Thursday, April 25, 2024
Trang chủBiển nóngTrung Quốc có chia rẽ được ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Trung Quốc có chia rẽ được ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Trong bối cảnh tình hình căng thẳng ở Biển Đông đang ngày càng leo thang căng thẳng do các hành động phi pháp và khiêu khích của Trung Quốc. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trước tình hình đó, ASEAN có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định của khu vực cũng như thúc đẩy các biện pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc đang ngày càng sử dụng ảnh hưởng chính trị, quân sự, ngoại giao và sức mạnh kinh tế để lôi kéo, chia rẽ các nước ASEAN, khiến ASEAN mất đoàn kết và không có lập trường chung trong vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng tại ASEAN

Trung Quốc đang thực hiện nhiều biện pháp để chia rẽ các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông

Thứ nhất, Trung Quốc không thay đổi quan điểm cho rằng, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, Trung Quốc sẽ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương trực tiếp với nước liên quan; bao biện cho việc xây dựng, cải tạo phi pháp các thực thể ở Biển Đông (đá, bãi cạn) chỉ phục vụ mục đích dân sự như chống cướp biển, hỗ trợ tàu thuyền đi lại và ngư dân đánh bắt cá trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần khẳng định vấn đề Biển Đông không liên quan đến ASEAN, Trung Quốc phản đối các nước sử dụng vấn đề Biển Đông để gây tổn hại cho “mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Trung Quốc và ASEAN”.

Thứ hai, Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế và các khoản viện trở, đầu tư thương mại để mua chuộc, ép buộc một số nước phải nghe theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Ngân hàng xây dựng Trung Quốc – CCB (25/4) đã ký với Cơ quan Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore bản ghi nhớ giữa CCB với các quốc gia ASEAN. Theo đó, CCB sẽ cung cấp 30 tỉ SGD (22,2 tỉ USD) cho các công ty hai nước thực hiện những dự án hạ tầng trong chiến lược “Một vành đai, Một con đường” nhằm tạo ảnh hưởng bao trùm khu vực rộng lớn từ Trung, Nam Á đến tận Châu Âu của Trung Quốc. Trung Quốc cũng tăng cường đầu tư vào các nước, nhất là Campuchia. Theo con số chính thức được công bố, riêng trong năm ngoái, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia lên tới con số 1,9 tỉ USD, cao gấp hai lần tổng đầu tư của các nước ASAEN và 10 lần so với đầu tư của Mỹ vào Campuchia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương nhiều mặt với các nước ASEA không có tranh chấp Biển Đông. Ông Dương Khiết Trì từng khẳng định,Trung Quốc sẽ thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương về thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh với Indonesia, đồng thời đưa mối quan hệ Trung Quốc – Indonesia sang thời kỳ phát triển mới; tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác với Brunei và Malaysia trên mọi lĩnh vực, nhất là trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Ngoài ra, hiện nay Trung Quôc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và các nước ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc. Theo Báo cáo của Hội đồng thương mại Trung Quốc – ASEAN, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Trung Quốc trong năm 2014 đạt mức 480 tỷ USD, tăng 8,3% so với năm 2013. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc, sau Liên minh Châu Âu và Mỹ, chiếm hơn 11% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc.

Thứ ba, đe dọa các nước ASEAN sẽ phải gành chịu “hậu quả nghiêm trọng” nếu có hành động chống lại Trung Quốc. Phát biểu tại Đối thoại thường niên giữa quan chức ngoại giao cấp cao ASEAN (SOM) – Trung Quốc ở Singapore, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (28/4) cảnh báo, ASEAN ra tuyên bố chung về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc là một “bước đi liều lĩnh”, khẳng định đây là động thái của các cường quốc bên ngoài (ám chỉ Mỹ và Nhật Bản) nhằm chống lại Trung Quốc và các nước “không nên đánh đổi quan hệ Trung Quốc – ASEAN lấy mối quan hệ với cường quốc bên ngoài”. Trước đó, ông Lưu Chấn Dân cũng cảnh báo bất cứ phán quyết trọng tài nào cũng “đi ngược” với Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc và ASEAN đã ký kết năm 2002 và việc đi ngược lại DOC chỉ mang lại “kết quả tiêu cực”.

Thứ tư, sử dụng công cụ truyền thông đại chúng tích cực đưa tin, tuyên truyền về quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, cho rằng một số nước ASEAN đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đặc biệt là trong vụ Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài Liên hợp quốc. Các trang mạng chính phủ, hãng thông tấn xã, đài truyền hình và báo mạng Trung Quốc liên tục đưa tin liên quan việc Trung Quốc (23/4) đạt được Thỏa thuận 4 điểm với Campuchia, Lào và Brunei trong vấn đề Biển Đông. Theo đó: (1) Tranh chấp “một bộ phận quần đảo Trường Sa” không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, không nên ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – ASEAN. (2) Nên tôn trọng quyền của các quốc gia được tự lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp căn cứ theo luật pháp quốc tế, không tán thành các hành động đơn phương gây sức ép đến nước khác. (3) Theo quy định trong Điều 4 DOC, cần kiên trì thông qua đối thoại đàm phán giữa các bên tranh chấp trực tiếp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải. (4) Trung Quốc và ASEAN đều có năng lực bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Đông thông qua hợp tác, các nước ngoài khu vực nên phát huy vai trò xây dựng chứ không phải ngược lại. Trước đó, trong cuộc họp báo chung, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã ca ngợi Campuchia vì “luôn đứng bên cạnh, hiểu và ủng hộ” Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Thứ năm, biện minh cho các hành động lôi kéo, chia rẽ ASEAN. Phát biểu bên lề diễn đàn ASEAN SOM, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân (27/4) tuyên bố, mỗi nhà nước ASEAN đều có chủ quyền của mình và Trung Quốc không bao giờ muốn chia tách hiệp hội; khẳng định Trung Quốc luôn ủng hộ sự phát triển của ASEAN cũng như công nhận sự tăng trưởng của ASEAN là điều quan trọng đối với khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc muốn thiết lập hòa bình và ổn định cũng như tự do hàng hải trong khu vực. Hy vọng rằng ASEAN sẽ đoàn kết và trở thành đối tác của Trung Quốc để thúc đẩy đối thoại. Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN phải kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng ở Biển Đông, tuân thủ DOC đã ký kết.

