Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinÔng Tập Cận Bình xử lý di họa do ông Giang Trạch...

Ông Tập Cận Bình xử lý di họa do ông Giang Trạch Dân để lại

Gần đây cộng đồng mạng Trung Quốc lại dậy sóng vì việc hệ thống Công an liên tục lạm dụng chức quyền sử dụng vũ lực đối với người dân, đặc biệt nổi cộm là hai sự kiện “mông trổ hoa“của sinh viên Đại học Lan Châu và “chết vì gái điếm” của anh Lôi Dương ở Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình đang phải vẽ lại bức tranh xã hội u ám vì tình cảnh loạn lạc của ngành Công an Trung Quốc, ngày càng nhiều cảnh sát Trung Quốc vi phạm pháp luật trong ứng xử với người dân (Ảnh: Photos.com).

Hai sự kiện bị hệ thống Công an lạm dụng vũ lực

Tối ngày 7/5, anh Lôi Dương ở quận Xương Bình thành phố Bắc Kinh trên đường đi đến sân bay thì bị cảnh sát bắt vì tình nghi “đi chơi gái điếm”, anh bị chết vào ngay buổi tối hôm đó.  Khi kiểm tra thi thể, người nhà thấy người anh Lôi Dương đầy thương tích, tinh hoàn to khác thường. Sự việc đã gây xôn xao dư luận, nhiều người khẳng định chính cảnh sát đã đánh chết anh Lôi Dương.

Ngày 17/5, gia đình nạn nhân đã nhờ luật sư gửi đơn kiện đến Viện Kiểm sát thành phố Bắc Kinh liên quan đến “tội lạm dụng chức quyền đánh chết người và ngụy tạo chứng cứ của cảnh sát”.

Một sự kiện khác xảy ra vào tối ngày 16/5, có hai sinh viên Đại học Lan Châu vì quay lại cảnh hành xử thô bạo của cảnh sát đã bị bắt về đồn tra tấn bạt tai và dùng gậy đánh bầm dập mông. Hiện nay, hình ảnh thương tích của hai sinh viên này đang lan truyền rộng rãi trên mạng Weibo. Sau sự kiện, công an tỉnh Cam Túc đã thành lập tổ điều tra, cách chức và bắt giam hai cán bộ cảnh sát liên quan.

Hai sự kiện trên đã khiến cộng đồng mạng cảm thấy bất bình và phẫn uất vì cách hành xử bất nhân và bạo ngược của hệ thống Công an Trung Quốc.

Ngày 20/5, Thời báo New York đưa tin, nhiều người Trung Quốc đã chia sẻ tâm trạng trên trang mạng cộng đồng Weibo thể hiện nỗi bức xúc về vấn đề chấp pháp bất nhân của cảnh sát ngày càng phổ biến, họ gọi công an là “bầy thổ phỉ”, “đất nước không có công an, chỉ có bọn cướp mặc đồng phục công an”.

Nhiều nhà bình luận cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng lộn xộn trong ngành công an Trung Quốc hiện nay có nguồn gốc từ chính sách bức hại Pháp Luân Công của ông Giang Trạch Dân.

Chính sách bức hại Pháp Luân Công làm sụp đổ hệ thống pháp luật Trung Quốc

Ngày 20/7/1999, cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân tự ý ra chính sách bức hại đoàn thể người theo Pháp Luân Công tu luyện Chân – Thiện – Nhẫn. Chính sách bức hại Pháp Luân Công của ông Giang Trạch Dân đã đẩy quyền lực của Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung Quốc đến mức vô giới hạn, kéo theo những tâm phúc của ông Giang như La Cán được nhậm chức Bí thư Ban Chính pháp, còn Chu Vĩnh Khang được vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị…

Ông Giang Trạch Dân còn cho thành lập hệ thống đứng ngoài vòng pháp luật là Phòng 610 để chuyên làm nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công. Văn phòng này có quyền lực bao trùm hệ thống Cảnh sát Vũ trang, Quốc an, Viện Kiểm sát, Tòa án, Công an, thông qua Ủy ban Chính pháp Trung ương; ngoài ra hệ thống này còn có quyền sử dụng nguồn lực của các cơ quan ngoại giao, giáo dục, tư pháp, quân sự, y tế, trở thành trung tâm quyền lực thứ hai của Trung ương. Trong chính sách bức hại Pháp Luân Công, Ủy ban Chính pháp và Phòng 610 đã không bị chế ước bởi bất cứ điều luật nào.

Ông Giang Trạch Dân còn đưa ra khẩu hiệu “Bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”, “Đánh chết xem như vô tội”, “Đánh chết xem như tự sát”, “Hỏa thiêu mà không cần khám nghiệm tử thi”… đối với bức hại Pháp Luân Công.

