên thiên nhiên, những nước có các ngành công nghiệp quan trọng của Nhật Bản như chế tạo ô tô muốn mở rộng đầu tư.
Theo tính toán của Tokyo, hiệp định đầu tư được ký kết sẽ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm, đẩy mạnh đầu tư vào các nước đối tác, từ đó tăng cả kim ngạch đầu tư và thương mại.
Kim ngạch đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Peru năm 2013 tăng gấp ba lần, sau khi hai nước ký hiệp định đầu tư năm 2009. Tương tự đàu tư của Nhật Bản vào Thái Lan cũng tăng gấp bốn lần so với năm 2007, khi hai bên ký Hiệp định liên kết kinh tế bao gồm cả hoạt động đầu tư.
Cho đến nay, tính từ hiệp định đầu tiên ký với Ai Cập năm 1978, Nhật Bản chỉ mới ký kết được 42 hiệp định đầu tư nước ngoài với các quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ. Con số hiệp định này còn rất “khiêm tốn” so với các con số 134 hiệp định của Đức và 111 hiệp định của Trung Quốc.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, việc chậm trễ ký kết tại các thị trường tiềm năng như châu Phi trong bối cảnh Trung Quốc đang rất thành công trong việc mở rộng mạng lưới hiệp định đầu tư song phương, đang đẩy doanh nghiệp Nhật Bản vào thế bất lợi. Các nước châu Phi giàu tài nguyên là Nam Phi, Algeria, Ghana, Madagascar.
Như vậy là, hướng mới này chính phủ Shinzo Abe đã giải mã được thành công của chính sách kinh tế Tập Cận Bình ở nước ngoài hiện nay, đặc biệt là đã tìm ra nguyên nhân thất bại của doanh nghiệp Nhật Bản trước doanh nghiệp Trung Quốc trong những dự án lớn trên thế giới thời gian vừa qua.
Đây là một sự thách thức của Abenomics với “tái cơ cấu lại” của Tập Cận Bình.
Tăng cường hiệp định đầu tư với nước ngoài giúp kinh tế Nhật Bản phát triển thoát khỏi ảnh hưởng bởi bất ổn trên chính trường Nhật Bản
Việc kinh tế Nhật Bản suy thoái trong một thời gian khá dài một phần do hậu quả xì hơi của kinh tế “bong bóng” trong những năm 1990 của thế kỷ trước, nhưng một phần còn do chính trường nước này không ổn định từ năm 1990 đến khi ông Shinzo Abe nhậm chức Thủ tướng lần thứ hai, năm 2012.
“Từ năm 1947 đến năm 1989 tại Nhật Bản có 15 lần thay đổi Nội các, trung bình một Nội các trụ lại được gần 3 năm, tuy nhiên chỉ từ 1990 đến 2012, chính trường Nhật Bản đã có tới 17 lẩn Nội các thay đổi, trung bình một Nội các chỉ trụ lại chưa đầy 1 năm rưỡi.
Điều này không thế không ảnh hưởng đến việc phát huy hiệu quả của các chính sách kinh tế của Nhật Bản” , theo BBC Timeline.
Có thể thấy rằng số lần Nội các Nhật Bản thay đổi trong gần nửa thế kỷ làm nên sự thần kỷ của họ còn ít hơn trong một phần tư thế kỷ suy thoái kinh tế vừa qua. Cho dù là một xã hội dân chủ, nhưng việc thay đổi quá nhiều Nội các cũng tạo ra bất ổn vì những chính sách kinh tế mới liên tục được đưa ra, có thể có nhiều khác biệt do phụ thuộc vào cương lĩnh hoạt động cũng như lợi ích của các đảng phái chính trị.
Việc không ổn định trên chính trường Nhật Bản chưa thể chấm dứt trong thời gian tới khi xã hội Nhật Bản chưa hình thành trở lại giai đoạn dân số vàng – người già hiện tại chiếm tỷ lệ khá cao trong cơ cấu dân số Nhật Bản – khiến cho việc lựa chọn tiêu chí phát triển giữa các thành phần trong xã hội còn nhiều khác biệt, đi theo đó là sự thay đổi Nội các và đảng cầm quyền.
Trong khi đó, đầu tư nước ngoài hầu như phụ thuộc vào chính quyền của nước sở tại và Nhật Bản có thể dùng lợi ích kinh tế làm công cụ can thiệp để đảm bảo ổn định chính trị tại nước sở tại, giúp cho doanh nghiệp Nhật Bản có thể phát triển và lợi ích được bảo vệ. Những thay đổi trên chính trường Nhật Bản sẽ gần như miễn nhiễm với hoạt động kinh tế đối ngoại.
