Chuyên gia quân sự Nga vừa đưa ra bình luận rằng, thủy phi cơ Giao Long của Trung Quốc có thể trở thành một vũ khí nham hiểm ở Biển Đông.
Công ty tập đoàn công nghiệp hàng không Trung Quốc (AVIC) công bố đầy đủ hình ảnh chiếc thủy phi cơ Giao Long AG-600 loại lớn của Trung Quốc và tự hào tuyên bố Giao Long là loại phi cơ lưỡng dụng thủy lục (thủy phi cơ) lớn nhất thế giới, với khả năng chở được 50 hành khách trong vai trò tìm kiếm và cứu nạn.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin đã bình luận trên trang mạng “Vệ tinh” của Nga (tức Sputnik phiên bản tiếng Trung – SputnikChinese) rằng, tuyên bố của AVIC là hoàn toàn không có cơ sở, Giao Long hoàn toàn không phải là mô hình thử nghiệm lớn nhất trong các loại thủy phi cơ trên thế giới.
Năm 1994, loại thủy phi cơ “Hải Âu” A-40 (Beriev A-40 Albatros, hay còn gọi là Be-42, NATO: Mermaid) của Liên Xô/Nga đã vượt qua các thử nghiệm bay và thử nghiệm cấp quốc gia, tuy nhiên sau đó do những nguyên nhân về kinh tế nên loại máy bay này không được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Trọng lượng cất cánh lớn nhất của AG-600 là 53,3 tấn và tầm hoạt động là 5000km, trong khi chỉ số này của loại máy bay lưỡng dụng cỡ lớn mang tên A-40 được Liên Xô thử nghiệm vào những năm 80 là 90 tấn, còn loại Shinmaywa US-2 của Nhật Bản có trọng lượng cất cánh tối đa là 47,7 tấn.
Như vậy, các tham số của A-40 vượt trội AG-600, nhưng hiện nay Nga không sản xuất hàng loạt loại thủy phi cơ này. Do đó, chỉ đến thời điểm “Giao Long” được sản xuất hàng loạt, thì nó mới trở thành loại máy bay lưỡng dụng thủy lục lớn nhất.
Cận cảnh dây chuyền lắp ráp và chân vịt mà Giao Long 600 sử dụng là JL-4A/1
Hiện nay, các đơn đặt hàng của quân đội Nga chỉ hạn chế với số lượng khiêm tốn cho loại máy bay lưỡng dụng Be-200 có trọng tải cất cánh hơn 40 tấn, được sử dụng cho nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy, cứu hộ và giao thông vận tải.
Thế nhưng, cấu tạo phần đầu loại thủy phi cơ Be-200 khá nhỏ, các tính năng về hành trình có những hạn chế nhất định. Be-200 chỉ có thể cất, hạ cánh trong điều kiện sóng biển cao 1,2m, trong khi A-40 có thể cất hạ cánh ở điều kiện sóng cao 2,2m (chỉ số này của AG-600 là 2m và US-2 lên tới 3m).
Ngoài ra, A-40 còn có những ưu thế khác so với Be-200 và AG-600 như nó sử dụng động cơ phản lực công suất lớn, có thể đạt tốc độ 800km/h, có tầm bay ước tính khoảng 5500km, trong khi AG-600 chỉ bay xa tới gần 5000km, còn US-2 của Nhật là 4700km.
Khác với Be-200 sử dụng động cơ do Ukraine chế tạo, A-40 được trang bị động cơ D-30 do Nga sản xuất và đã được sử dụng từ khá lâu (Trung Quốc mua số lượng lớn các động cơ cải tiến sử dụng D-30KP-2 dùng cho các máy bay IL-76, Y-20 và H6K).
Nga khó tái sản xuất A-40 nhưng Trung Quốc rất cần AG-600
Cách đây không lâu, vào tháng 3/2016, ông Gennady Zagonov – Tư lệnh lực lượng hàng không hải quân hạm đội Biển Đen đã đề cập đến khả năng Nga sẽ khởi động chương trình sản xuất A-40 nhằm thay thế thủy phi cơ Be-12, hiện đang biên chế trong các hạm đội hải quân Nga.
Nếu tái sản xuất A-40, yêu cầu nâng cấp chính của nó là nằm ở các thiết bị điện tử và hệ thống vũ khí. Đây cũng là điểm mạnh nhất của A-40 so với các loại máy bay khác bởi nó thực sự là loại thủy phi cơ ném bom, với khả năng mang tới 6,5 tấn vũ khí,
Thông tin này khiến rất nhiều người kinh ngạc. Mọi người đều cho rằng, sau khi Liên bang Xô viết tan rã, quân đội Nga và nhiều quốc gia khác đã hoàn toàn không còn hứng thú với loại máy bay này.
Về góc độ kỹ thuật, việc khôi phục sản xuất A-40 cũng không phải là vấn đề khó khăn, bởi cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một số lượng các loại thủy phi cơ loại này đã trải qua thử nghiệm cấp quốc gia (tức là hoàn thiện các tính năng).
Tuy nhiên, có không ít chuyên gia Nga phản đối việc đầu tư cho các loại thủy phi cơ, bởi ưu thế của loại máy bay tương đối phổ biến này thực sự không rõ ràng.
So sánh kích thước của Be-200 và A-40 (Be-42)
Nếu như một máy bay tuần tra thông thường cũng có thể hoàn thành nhiệm vụ trinh sát phát hiện tàu ngầm, mà với nhiệm vụ cứu hỏa thì các máy bay vận tải đời cũ được cải tiến và tái trang bị có thể đảm nhiệm, thì lý do phát triển thủy phi cơ khiến người ta khó có thể chấp nhận.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nga, Trung Quốc đang ở một hoàn cảnh đặc biệt, bởi nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của lực lượng hải quân nước này là chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột ở Biển Đông. Ở khu vực này, lợi thế là ở số lượng các đảo mà Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát.
Các đảo ở khu vực Biển Đông tương đối nhỏ, khó bố trí quân, dùng máy bay trực thăng để vận chuyển thì quá xa, dùng máy bay vận tải cánh cố định sẽ không có đường băng đủ lớn để cất, hạ cánh.
Chuyên gia Nga cho rằng, nếu có thủy phi cơ, Trung Quốc sẽ nắm được ưu thế rất lớn, bởi loại máy bay này có thể hạ cánh ở vùng nước gần bờ, sử dụng nó để điều chuyển binh lực và cung cấp vật tư trang bị cho các đảo sẽ rất thuận tiện và nguy hiểm trong tác chiến trên Biển Đông.