Với chính sách này, vô số học viên Pháp Luân Công đã chịu oan nhiều loại cực hình khác nhau: tịch thu tài sản, bắt cóc, giam cầm, kết án, đánh đập, tra điện, hãm hiếp, tiêm thuốc làm hỏng hệ thống thần kinh trung ương, nhiều người đã bị bức hại đến chết, thậm chí hàng chục ngàn đến hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị mổ cướp nội tạng.

Như vậy, Ủy ban Chính pháp và Phòng 610 Trung Quốc đã biến hệ thống quyền lực Công an – Viện Kiểm sát – Tòa án thành hệ thống xã hội đen. Từ đây, thủ đoạn bạo lực này bị lạm dụng và lan rộng sang áp dụng đối với toàn thể người dân Trung Quốc, gây ra thảm họa loạn lạc vô nguyên tắc trong ngành Công an Trung Quốc hiện nay. Đây cũng là ý kiến chia sẻ của ông Đường Bách Kiều, Hiệu trưởng Đại học Dân Chủ Trung Quốc.

Nhiều lần chỉnh đốn hệ thống Chính pháp

Những năm gần đây, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình muốn đưa cục diện xã hội Trung Quốc trở lại đúng quỹ đạo pháp trị, giải quyết tệ nạn do ông Giang Trạch Dân gây ra.

Ngày 7/1/2014,  ông Tập Cận Bình đã phát biểu tại Hội nghị Công tác Chính pháp Trung Quốc nhấn mạnh tình trạng nhiễu loạn của bộ máy này. Ví dụ, một số cơ quan thực thi pháp luật và cán bộ thực thi pháp luật hành xử tùy tiện vượt quá thẩm quyền pháp luật cho phép; lập án không đúng thẩm quyền; lạm dụng các biện pháp cưỡng chế, vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…

Nhà lãnh đạo này cũng thường xuyên xử lý những quan to thuộc phe cánh ông Giang Trạch Dân, nhiều người bị khống chế, ngã ngựa (đặc biệt là Chu Vĩnh Khang, Lý Đông Sinh…)

Ngày 21/4 vừa qua, truyền thông chính thống Trung Quốc đưa tin, ông Tập Cận Bình và ông Lý Khắc Cường đã có những động thái đối với công tác tố cáo khiếu nại, theo đó yêu cầu “phải giải quyết thỏa đáng quyền và lợi ích tố cáo khiếu nại của nhân dân, cố gắng hóa giải những mâu thuẫn để bảo vệ lợi ích hợp pháp của quần chúng nhân dân”…

Ngày 22 và 23/4, ông Tập Cận Bình tham dự Hội nghị Công tác tôn giáo toàn quốc, trong phát biểu tại Hội nghị đã nhấn mạnh cần “quản lý công tác tôn giáo đúng pháp luật”, “nâng cao toàn diện trình độ người làm công tác tôn giáo”…

Ngày 25/4, truyền thông chính thống Trung Quốc Đại Lục đưa tin hiện công tác điều chỉnh đội ngũ cán bộ Chính pháp đang được lãnh đạo đương nhiệm đẩy mạnh.

Ngày 25/4 là ngày kỷ niệm sự kiện kháng nghị ôn hòa quy mô lớn của học viên Pháp Luân Công diễn ra vào ngày 25/4/1999 tại Trung Nam Hải. Ngay thời điểm “nhạy cảm” này, những động thái liên quan của nhà lãnh đạo Trung Quốc này khiến nhiều nhà bình luận chú ý.

Sáng ngày 20/5 vừa qua, ông Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị lần thứ 24 Ban Lãnh đạo Cải cách Trung ương, đã thông qua “Quy định về Chuẩn mực trong hoạt động chấp pháp ngành Công an”.

Hội nghị nhấn mạnh, phải chuẩn hóa công tác quản lý hệ thống thực thi pháp luật, thông tin hóa quá trình thực thi pháp luật, không ngừng nâng cao độ tin cậy của việc thực thi pháp luật; phải giám sát nghiêm ngặt công tác thực thi pháp luật, giải quyết các vấn đề nổi bật của việc thực thi pháp luật, giúp người dân cảm nhận được “giá trị công bằng xã hội”.

Hành động của ông Tập nhằm đẩy mạnh hơn hoạt động giám sát thực thi pháp luật, để giải quyết thực trạng bất mãn trong nhân dân đang ngày càng lên cao vì tình trạng lộng hành của giới cảnh sát, làm xã hội đầy bất an.

Nhà bình luận Lam Tân cho rằng, hành động của ông Tập Cận Bình cho thấy lãnh đạo đương nhiệm hiện nay đang muốn chấm dứt triệt để con đường tàn bạo bức hại Pháp Luân Công của ông Giang Trạch Dân.

RELATED ARTICLES

Tin mới