“Nguyên tắc đàm phán các hiệp định đầu tư của Nhật Bản bao gồm hai nội dung quan trọng là các nhà đầu tư nước ngoài được đối xử công bằng như doanh nghiệp bản xứ và đất đai, cơ sở nhà xưởng của nhà đầu tư nước ngoài không thể bị trưng thu.
Các nội dung khác như tự do hóa lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực buôn bán trên mạng cũng sẽ được đưa vào đàm phán” theo Bnews.
Có thể thấy rằng, Đức, Singapore hay bây giờ là Trung Quốc đã thay đổi chính sách xuất khẩu trực tiếp mà hướng vào tăng cường đầu tư ra nước ngoài và đã có những kết quả mỹ mãn. Thành công của họ có một phần đóng góp của sự ổn định chính trị trong nước, nhưng quan trọng hơn là có thể miễn nhiễm với biến động chính trị trong nước.
Tăng cường hiệp định đầu tư với nước ngoài giúp Nhật Bản có thể vượt qua mọi rào cản, khai thác tốt mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế
Có thế thấy rằng, thành công của Nhật Bản trước đây chủ yếu ở việc xuất khẩu hàng hoá mang đến thặng dư mậu dịch cho mình. Tuy nhiên với tình hình hiện tại của Nhật Bản, điều ấy không còn là thế mạnh và Tokyo không thể thành công bằng chính sách đó nữa.
Người già chiếm khoảng 25% dân số và chi phí lao động cao là hai điểm yếu mà Nhật Bản không dễ khắc phục để tạo lợi thế trong xuất khẩu, theo BBC ngày 25/9/2015.
Vì vậy, chính sách của Nhật Bản hướng vào kích thích kinh tế nội địa là không khả thi. Với tập quán của người Nhật Bản, kích cầu không phải là chính sách hợp lý, vì nhu cầu và thoả mãn nhu cầu của người Nhật Bản không bị giới hạn cả về cơ chế lẫn khả năng đáp ứng.
Còn kích thích đầu tư trong nước thì hai rào cản dân số già và chi phí lao động cao đã hạn chế hiệu quả của chính sách này.
Điều đó cho thấy, các chính sách của Abenomics gần đây không mang lại hiệu quả, thậm chí gây thiệt hại kép cho nền kinh tế. Một ví dụ cụ thế chứng minh cho điều ấy, đó chính là việc áp dụng lãi suất âm.
Khi triển khai chính sách này, chính phủ Nhật hy vọng sẽ thúc đẩy đầu tư trong nước nhưng sức mạnh của nó không đủ khả năng phá vỡ rào cản vốn đã mang tính định hình rồi.
“Các ngân hàng lớn nhất Nhật Bản dự báo lợi nhuận sẽ giảm xuống mức thấp nhất 4 năm qua khi lãi suất âm ảnh hưởng tới lợi suất cho vay.
Quyết định áp dụng mức lãi suất âm của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), đã khiến cổ phiếu của các nhà băng rớt giá tồi tệ nhất trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo kể từ đầu năm tới nay”, theo tường thuật của Bloomberg ngày 13/5.
Chính sách lãi suất âm đã gây thiệt hại rất lớn cho ngành tài chính và ngân hàng. Như vậy, nền kinh tế của Nhật Bản mất đi sức cạnh tranh, vì kinh tế sản xuất không gia tăng, nhưng kinh tế dịch vụ tài chính thì suy giảm và đương nhiên tăng trưởng kinh tế không thể khởi sắc.
Đó là vòng luẩn quẩn mà các chính sách kinh tế của Nhật Bản gần đây chưa thoát ra được.
“Dân số già” ngày càng tăng là một rào cản không dễ vượt qua của kinh té – xã hội Nhật Bản. Ảnh: tofugu.com. |
Trong khi đó, doanh nghiệp Nhật Bản thất bại liên tiếp trước doanh nghiệp Trung Quốc ở những gói thầu lớn trên thế giới, mặc dù năng lực cũng như kinh nghiệm của người Nhật Bản có thể vượt trội so với người Trung Quốc.
Vậy nhưng đối tác lại lựa chọn doanh nghiệp Trung Quốc để “gửi vàng” dù có nhiều rủi ro và thậm chí thua thiệt. Rõ ràng, Abenomics không chuẩn xác trong việc bắt mạch kinh tế cả trong nước và nước ngoài, và kết quả là kinh tế Nhật Bản chậm khởi sắc.
Việc tăng cường hiệp định đầu tư nước ngoài là một hướng đi chính xác, nó là nền tảng giúp cho ngoại giao kinh tế thành công – cơ sở rất quan trọng cho việc chiến thắng đối thủ trong những dự án cần sự ra tay của chính phủ.
