Saturday, November 23, 2024
Trang chủĐàm luậnCần trang bị vũ khí cho ngư dân Việt không?

Cần trang bị vũ khí cho ngư dân Việt không?

Thời gian gần đây về tình hình Biển Đông, dư luận đặc biệt lo ngại về việc Trung Quốc trang bị vũ khí hạng nhẹ và huấn luyện tác chiến trên biển cho ngư dân. Có lẽ Trung Quốc đang ngấm ngầm thực hiện chiến lược “chiến tranh nhân dân trên biển” và dùng đội dân binh này để làm lính xung kích trong việc xâm chiếm các đảo, đồng thời tạo ra một đội quân kẻ cướp, mang tính côn đồ, hung hãn… Gây nỗi khiếp sợ cho ngư dân các nước khác khi phải đụng chạm với tàu cá Trung Quốc, mà trong đó đối tượng của tàu Trung Quốc nhắm đến là tàu cá Việt Nam.

Những vụ tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm, rồi những vụ ngư dân Việt bị đánh đập, cướp bóc, bị cắt lưới, phá tàu, xảy ra có chiều hướng ngày một gia tăng. Chính phủ Việt Nam vẫn cứ tôn trọng những điều đã từng cam kết với Chính phủ Trung Quốc: nào là giữ tình hữu nghị, rồi không làm gì căng thẳng trên biển, nào là phải giữ quan hệ bốn tốt… Cho nên, khi tàu của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm thì vẫn sợ mất lòng “ông bạn lớn”, mà chỉ hay nói “bị tàu lạ”.

Tàu cá Trung Quốc thường là tàu vỏ sắt, có tải trọng lớn, có công suất lớn và khi họ đi thì bố trí rất bài bản, có đội, có đoàn hẳn hoi, chứ không như tàu cá Việt Nam hay hoạt động đơn lẻ. Cho nên, một khi gặp nhau ở trên các ngư trường, tàu cá Trung Quốc sẵn sàng gây sự. Không những chỉ lao vào va ủi, mà họ còn nổ súng. Trong tình cảnh ấy, tàu cá Việt Nam chỉ còn mỗi một nước, hoặc là bỏ chạy, nếu không kịp thì đành chịu để cho tàu Trung Quốc hành hung.

Vậy Việt Nam phải bảo vệ ngư dân bằng cách nào? Và ngư dân phải tự bảo vệ bằng cách nào?

Không thể bảo vệ ngư dân bằng những công hàm hoặc bằng những lời phản đối, mà có nói cũng chẳng ai nghe. Bởi dùng ngư dân làm những tên lính xung kích đó là một kế hoạch nằm trong chuỗi âm mưu bành trướng và độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam cũng đã có nhiều hình thức bảo vệ ngư dân bằng cách hướng dẫn cho họ hoạt động theo từng đội, trang bị hệ thống thông tin liên lạc tốt hơn để kịp thời thông báo cho nhau, và ứng cứu kịp thời.

Lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam cũng tăng cường tuần tra và thậm chí, phải có mặt thường xuyên ở những ngư trường truyền thống. Nhưng như thế chưa đủ, đã đến lúc người dân phải tự bảo vệ mình và Chính phủ Việt Nam cũng phải có cách bảo vệ ngư dân. Mà cách tốt nhất là nên trang bị vũ khí cho họ. Không thể dùng lời để nói chuyện với súng đạn, không thể đưa lý lẽ chủ quyền để nói chuyện với kẻ cướp. Một khi bị xâm hại, thì người dân phải có đủ phương tiện để tự bảo vệ mình, mà một trong những phương tiện quan trọng là phải có vũ khí.

Nghe nói, ý tưởng trang bị vũ khí cho ngư dân đi đánh bắt xa bờ đã có từ mấy năm trước, nhưng rồi lại sợ rằng sẽ gây ra một cuộc chạy đua vũ trang với ngư dân trên biển, rồi cũng lại sợ rằng ngư dân sẽ dùng vũ khí đấy gây mất trật tự trị an trên biển, hay nói nôm na là khó có thể quản lý được.

Ở Việt Nam, ai cũng biết rằng hay có tư duy “Quản không được thì cấm” cho nên chính vì sợ không quản lý được nên chính quyền không xem xét đến việc trang bị vũ khí cho ngư dân. Khi không trang bị vũ khí cho ngư dân thì có nghĩa là, người dân không còn cách nào để tự bảo vệ mình, và như vậy sẽ dẫn đén một hiện tượng, là người dân phải tự trang bị vũ khí. Và khi đấy, có giời mà biết hậu quả sẽ xảy ra như thế nào.

Sĩ Tâm

RELATED ARTICLES

Tin mới