Điều này phụ thuộc vào khả năng của chính Việt Nam khai thác thế mạnh của mình, cơ chế “đổi nông sản lấy vũ khi” mà Thái Lan thực hiện là một bài học hay.
Ngày 21/5 Vietnamplus đưa tin, Thái Lan và Liên bang Nga vừa nhất trí trao đổi hàng nông sản, bao gồm gạo và cao su tự nhiên, để lấy máy bay trực thăng.
Ngoại trưởng Thái Lan Don Pramudwinai cho biết, Thái Lan và Nga đã nhất trí về việc trao đổi hàng nông sản lấy máy bay trực thăng trong chuyến thăm Nga vừa qua của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha.
Theo ông Don, phía Nga muốn mua 80.000 tấn cao su tự nhiên và một số lượng gạo, trong khi Thái Lan muốn mua các máy bay trực thăng do Nga chế tạo phục vụ cho công việc chống thảm hoạ cháy rừng.
Một nhóm công tác chung của hai nước sẽ thảo luận về chi tiết của thỏa thuận này, như số lượng cụ thể hàng hóa trao đổi giữa hai bên.
Ngoại trưởng Thái Lan còn cho biết, Nga cam kết sẽ ủng hộ Thái Lan trở thành thành viên mới của Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) và Bangkok đã sẵn sàng nộp đơn xin gia nhập tổ chức này.
Theo ông, bằng cách gia nhập EAEU, Thái Lan sẽ thuận lợi hơn trong việc hoàn thành mục tiêu tăng kim ngạch thương mại với Nga lên 5 lần trong 5 năm tới.
Người viết cho rằng đây là một dạng thương mại “cổ lỗ sĩ” hàng đổi hàng nhưng lại rất hợp thời với Thái Lan và Liên bang Nga trong hoàn cảnh hiện nay. Việc trao đổi “xưa cũ’ giúp cho hai nước có thể vượt qua nhiều rào cản trong phi vụ này, khi hàng hoá thì dư thừa mà tiền mặt thì khan hiếm, nhất là Nga trong thời kỳ cấm vận.
Thái Lan “vừa sản xuất – vừa đánh giặc”qua cơ chế “đổi nông sản lấy vũ khí” với Nga
Cũng nên nhắc lại rằng, hồi đầu năm 2016 Chính phủ Thái Lan có thông báo kế hoạch giải phóng hoàn toàn khối lượng gạo hơn 13 triệu tấn hiện có trong các kho dự trữ quốc gia, nhằm thực hiện các chương trình sản xuất và tiếp thị gạo bền vững.
Lượng gạo dự trữ hiện nay của Thái Lan hiện còn khoảng 13,7 triệu tấn và điều đó khiến thị trường thế giới sẽ “ngập” gạo Thái Lan, theo Bangkok Post ngày 13/1.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, Thái Lan mới tiêu thụ được 2 triệu tấn gạo thông qua các thỏa thuận liên chính phủ (G2G) với Trung Quốc, Philippines và Indonesia.
Chính phủ Thái Lan cũng sẽ xem xét cung cấp các khoản vay lãi suất thấp đối với các nhà xuất khẩu gạo có kế hoạch tập trung vào các thị trường mới, đặc biệt tại khu vực châu Phi, do việc chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường này còn gặp nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó ngành cao su Thái Lan cũng đang điêu đứng vì ảnh hưởng bởi sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc. Chính phủ Thái Lan phải cam kết sẽ hỗ trợ nông dân trồng cao su nhằm giảm thiểu những thiệt hại và thua lỗ do giá cả trên thị trường thế giới “lao dốc”, bằng việc thu mua mủ cao su theo giá cao hơn giá thị trường.
Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp lâu dài cho ngành cao su, mà chỉ là giải quyết tạm thời những khó khăn hiện nay.
“Mối quan ngại về tình trạng suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc đang tác động tiêu cực đến khu vực Đông Nam Á, nhất là Thái Lan. Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Tokyo hôm 12/1 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2009.
Thái Lan xuất khẩu đến 90% sản lượng cao su của nước này sản xuất được, mà 50% trong số đó là sang thị trường Trung Quốc” theo Financial Times ngày 13/1.