Tăng cường hiệp định đầu tư với nước ngoài giúp kinh tế Nhật Bản giảm thiệt hại bởi thảm hoạ thiên tai
Có thể thấy rằng, người Nhật Bản thích ứng với sự khắc nghiệt của thiên nhiên và đã thành công với sự thần kỳ đáng ngưỡng mộ của mình. Không được thiên nhiên ưu đãi cho bất cứ điều gì từ tài nguyên, khoáng sản đến địa thế, vị trí, đặc biệt việc Nhật Bản nằm trên vành đai núi lửa và động đất Châu Á – Thái Bình Dương là cực kỳ khắc nghiệt.
Vậy nhưng “thần kỳ Nhật Bản” vẫn là sự thật. Tuy nhiên đó là quá khứ, còn hiện tại, “sống chung với biến đổi khi hậu” đã là điều kỳ diệu của người Nhật Bản. Còn việc tạo nên sự thần kỳ trong phát triển kinh tế như trước đây là cực kỳ khó khăn, là thách thức không dễ vượt qua với người Nhật Bản.
Người Nhật Bản “xây” thậm chí không kịp cho thiên nhiên “phá”.
Để khắc phục thảm hoạ kép động đất + sóng thần, ngày 14/3/2011, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã rót 15.000 tỉ yên (183 tỉ USD) vào hệ thống ngân hàng để giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính.
Ngày 21/3/2011, Ngân hàng Thế giới ước tính thiệt hại vào khoảng từ 122 tỉ USD đến 235 tỉ USD, nhưng Chính phủ Nhật Bản cho biết tổn thất do thảm họa kép tàn phá miền Đông Bắc nước này có thể lên đến 309 tỉ USD. Đây là kỉ lục thế giới về thiệt hại do thiên tai gây ra, theo Los Angeles Times ngày 21/3/2011.
Có thể thấy răng, trong khoảng hơn 5 năm trời mà Nhật Bản liên tiếp hứng chịu sự giận dữ của thiên nhiên, từ thảm hoạ kép động đất – sóng thần xảy ra trong tháng 3/2011 đến “ động đất đôi” vừa mới xảy ra hồi tháng 4/2016 vừa qua. Đó là chưa nói đến động đất Kobe hay những thảm hoạ đau lòng khác. Điều này khiến cho kinh tế Nhật Bản không thể hồi phục nhanh chóng.
Dư luận cho rằng, chỉ một thảm hoạ kép đã kéo lùi sự phát triển của cả nước Nhật hàng nửa thập kỷ, thậm chí có lĩnh vực phải đến hàng chục năm trời mới có thể khắc phục.
Vì vậy việc người xây – thiên nhiên phá đã khiến cho kinh tế Nhật Bản thiệt hại rất lớn. Cách tốt nhất để thích ứng với việc này không có gì tốt hơn là “tránh voi chẳng xấu mặt nào”.
Do vậy, hướng đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài là một trong những chính sách kinh tế tuyệt với của chính phủ Nhật Bản thời biến đổi khí hậu. Abenomics có thể phát huy mọi nguồn lực cho việc triển khai chính sách này.
Từ hạ lãi suất hay tạo cơ chế đều hướng tới việc giúp cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động sản xuất – kinh doanh tốt tại xứ người.
Chính sách mới của Abenomics có thể giải quyết được những khó khăn gây ra bởi các rào cản từ điều kiện xã hội đến điều kiện tự nhiên.
Chỉ riêng việc “xây” mà không bị “phá” cũng đã khiến cho người Nhật Bản giàu mạnh rồi. Chính sách mới có thể ví như cách người Nhật đi “gom” tiền của thiên hạ mang về “két sắt” nhà minh để tiêu xài dần.
Tăng cường hiệp định đầu tư với nước ngoài giúp Abenomics kiềm chế hiệu quả chính sách tái cơ cấu của Tập Cận Bình
Có thể nhận định rằng. chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế của Tập Cận Bình là một chiến lược kinh tế hợp thời và sẽ làm thay đổi nền kinh tế Trung Quốc từ lớn sang mạnh. Tuy nhiên, khi tái cơ cấu của Bắc Kinh phát huy hiệu quả thì cùng lúc thiệt hại do nó gây ra cũng phát huy tác dụng.
Với ý đố thống trị thế giới, Bắc Kinh không xây dựng cơ chế “đôi bạn cùng tiến” hay như họ vẫn nói là cùng thắng trong các hoạt động hợp tác hay liên minh với đối tác.
Cả 3 chương trình kinh tế lớn của tái cơ cấu lại nền kinh tế của Trung Quốc đều có thể gây thiệt hại cho kinh tế Nhật Bản. Với chính sách kích thích tiêu dùng nội địa của Bắc Kinh thì Nhật Bản khó có thể chiến thắng trong mũi nhọn chiến lược này.
