Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCarl Thayer: Việt Nam là câu chuyện thành công của Mỹ ở...

Carl Thayer: Việt Nam là câu chuyện thành công của Mỹ ở châu Á

Giáo sư người Australia Carl Thayer dự đoán chính sách của Mỹ đối với Việt Nam sẽ có tính liên tục sau khi ông Obama rời ghế tổng thống Mỹ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc hội đàm ở Hà Nội. Ảnh: Reuters

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, trao đổi về kết quả chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama và triển vọng quan hệ Việt – Mỹ.

– Quan hệ Việt – Mỹ sẽ thay đổi như thế nào sau chuyến công du của Tổng thống Obama?

– Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Mỹ đã cam kết tăng cường hợp tác trên tất cả lĩnh vực cùng quan tâm, đã được nêu trong thỏa thuận về Đối tác Toàn diện năm 2013, trong các lĩnh vực tác kinh tế, giáo dục, khoa học và công nghệ, y tế, an ninh, quốc phòng, giao lưu nhân dân, nhân quyền, hỗ trợ nhân đạo và xử lý hậu quả chiến tranh Việt Nam. Họ đã thống nhất thiết lập một cơ chế cấp cao giám sát hợp tác song phương theo thỏa thuận này.

Là một cường quốc quốc tế, Mỹ sẽ tìm cách thúc đẩy quan hệ với Việt Nam trong tương lai. Mỹ coi trọng vai trò mang tính xây dựng của Việt Nam trong vấn đề an ninh khu vực và thế giới, mong muốn hợp tác với Việt Nam để giải quyết các vấn đề toàn cầu, từ biến đổi khí hậu, đối phó khủng bố, cho đến không phổ biến vũ khí hạt nhân.

– Chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam mang lại gì cho chính sách tái cân bằng của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương?

– Chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam là nhằm thể hiện một trong những câu chuyện thành công của chính sách mang dấu ấn ông Obama – tái cân bằng ở châu Á.

Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công của ông Obama ở châu Á. Năm 2013, hai bên đã ký Thỏa thuận về Đối tác Toàn diện. Năm 2015, hai bên ra tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ quốc phòng Việt – Mỹ. Tổng thống Obama và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra tuyên bố về tầm nhìn chung, thể hiện sự tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào đầu năm nay.

Chính sách tái cân bằng của ông Obama đã chứng kiến ​​hợp tác quốc phòng gia tăng trong một số lĩnh vực như hoạt động của hải quân, để thực hành Quy tắc về Chạm trán Bất ngờ trên biển (CUES). Mỹ đã hỗ trợ một phần để giúp Việt Nam phát triển năng lực của lực lượng tuần duyên và kiểm ngư.

Mỹ đang hỗ trợ Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam để giúp Việt Nam triển khai một bệnh viện dã chiến cấp hai cho hoạt động của Liên Hợp Quốc ở châu Phi. Hai bên cũng nhất trí hợp tác trong đối phó với biến đổi khí hậu, kiểm soát dịch bệnh và buôn bán động vật hoang dã.

– Triển vọng quan hệ kinh tế và thương mại Việt – Mỹ sau chuyến thăm của ông Obama?

 – Thương mại Việt – Mỹ đã phát triển mạnh mẽ trong thập kỷ qua. Cùng lúc đó, Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn và ngày càng gia tăng với Trung Quốc. Hàng hóa Việt Nam cần tiếp tục tiếp cận thị trường Mỹ. Tổng thống Obama nói rằng Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Mỹ đứng thứ 7 trong top 10 nhà đầu tư ở Việt Nam nhưng vẫn chưa bằng Nhật Bản hay Hàn Quốc.

Việt Nam, Mỹ cùng 10 nước khác đã đàm phán xong TPP và ký kết thỏa thuận này. Bước tiếp theo là đợi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, có khả năng vào tháng 6 tới. Quốc hội Mỹ cũng cần phê chuẩn hiệp định này.

Hiện không thể xác định Quốc hội Mỹ sẽ làm gì từ nay đến cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm và ngay cả trong giai đoạn từ cuộc bầu cử cho tới tháng 1/2017, khi tổng thống mới nhậm chức.

Tổng thống Obama lạc quan về triển vọng quốc hội Mỹ phê chuẩn hiệp định này. Nhưng trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hiện nay, bà Hillary Clinton từ một người ủng hộ TPP đã bắt đầu chuyển sang xu hướng chỉ trích. Còn ông Donald Trump giữ lập trường cực đoan hơn, ông ấy phản đối tất cả hiệp định thương mại đa phương. Bởi vậy, Việt Nam có thể hy vọng vào những điều tốt đẹp nhất nhưng cũng phải chuẩn bị cho những điều ngược lại liên quan tới TPP.

– Quan hệ Việt – Mỹ được tăng cường có tác động thế nào đến khu vực?

– Nếu chỉ xét riêng đến khu vực Đông Nam Á, Việt Nam ngày càng giữ vị trí cao hơn trong ưu tiên của Mỹ, vì vai trò xây dựng của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và các hoạt động đa phương liên quan đến ASEAN (chẳng hạn như cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN+) và tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á.

Cả Việt Nam và Mỹ đều quan tâm đến việc giải quyết tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và các vấn đề môi trường liên quan đến khu vực sông Mekong. Mỹ xem Việt Nam như một đối tác thúc đẩy trật tự khu vực dựa trên luật pháp, để duy trì luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.

– Dự đoán chính sách của tân tổng thống Mỹ đối với Việt Nam?

– Nếu bà Hillary Clinton đắc cử tổng thống, sẽ có tính liên tục trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam. Bà Clinton có thể rút lại những lời chỉ trích về TPP một khi đã vào Nhà Trắng. Ngay cả khi đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát ở thượng viện Mỹ, bà cũng có thể làm việc với họ, vì họ thường ủng hộ thương mại tự do.

Donald Trump là một người hoàn toàn khác. Ông ấy muốn đặt nước Mỹ lên hàng đầu và muốn Mỹ là một nước “không thể đoán trước”.

Dù tổng thống Mỹ mới có là ai thì người đó cũng cần khoảng 100 ngày để xem xét lại chính sách, lấp đầy chỗ trống chính trị ở Nhà Trắng và chính phủ, và thiết lập các ưu tiên. Tin tốt là Việt Nam không giữ thứ hạng cao trên “radar có vấn đề” của tân tổng thống Mỹ.

Tổng thống mới của Mỹ sẽ phải đối phó với cuộc xung đột ở Trung Đông bao gồm Iraq, Syria và cả Nga và Trung Quốc. Điều này có nghĩa rằng những di sản của ông Obama sẽ có tính liên tục hơn là thay đổi, trong quan hệ với Việt Nam.

RELATED ARTICLES

Tin mới