Như vậy là hai trong số những loại hàng nông sản chiến lược của Thái Lan đang “cung nhiều hơn cầu” nên có thể chịu thiệt hại rất lớn khi giá cả trên thị trường thế giới chưa thể đảo chiều.
Dù hạn hán gây hậu quả nghiêm trọng ở những nước xuất khẩu gạo lớn như Việt Nam, nhưng sản lượng gạo trên thị trường thế giới không bị giảm sút bao nhiêu. Và chính Thái Lan cũng phải cơ cấu lại cây trồng trong nông nghiệp, thay lúa nước bằng những loại cây trồng khác.
Còn với cao su thì việc tìm ra một giải pháp căn cơ, lâu dài và khả thi cho ngành này là cực kỳ nan giải. Chính sách tái cơ cấu lại nền kinh tế của Bắc Kinh sẽ khiến cho kinh tế Trung Quốc còn suy giảm độ tăng trưởng, kèm theo đó là giảm lượng nhập khẩu cao su nguyên liệu của Thái Lan, trong khi 50 % cao su Thái Lan xuất khẩu vào thị trường này.
Do vậy, những biện pháp tức thời là việc cần làm ngay để giảm thiểu thiệt hại cho ngành cao su Thái Lan.
Trong khi đó, quan hệ đối tác truyền thống giữa Washington và Bangkok đã trở nên nguội lạnh sau cuộc đảo chính quân sự tại Thái Lan tháng 5/2014. Đã năm thứ hai liên tiếp, Mỹ giảm quy mô tham gia cuộc tập trận “Hổ mang Vàng”, mà Thái Lan chủ trì.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho biết: “Người Mỹ không bán vũ khí cho Thái Lan vì gần đây chúng tôi bị hạn hẹp về ngân sách”.
Ngược lại Thái Lan và Nga đang ngày càng trở nên thân thiết. Từ khi nắm quyền đến nay, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha đã ba lần gặp Thủ tướng Nga Dimitry Medvedev. Mục tiêu lớn của các cuộc đàm phán giữa Thái Lan và Liên bang Nga chủ yếu là về quốc phòng.
Thái Lan chuẩn bị ký thỏa thuận chống khủng bố với Nga và đang xem xét mua các thiết bị như trực thăng để phục vụ ứng phó thảm họa, theo tường thuật của Reuters ngày 22/2.
Như vậy là Thái Lan dư thừa gạo và cao su nhưng thiếu tiền mua vũ khí. Trong khi khủng bố đã tấn công Bangkok rồi chứ không còn ở Songkhla hay Narathiwat ở miền nam nữa.
Việc chính phủ Thái Lan thực hiện cơ chế đổi nông sản lấy trực thăng là một trong những “cái khôn” ló ra từ “thế khó” và rất hay. Với cơ chế “hàng đổi hàng” này sẽ giúp cho việc trang bị vũ khí chống khủng bố không còn quá nặng nề với chính quyền Thái Lan nữa.
Có thể thấy rằng việc bán nông sản, mua vũ khí thông qua công cụ trung gian – tiền tệ – sẽ khiến cho người Thái thiệt thòi, hơn nữa thời gian thực hiện kéo dài, bởi suy thoái của kinh tế toàn cầu vẫn chưa khởi sắc.
Việc bán hàng triệu tấn gạo, hàng chục ngàn tấn cao su để lấy ngoại tệ mua khí tài sẽ khiến Thái Lan gặp khó ngay từ việc giao dịch, đấu thầu đến giao nhận và ngay cả thanh toán, cho dù Thái Lan chấp nhận thua thiệt đi chăng nữa.
Trong khi đó, với chiến lược quay trở lại với những người bạn “mới mà cũ” tại Đông Nam Á, Nga cũng đối mặt với không ít khó khăn, mà cụ thể là chạm mặt cả đối thủ lẫn đồng minh là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Rõ ràng, cả thế và lực của Nga đề không thề so với hai đối thủ lớn nhất nhì thế giới này. Nga sẽ có thể bị bóp nghẹt giữa hai gọng kìm “đồng minh – đối thủ” này nếu Nga không tìm ra cách tiếp cận phù hợp.