Bởi lẽ, một mặt Bắc Kinh khai thác thế mạnh hàng hoá trong nước với phương châm “người Trung Hoa dùng hàng Trung Hoa”. Mặt khác, hàng giá rẻ luôn là lựa chọn của người Trung Quốc và đó cũng là rào cản cho sản phầm tiêu dùng của Nhật Bản trên thị trường Trung Quốc.
Vì vậy, Tokyo đã ngầm đòn ngay khi tái cơ cấu phát huy công lực.
“Dữ liệu xuất khẩu tháng 4/2016 cho thấy xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Nhật, giảm 7,6%”, theo Reuters ngày 22/5.
Trong khi đó kinh tế dịch vụ, nhất là thương mại và tài chính, thì Tập Cận Bình đã có những công cụ khai thác cả lợi lớn lợi nhỏ trong mũi nhọn kinh tế này. AIIB do Bắc Kinh làm chủ xị là đối trọng của ADB do Tokyo điều phối và Trung Quốc đã khống chế và hưởng lợi qua “cơ chế hai mang” của mình.
Khi Tokyo tham gia TPP thì Bắc Kinh có ngay cơ chế khai thác lợi thế của những đối tác khác trong TPP để làm lợi cho mình và có thể gây thiệt hại cho Tokyo. Như vậy là người Trung Quốc có thể móc túi người Nhật Bản cả trực tiếp lẫn gián tiếp trong các hoạt động kinh tế dịch vụ mà Abenomics chưa có những kế sách có thể khống chế hay vô hiệu được.
Vậy là chỉ còn chính sách khuyến khích đầu tư ra nước ngoài là “lá bài” mà Bắc Kinh và Tokyo có thể sử dụng và tỉ thí. Cùng “mang chuông đi đánh xứ người” nhưng Bắc Kinh đã nhiều lần “hạ đo ván” Tokyo với những cú “nốc ao” chứ không chỉ là chiếm ưu thế.
Chính phủ Nhật Bản đã nhận ra sự lợi hại của chính sách ngoại giao kinh tế mà Bắc Kinh áp dụng.
Người viết cho rằng, Thủ tướngShinzo Abe và cộng sự đã nhận ra lợi thế của mình nếu Tokyo xây dựng được nền tảng vững chắc cho chính sách ngoại giao kinh tế.
Phải thấy rằng, dù suy thoái liên tục trong hàng chục năm trời để các đối thủ lần lượt qua mặt, nhưng không thể phủ nhận rằng uy tín của chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản, chất lượng của hàng hoá Nhật Bản vẫn là thế mạnh của Tokyo trong các cuộc “so găng” với Bắc Kinh.
Bây giờ chỉ cẩn “chân trụ vững” là Tokyo có thể thách thức uy lực của Bắc Kinh trong cuộc chiến này. Việc tăng cường các hiệp định đầu tư nước ngoài là một chiến lược hữu hiệu như “chân trụ” trong việc kiềm chế tác hại bởi chính sách tái cơ cấu của Tập Cận Bình.
Có lẽ kết quả thu được trong quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với Peru cũng như Thái Lan trước và sau khi ký kết hiệp định đầu tư nước ngoài đã là cơ sở vững chắc cho nhận định ấy.
“Cùng với hiệu quả có được từ hiệp định đa phương như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chính phủ Nhật Bản sẽ thúc đẩy tiến độ đàm phán các hiệp định đa phương quan trọng như Hiệp định liên kết kinh tế Nhật – châu Âu, Hiệp định liên kết kinh tế bao quát Đông Á.
Bên cạnh đó chính quyền Nhật Bản cũng muốn mở rộng khu vực đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua các hiệp định đầu tư song phương”, theo Bloomberg.
Như vậy là Abenomics đã chính thức tìm ra chìa khoá có thể vặn mở van làm giảm công lực của “tái cơ cấu” của Tập Cận Bình. Shinzo Abe đã tìm ra công cụ hữu hiệu mà có thể giúp cho Tokyo ngang cơ với Bắc Kinh trong cuộc chiến Trung – Nhật đang được bắt đầu.
Cuộc tỉ thí giữa Tokyo và Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng đến các thực thể kinh tế khác, trong đó có Việt Nam.
Anh hưởng bởi cuộc so tài Tập Cận Bình – Shinzo Abe tốt hay xấu, lợi hay hại đối với kinh tế Việt Nam phụ thuộc hoàn toàn vào góc nhìn và việc xây dựng cơ chế khai sự ảnh hưởng đó cho nền kinh tế – trong đó quan trọng nhất là chính sách của chính phủ và khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam.