Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiKerry nói chuyện quá khứ-tương lai nhân chuyến công du của Obama

Kerry nói chuyện quá khứ-tương lai nhân chuyến công du của Obama

Đăng tải trên NYTimes, những chia sẻ của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhắc nhiều tới bài học từ chiến tranh Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Khi Tổng thống Obama tới công du Việt Nam, chúng tôi rất bất ngờ trước thực tế rằng, nhân dân của cả 2 nước không còn đau đáu về cuộc xung đột đã lấy đi mạng sống của hơn 58.000 người Mỹ và gần triệu người Việt Nam.

Là những người Mỹ đã tham gia vào cuộc chiến, chúng tôi thường nhận được câu hỏi: rút ra bài học gì từ chiến tranh Việt Nam? Câu hỏi ấy không dễ trả lời bởi không cuộc chiến nào là giống nhau và bởi chúng tôi đã học được rằng: cố áp dụng bài học trong quá khứ vào những cuộc khủng hoảng mới, đôi khi lợi bất cập hại. Nhưng có những chuyện lại rất rõ ràng.

Thứ nhất, không phải riêng chúng tôi mà tất cả các quân nhân đều cần được đảm bảo một nguyên tắc. Chúng ta không bao giờ được nhầm lẫn chiến tranh với chiến binh. Các cựu binh xứng đáng được tôn trọng, biết ơn và ủng hộ dù họ phục vụ cuộc chiến nào và ở đâu.

Bài học thứ hai là: lãnh đạo của chúng ta cần trung thực với Quốc hội và nhân dân về kế hoạch, mục tiêu cũng như chiến lược, khi mà mạng sống của người lính bị đặt vào tình thế nguy hiểm. (Những binh lính Mỹ đầu tiên đã được triển khai ở Việt Nam với lí do là để “cứu hộ lũ lụt”.)

Bài học thứ ba là: phải giữ sự khiêm nhường trước nền văn hóa của nước ngoài. Trong suốt cuộc chiến ở Đông Nam Á, cả đối phương lẫn đồng minh của Mỹ đều không hành động như chúng tôi mong đợi.

Bài học thứ tư và cũng là cuối cùng thì đang hiển hiện ngay trước mắt chúng ta. Với nỗ lực và thiện chí thích đáng, những khác biệt tưởng như không thể xóa nhòa lại có thể được hàn gắn. Tổng thống Obama là vị Tổng thống thứ 3 của Mỹ tới thăm Việt Nam. Đó là minh chứng cho thấy cựu thù có thể trở thành đối tác.

Điều không tưởng trở thành sự thực

Là những cựu binh may mắn được phục vụ cho Chính phủ Mỹ, chúng tôi tự hào về những đóng góp của mình trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Quá trình khôi phục ấy hết sức gian nan và cần sự hợp tác – một nỗ lực Hà Nội vẫn đang duy trì.

Tuy nhiên, chúng ta đã đi tới một dấu mốc, hơn 20 năm sau khi bình thường hóa quan hệ, tiến trình hợp tác của chúng tôi với Việt Nam đang được trông đợi và mở rộng.

Các cuộc hội đàm của ông Obama và lãnh đạo, cũng như tri thức Việt Nam bao quát nhiều vấn đề, từ hợp tác an ninh, thương mại, đầu tư cho tới giáo dục, môi trường và tự do tôn giáo, nhân quyền.

Điều này cho thấy mối quan hệ của 2 bên đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

20 năm trước, không tới 60.000 người Mỹ tới Việt Nam du lịch mỗi năm. Ngày nay, con số ấy là gần nửa triệu. 20 năm trước, thương mại song phương về hàng hóa với Việt Nam chỉ ở mức 450 triệu USD. Ngày nay, con số ấy đã tăng gấp 100 lần. 20 năm trước, không tới 1000 sinh viên Việt tới học tập nghiên cứu ở Mỹ. Ngày nay, có tới gần 19.000.

Cách đây gần nửa thế kỷ, khi tới tham chiến ở Việt Nam, chúng tôi không bao giờ tưởng tượng được một ngày nào đó Chính phủ 2 nước có thể hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề sinh thái và biến đổi khí hậu. 

Chúng tôi không bao giờ tưởng tượng được 2 đất nước sẽ có thể là đối tác trong một thỏa thuận thương mại mang tính dấu ấn, thỏa thuận Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, với mục tiêu là tăng tiêu chuẩn lao động và môi trường, đồng thời đem lại sự thịnh vượng cho đất nước và dọc vành đai Thái Bình Dương.

Và còn khó tưởng tượng hơn nữa, là rồi Mỹ và Việt Nam sẽ hợp tác về vấn đề an ninh. Quân đội Mỹ và Việt Nam đang duy trì trao đổi, các chính trị gia cũng thường xuyên tham vấn về vấn đề Biển Đông. 

Chính phủ của chúng tôi không ủng hộ bên nào, nhưng chúng tôi tin rằng vấn đề này nên được giải quyết một cách hòa bình, theo luật pháp quốc tế, không phải đơn phương bằng cách xâm lấn chủ quyền của các nước láng giềng.

Tất nhiên, Mỹ và Việt Nam có thể chế khác nhau, có những cách tiếp cận vấn đề khác nhau. Nhưng trong chuyến thăm lần này, chúng tôi đã rất ấn tượng khi thấy sự háo hức, muốn được tận dụng công nghệ và cạnh tranh trên thị trường lao động toàn cầu của người Việt. 

Chúng tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam không mất đi mà ngược lại còn có được rất nhiều thứ khi đặt niềm tin vào nhân dân của mình.

Nhìn về tương lai phía trước, chúng tôi biết rằng: trên hết, các lợi ích chung sẽ là động lực cho mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Nhưng điều đó sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nữa khi cả 2 xã hội đều trân trọng những mối quan hệ gia đình, sự tích cực, khát vọng tự do, độc lập và niềm tin, rằng hòa bình bao giờ cũng được yêu chuộng hơn chiến tranh.

RELATED ARTICLES

Tin mới