Nga đang dùng Thổ Nhĩ Kỳ như con tin để ép Mỹ cùng hành động tại Syria khi gặp nhiều bất lợi trên chiến trường.
Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho nhóm cực đoan IS các bộ phận của thiết bị nổ tự chế.
Nga tố Thổ Nhĩ Kỳ cấp thiết bị nổ cho IS
Ngày 25/5, Trong một bức thư gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho nhóm cực đoan IS các bộ phận của thiết bị nổ tự chế.
Theo ông Churkin, các thiết bị nêu trên “đang được sử dụng rộng rãi nhằm gây ra những hành động khủng bố”.
“5 công ty Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp cho IS bột nhôm, ammonium nitrate, hydrogen peroxide và các vật liệu khác do nước này và các công ty nước ngoài sản xuất”, ông Churkin nhấn mạnh.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên.
“Bức thư trên là ví dụ gần đây nhất về chiến dịch tuyên truyền của Nga chống Thổ Nhĩ Kỳ, vì vậy, không cần phải xem xét nó một cách nghiêm túc”, đại điện chính quyền Ankara lên tiếng.
Thực tế đây không phải là lần đầu tiên Moskva lên tiếng cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và dính dáng đến hoạt động của nhóm phần tử khủng bố IS.
Còn nhớ, hôm 5/3, kênh truyền hình RT của Nga đã tung bằng chứng tố cáo chính quyền Erdogan nuôi khủng bố quấy nhiễu Syria.
Theo đó, Lizzie Phelan, phóng viên chiến trường của hãng tin RT đã đi cùng với những chiến binh YPG để điều tra hoạt động đáng ngờ ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria. Cô đã quay được cảnh trại quân sự của Mặt trận al-Nusra, tổ chức bị Mỹ và Nga liệt vào danh sách khủng bố.
Hình ảnh trong clip cho thấy một hàng dài xe tải đến từ Thổ Nhĩ Kỳ ở Bab al-Salam, thị trấn ngoại ô ở phía Bắc Azaz, nơi đang thuộc quyền kiểm soát của al-Nusra.
“Chúng tôi có thể thấy thị trấn Azaz quan trọng đến mức Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm ngăn thị trấn này rơi vào tay lực lượng người Kurd YPG. YPG cho biết họ theo dõi thấy những tuyến hàng tiếp tế vũ khí đạn dược định kỳ từ đất Thổ Nhĩ Kỳ tới các doanh trại của Al-Nusra. Từ xa chúng ta có thể thấy xe quân sự Thổ Nhĩ Kỳ dừng trước một ngôi làng nhỏ mà YPG cho là nơi Al-Nusra dùng để huấn luyện quân”, Lizzie Phelan kể lại.
Trước đó, hôm 15/2, truyền thông Anh dẫn lời giới chức Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ các nhóm thánh chiến và các đội lính đánh thuê xâm nhập Syria bất hợp pháp.
Điện Kremlin cho rằng động thái trên của Ankara nhằm bổ sung lực lượng cho IS và các tổ chức khủng bố khác.
Bên cạnh đó, Moskva cũng nhiều lần chỉ trích việc chính quyền Erdogan nã pháo vào các mục tiêu của lực lượng người Kurd và chính quyền Syria ở miền Bắc Syria, coi đây là hành động khiêu khích.
Nga lợi dụng Thổ Nhĩ Kỳ để ép Mỹ?
Tuyên bố của điện Kremlin được đưa ra trong bối cảnh phiên đàm phán hòa bình về Syria tại Geneva, Thụy Sĩ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và Moskva gặp nhiều bất lợi trên chiến trường. Giới phân tích cho rằng, Nga đang muốn dùng Thổ Nhĩ Kỳ như con tin để ép Mỹ cùng hành động, bắt tay với nước tay trong các kế hoạch tại Syria.
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 24/5, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Moskva sẵn sàng hợp tác với liên minh người Kurd-Arab và liên minh do Mỹ đứng đầu trong một cuộc tấn công nhằm vào thành phố Raqa, nơi được coi là thành trì của phiến quân IS.
“Tôi đã nói với tất cả các bên có thẩm quyền rằng Nga sẵn sàng cho một chiến dịch như vậy”, ông Lavrov khẳng định.
Ngay lập tức, Trung tá Michelle Baldanza, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết Lầu Năm Góc không có kế hoạch tiến hành các chiến dịch chung chống IS ở Syria.
“Chúng tôi hiện không có kế hoạch tham gia các chiến dịch quân sự chung với Nga”, ông Michelle Baldanza khẳng định.
Trước đó hôm 20/5, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đề xuất phối hợp không kích với Washington nhằm vào Mặt trận Nusra cùng các nhóm vũ trang phi pháp khác không ủng hộ lệnh ngừng bắn do hai nước làm trung gian hồi tháng 2.
Ông Shoigu cũng đề xuất tấn công “các đoàn xe chứa vũ khí và đạn dược vượt biên giới Syria – Thổ Nhĩ Kỳ trái phép”.
Tuy nhiên trước lời đề nghị của Moskva, Nhà Trắng đã ngay lập tức lên tiếng từ chối đồng thời thể hiện quan điểm cứng rắn của mình trong mối quan hệ với điện Kremlin.
“Chúng tôi không cộng tác hoặc phối hợp với Nga trong mọi chiến dịch ở Syria”, ông Jeff Davis, người phát ngôn Lầu Năm Góc, phát biểu với báo giới.
Theo ông Davis, Mỹ và Nga có mục tiêu quân sự khác nhau tại Syria. Các chiến dịch của Nga nhằm hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad trong khi Mỹ chỉ tập trung vào làm suy yếu và đánh bại IS.
Không chỉ bị Nhà Trắng từ chối, các căn cứ của không quân Nga tại Syria cũng bị tổ chức IS tấn công.
Mạng tin tình báo Stratfor của Mỹ ngày 24/5 đưa tin các hình ảnh chụp từ vệ tinh dường như cho thấy một căn cứ không quân của Nga ở Syria đã bị hư hại đáng kể sau cuộc tấn công của các tay súng thuộc tổ chức IS.
Dựa trên các tấm hình chụp từ vệ tinh trong ngày 14 và 17/5, Stratfor cho rằng đã có thiệt hại với căn cứ T-4 của Nga tại Syria.
“Căn cứ không quân T4 bị hư hại nặng nề do một cuộc tấn công bằng pháo binh của IS”, Stratfor cho biết.
Bên cạnh đó, phát biểu trước báo giới hôm 24/5, Thiếu tướng Igor Konashenkov thông báo, nước này đã tạm ngừng các cuộc không kích vào các mục tiêu của quân khủng bố trên lãnh thổ Syria theo yêu cầu của một số nhóm vũ trang nổi dậy có ý định tách khỏi tổ chức Mặt trận al-Nusra và tiến tới thực thi thỏa thuận ngừng bắn.
“Trong những ngày qua Trung tâm điều phối đàm phán Nga tại Syria nhận được khoảng 10 bức thư từ những thủ lĩnh cấp cao của các nhóm vũ trang từ nhiều tỉnh khác nhau trên lãnh thổ nước này, đặc biệt là khu vực Aleppo và Damascus với yêu cầu ngừng không kích cho tới khi họ hoàn thành việc phân định ranh giới với các phiến quân của Mặt trận al-Nusra” – ông Konashenkov xác nhận.
Rõ ràng, Nga đang phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn tại chiến trường Syria. Trong khi không có cách nào giải quyết triệt để các nguy cơ, mâu thuẫn đang tồn tại cũng như liên tiếp nhận trái đắng từ Washington, việc biến Thổ Nhĩ Kỳ trở thành mối lo ngại lớn với nền hòa bình tại Syria là cách đơn giản nhưng mang lại nhiều hiệu quả với Moskva vào thời điểm này.