“Lào sẽ tạo môi trường đối thoại “giữa các nước liên quan” ở Biển Đông, ASEAN cần một thái độ thận trọng trong việc ra tuyên bố chung”.
Nikkei Asian Review ngày 29/5 đưa tin, trả lời phỏng vấn báo này Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith hôm 28/5 cho biết, ông sẽ thúc giục các nước liên quan tổ chức các cuộc đối thoại hướng tới việc giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ và hàng hải.
Tờ báo Nhật cho rằng, phát biểu của Thủ tướng Lào có tham chiếu rõ ràng đến Việt Nam và Philippines. Nhận xét của ông Thongloun Sisoulith có ý nghĩa vì Lào đang giữ ghế Chủ tịch luân phiên năm nay của ASEAN.
“Là Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ nỗ lực tạo ra một môi trường thuận lợi cho các cuộc đối thoại tích cực giữa các nước có liên quan”, ông Thongloun nói.
Vị Thủ tướng Lào cho rằng, ASEAN cần một thái độ thận trọng khi ra tuyên bố chung về phán quyết của PCA. Ông lưu ý, ASEAN hoạt động trên cơ sở đồng thuận. Tuy nhiên không phải chuyện dễ dàng để ASEAN ra tuyên bố chung đáp ứng yêu cầu của Philippines.
Theo Nikkei Asian Review, Philippines và Việt Nam đang gặp khó khăn trong việc chống lại các hành vi leo thang, bành trướng ngày một hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Cả hai nước đã yêu cầu ASEAN thống nhất trong phản ứng về vấn đề Biển Đông.
Hiện, 10 nước ASEAN đang chia rẽ về việc có ra một tuyên bố chung hay không. Trong khi một số nước gồm Singapore tích cực ủng hộ, thì một số nước khác như Campuchia vẫn phản đối.
Trước đó, hôm 25/5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào, Thượng tướng Chanxamone Channhalath cho hay Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN đã ký Tuyên bố chung nhấn mạnh cam kết của tất cả các bên trong việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), nguyên tắc 6 điểm của ASEAN trên Biển Đông và Tuyên bố chung tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Trung Quốc lần thứ 15.
Tàu hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận mới đây gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: 81.CN |
Nguyên tắc 6 điểm nói trên, được công bố hồi tháng 7.2012, gồm: 1. Thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); 2. Ủng hộ các nguyên tắc thực thi DOC đưa ra năm 2011; 3. Sớm đạt được Bộ
Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC); 4. Tôn trọng hoàn toàn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS); 5. Tất cả các bên tiếp tục kiềm chế và không sử dụng vũ lực; 6. Giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.