Thursday, April 18, 2024
Trang chủĐiểm tinTình thế 'tiến thoái lưỡng nan' của Nga ở Biển Đông

Tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’ của Nga ở Biển Đông

Quan điểm của Nga về Biển Đông và tình thế khó xử của Moskva trong vấn đề này một lần nữa lại được thể hiện rõ trong Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Nga – ASEAN diễn ra tuần trước ở Sochi (Nga).

Tổng thống Nga Putin tại Hội nghị thượng đỉnh Nga – ASEAN tại Sochi từ ngày 19 đến 20/5 năm 2016

Tuyên bố Sochi gồm 49 điểm, tái khẳng định cam kết xây dựng quan hệ ASEAN – Nga mạnh mẽ hơn, sâu rộng hơn và cùng chung lợi ích hướng tới hoà bình, ổn định và thịnh vượng khu vực. Trong Tuyên bố chung có hai điểm đề cập vấn đề Biển Đông.

Cụ thể là:

Bảo đảm an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở. Thúc đẩy tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm các nội dung được nêu trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và các tiêu chuẩn và thông lệ phù hợp của Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế (ICAO) và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO);

Ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), trên cơ sở đồng thuận.

Có thể thấy, so sánh với những phát biểu của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong thời gian gần đây, quan điểm của Nga về vấn đề Biển Đông cũng không có khác biệt gì lớn.

Điểm khác biệt đáng ghi nhận nhất việc Tuyên bố Sochi không đề cập đến việc Nga không ủng hộ “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông và kêu gọi  các quốc gia bên ngoài ngừng can thiệp vào các cuộc đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông giữa những nước liên quan – như lời ông Lavrov đã 2 lần tuyên bố, vào ngày 14/4, khi trả lời phỏng vấn chung của truyền thông Trung Quốc, Nhật Bản và Mông Cổ tại Moskva và vào ngày 29/4, sau cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh.

Còn lại, Tuyên bố Sochi cũng nêu những điều như các nước lớn khác thường nói như:  “ủng hộ tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở”… hay “thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không, thương mại không bị cản trở…”. Tuy nhiên, có 2  điểm đáng lưu ý hơn cả:

Một là, Nga ủng hộ “giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, bao gồm các nội dung được nêu trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”.

Điều này, có thể hiểu, dù không trực tiếp đề cập đến vụ Philippines kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai UNCLOS 1982 trên Biển Đông tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) nhưng Nga không phản đối các nỗ lực giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, như cách mà Philippines đang làm.

Tất nhiên, việc này chắc sẽ khiến Trung Quốc không thoải mái, khi mà Bắc Kinh đang tích cực vận động các đồng minh, trong đó có Nga và những nước chịu ảnh hưởng của mình ủng hộ lập trường của Trung Quốc, ủng hộ Trung Quốc tẩy chay vụ kiện của Philippines.

Hai là, Nga ủng hộ “sớm hoàn tất bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), trên cơ sở đồng thuận”. Nhiều cường quốc khác như Mỹ, Nhật Bản… khi thể hiện lập trường về vấn đề Biển Đông đều kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất COC, nhưng có lẽ chỉ duy nhất Nga ủng hộ sớm hoàn tất COC “trên cơ sở đồng thuận”. Cần phải nhắc lại là chính vì “sự đồng thuận” nan giải này mà bao năm qua, COC vẫn chưa đạt được và không biết đến bao giờ thì đạt được.

Có thể thấy, qua Tuyên bố Sochi, Moskva rất dè dặt, thận trọng trong việc thể hiện lập trường của mình đối với vấn đề nhạy cảm này. Nga đã khéo léo “lách” qua những điểm mà ASEAN và Trung Quốc chưa thống nhất được trong vấn đề Biển Đông, để không làm mất lòng bên nào, bởi với Nga hiện tại, mối quan hệ với ASEAN cũng quan trọng không kém Trung Quốc.

Sau gần 50 năm thành lập, ASEAN dần hình thành một cộng đồng kinh tế chung phát triển với tốc độ khá ổn định. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ đều thiết lập cơ chế hội nghị thượng đỉnh với ASEAN. Riêng Nga mặc dù thiết lập quan hệ đối tác đối thoại với ASEAN từ năm 1996, tuy nhiên mức độ quan tâm của Moskva đến khu vực Đông Nam Á so với các nước này còn rất hạn chế.

Kim ngạch thương mại hai chiều Nga – ASEAN năm 2014 chỉ đạt 22,5 tỉ USD, chiếm 0,8% tổng kim ngạch thương mại của ASEAN và xếp thứ 8 trong số các đối tác của ASEAN.

Trọng điểm chiến lược của Nga trước đây là châu Âu và Trung Á. Nhưng từ sau sự kiện Crimea và bị phương Tây cấm vận, Nga quay sang châu Á. Nhưng chỉ 2 năm trở lại đây, Nga mới thực sự quan tâm đến châu Á, song vẫn chỉ tập trung vào Trung Quốc.

Tuy nhiên dư luận nội bộ nước Nga ngày càng nhiều tiếng nói phàn nàn về việc chính quyền của Tổng thống Putin quá lệ thuộc vào Trung Quốc, buộc Moskva phải tìm các đòn bẩy khác là Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN. Đó cũng là lý do vì sao, thời gian gần đây Nga rất tích cực thúc đẩy hợp tác với Nhật Bản, dù giữa hai nước đang có nhiều trở ngại, khác biệt, đặc biệt là vấn đề tranh chấp ở quần đảo Kuril.

Theo học giả Jeremy Maxie cố vấn tổ chức nghiên cứu Longview Global Advisors phân tích trên Forbes, Moskva cũng chỉ hỗ trợ ở mức độ nhất định lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông và sẽ tìm cách tránh bị lôi vào các xung đột quân sự tiềm ẩn. Đồng thời Nga sẽ cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua mở rộng hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam và mở rộng hợp tác thương mại – quân sự với ASEAN.

Tuy nhiên trong tình hình hiện tại, khi các diễn biến ở Biển Đông đang trở nên phức tạp và căng thẳng trước thềm phán quyết của PCA, Nga cũng không muốn vì Biển Đông mà làm Bắc Kinh “chạnh lòng”, bởi thế Moskva đã, đang và sẽ không đặt “nặng” vấn đề Biển Đông trong quan hệ với bất kỳ nước nào.

RELATED ARTICLES

Tin mới