Để hy vọng chiến thắng trong thế thua kém thì Nga chỉ còn một cách là tạo cơ chế linh hoạt cho sự hợp tác với những người bạn “mới mà cũ” này. Việc cùng với đối tác xây dựng cơ chế nhằm tạo điều kiện tối đa cho họ, khai thác những thế mạnh của họ là cần thiết và quan trọng nhất.
Vì vậy, việc Liên bang Nga chấp nhận thực hiện cơ chế đổi trực thăng lấy gạo và cao su của Thái Lan là rất thiết thực giúp cho Nga có thể bám rễ tại vùng đất này.
Theo người viết, sự thân thiện qua cơ chế “hàng đổi hàng” giữa Nga và Thái Lan sẽ tao ra nhiều cơ hội cho cả hai bên, mà quan trọng nhất là nó sẽ tạo ra nền tảng cho việc hợp tác toàn diện giữa Nga và Thái Lan, chứ không chỉ còn liên quan đến vũ khí và an ninh.
Cùng với quan hệ truyền thống Việt Nam – Liên bang Nga, quan hệ đối tác toàn diện Thái Lan – Liên bang Nga sẽ giúp Moscow có thể bước hai chân một cách vững vàng quay trở lại “chiến trường xưa”.
Việt Nam có thể đổi nông sản lấy vũ khí Mỹ?
Với cam kết lịch sử của Tổng thống Mỹ Batak Obama ngày 23/5 tại Hà Nội là Hoa Kỳ quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, giới quan sát cho rằng đây là một cơ hội cho Việt Nam từng bước tăng cường sức mạnh quân sự.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hà Nội, ảnh: arabianbusiness.com. |
Động thái này sẽ giúp Việt Nam đối phó hữu hiệu với những bất ổn đang đe doạ chủ quyền quốc gia của mình. 50 năm qua, lệnh cấm này đã khiến cho Việt Nam không thể đa dạng hoá tiềm lực quân sự cho mình.
Có thể thấy răng, hơn 20 năm sau ngày cựu Tổng thống Bill Clinton xoá cấm vận cho Việt Nam, quan hệ Việt – Mỹ phát triển rất mạnh mẽ và tạo ra nhiều thành quả ngoài mong đợi trong tất cả các lĩnh vực, nhất là về kinh tế.
Mỹ nhanh chóng trở thành đối tác có tổng giá trị giao dịch thương mại lớn nhất của Việt Nam. Còn Việt Nam thì đã trở thành một trong 10 quốc gia có giá trị xuất siêu lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ vào năm 2015.
Tất cả những thế mạnh vốn có của Việt Nam đã được khai thác tốt nhất có thể, qua đó tạo nên những thành quả đáng ngưỡng mộ trong quan hệ hợp tác với Mỹ.
Sau hơn 20 năm, Tổng thống Obama lại thực hiện xoá một lệnh cấm, lệnh cấm vận cuối cùng. Bước đột phá này tạo nên một sự kiện lịch sử nữa trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Obama xoá lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam có tạo ra cơ hội cho Việt Nam tăng cường sức mạnh hay không thì lại là chuyện khác.
Cần phải thấy rằng, điều nhất khiến cho quan hệ Việt – Mỹ phát triển nhanh sau khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Việt Nam vào năm 1995 là do Việt Nam có “vốn đối ứng” của mình – đó là có thế mạnh có thể khai thác được những lợi ích của mình bị cấm vận làm rào cản.
Ngay từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã chuẩn bị cả thế và lực sẵn sàng cho hậu cấm vận của Mỹ. Và ngay khi cấm vận được dỡ bỏ thì tất cả những thế và lực đều được khai thác.
Với việc xoá bỏ lệnh cấm bán vũ khí lần này của Mỹ thì Việt Nam có gì để khai thác để tạo nên thế và lực cho mình trong việc bảo vệ an ninh đất nước và chủ quyền quốc gia?
Dường như Việt Nam chưa có gì cả. Việt Nam chưa phải là nước có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển nên “vốn đối ứng” của Việt Nam trong lĩnh vực này không thể là thiết bị hay trình độ kỹ thuật.
Do vậy, để khai thác việc xoá lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam của Tổng thống Obama thì phải có tiền, và Việt Nam chỉ có thể là bên mua mà thôi.
Trong thời buổi khó khăn này, việc phát triển tiềm lực quốc phòng khiến cho ngân sách nhà nước Việt Nam thêm gánh nặng, song mối đe doạ non song bờ cõi thì lại không thể xem thường. Nên chăng Việt Nam và Hoa Kỳ có thể thực hiện cơ chế “đổi nông sản lấy vũ khí” như Liên bang Nga và Thái Lan?
Người viết cho rằng, điều đó hoàn toàn có thể thực hiện được nếu Việt Nam xây dựng được cơ chế phù hợp với luật pháp Hoa Kỳ và đảm bảo lợi ích cho Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.
Và phải khẳng định là ,Việt Nam có lợi khi triển khai được cơ chế “hàng đổi hàng” trong việc mua vũ ký của Hoa Kỳ. Việt Nam và Thái Lan có những tương đồng trong việc khó khăn tiêu thụ hàng nông sản nên những lợi ích của Thái Lan khi mua vũ khí của Nga cũng là lợi ích của Việt Nam.
Thậm chí, so với Thái Lan thì Việt Nam còn có những lợi ích lớn hơn nữa, bởi 3 lẽ. Thứ nhất, Hoa Kỳ đang là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, chứ không như Nga với Thái Lan.
Thứ hai, Việt Nam đang là nền kinh tế phi thị trường trong quan hệ với Mỹ, chứ không như Thái Lan ngang bằng với Liên bang Nga. Thứ ba, quan hệ Việt – Mỹ đã dần trở thành truyền thống chứ không phải mới khởi phát như quan hệ Nga – Thái.
Với cơ chế đặc thù trong giao dịch mua bán vũ khí, hàng hoá nông lâm thuỷ hải sản Việt Nam có thể vượt qua những rào cản của nền kinh tế phi thị trường, như bán phá giá chẳng hạn, để vào thị trường Mỹ.
Khi “hàng đổi hàng” thì hai bên có cơ chế kiểm soát và kiềm chế nhau chủ yếu về chất lượng hàng hoá, chứ không phải là quy luật của thị trường tự do bao gồm cả chất lượng, giá cả và các dịch vụ hậu mãi khác.
Việt Nam đang là đối tác thương mại của Mỹ nên có thể đa đạng hàng hoá trong trao đổi, vì vậy Việt Nam có thể khai thác thế mạnh của mình trong nhiều lĩnh vực hàng hoá để đổi lấy vũ khí của Hoa Kỳ.
Có thể thấy rằng, một cơ chế vừa làm giàu – vừa bảo vệ đất nước đã hiển hiện, chỉ chờ khả năng hiện thực hoá của chúng ta mà thôi. Và cũng không quá khi cho rằng, đây mới là điều mà Bắc Kinh lo ngại khi Hoa Kỷ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam.
Trong chiến tranh, Việt Nam cũng đã có thời gian thực hiện cơ chế “hàng đổi hàng” để lấy sự trợ giúp của các nước anh em – bao gồm cà vũ khí, đạn dược – trong đó có Liên Xô và Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ chế lúc này không còn là “anh em cùng một chiến hào” giúp nhau nữa mà là đói tác.
Vì vậy, dù việc Hoa Kỳ xoá lệnh cấm bán vũ khi cho Việt Nam là cơ hội, nhưng nếu không có cơ chế khai thác được cơ hội ấy thì việc cấm hay bỏ cũng như không.
Liệu Việt Nam có thực hiện được mong muốn của Tổng thống Obama: “Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán thiết bị quân sự cho Việt Nam đã áp dụng khoảng 50 năm nay. Dù việc mua bán này vẫn sẽ phải đáp ứng những điều kiện gắt gao. nhưng sự thay đổi này bảo đảm cho Việt Nam tiếp cận được với các thiết bị cần thiết để tự bảo vệ”?
Điều này phụ thuộc vào khả năng của chính Việt Nam khai thác thế mạnh của mình, cơ chế “đổi nông sản lấy vũ khi” mà Thái Lan thực hiện là một bài học hay mà Việt Nam có thể vận dụng.