Thứ sáu, Trung Quốc đang tiếp cận, phân hóa dần dần từng nước ASEAN. Malaysia (2015) dự định không đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, song do sức ép của Mỹ và Nhật Bản buộc Malaysia phải thay đổi quyết định. Thái Lan trong thời gian gần đây đã xa lánh phương tây, tăng cường các mối quan hệ quân sự với Trung Quốc, nhất là kể từ khi quân đội Thái Lan lên nắm quyền hồi năm ngoái. Thủ tướng Campuchia nhiều lần công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc cho rằng tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông không thể được giải quyết thông qua ASEAN mà cần phải giải quyết thông qua đàm phán song phương trực tiếp giữa Trung Quốc với từng nước tranh chấp.

Trung Quốc đã gặt hái được một số thành công trong việc chia rẽ ASEAN và lôi kéo các nước ASEAN ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Thứ nhất, ASEAN lần đầu tiên trong vòng 40 năm không đưa ra được một Tuyên bố chung trong Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN. Năm 2012, những sự chia rẽ sâu sắc bên trong ASEAN đối với vai trò của Trung Quốc ở Biển Đông đã làm bùng ra những cuộc tranh luận gay gắt tại hội nghị ngoại trưởng ASEAN, dẫn tới chỗ hiệp hội này lần đầu tiên trong vòng hơn 40 năm không đưa ra được một thông cáo chung.

Thứ hai, một số nước ASEAN cá biệt (Lào, Campuchia) tiếp tục có lập trường ủng hộ Trung Quốc nhằm đổi lấy các khoản viện trợ kinh tế và đầu tư thương mại từ Trung Quốc. Phó Giáo sư Li Mingjang, Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, nói với báo The Wall Street Journal (Mỹ): “Campuchia hiểu rõ rằng Trung Quốc là nước đem lại lợi ích lớn nhất cho họ trong nhiều năm qua”. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Đầu tư Campuchia, các công ty Trung Quốc đã đầu tư vào nước này hơn 8,2 tỉ USD từ năm 2006 đến tháng 8/2012, vượt xa con số 924 triệu USD của các công ty Mỹ.

Thứ ba, cho đến nay, Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) vẫn đi vào bế tắc do các nước ASEAN và Trung Quốc chưa đạt được đồng thuận về các điều khoản trong COC.

Các nước thể hiện sự quan ngại về khả năng chia rẽ trong ASEAN, kêu gọi ASEAN phải thể hiện lập trường chung về các vụ xung đột ở Biển Đông

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng cho rằng “an ninh ở khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra ở Biển Đông và ASEAN phải thể hiện quan điểm chung trong vấn đề Biển Đông nhằm đảm bảo an ninh, hòa bình và ổn định của khu vực”. Trước đó, cựu Ngoại trương Indonesia Marty Natalegawa từng tuyên bố, vấn đề Biển Đông vừa là một vấn đề song phương vừa là vấn đề khu vực. ASEAN có “trách nhiệm đặc biệt” để đảm bảo cho hai bên tranh chấp trao đổi với nhau.

Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, thỏa thuận DOC không mang tính ràng buộc pháp lý và Trung Quốc liên tục tái diễn các hành động vi phạm DOC khi xây dựng các công trình phi pháp trên bãi cạn, đá ở Biển Đông; kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc về pháp lý để ngăn chặn các hoạt đông có thể gây ra xung đột và bất ổn.

Tại Hội nghị Bộ trương Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM – 48), Ngoại trưởng các nước bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những diễn biến phức tạp gần đây trên thực địa, cho rằng các hành động phi pháp của Trung Quốc đã làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định ở Biển Đông; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình và ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS); thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện đầy đủ DOC, nhất là Điều 5 và sớm ký kết COC; khẳng định ASEAN cần tăng cường đoàn kết, trách nhiệm trong việc xử lý vấn đề Biển Đông; kêu gọi ASEAN cần chủ động và trách nhiệm, tăng cường đoàn kết và vai trò chủ đạo của ASEAN, thúc đẩy các bên liên quan tuân thủ các nguyên tắc chung đã được nhất trí, nhất là các nguyên tắc về kiềm chế.

Mỹ đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng ASEAN thành một tổ chức lấy số lượng thành viên làm lợi thế để đối phó với những khó khăn, như vấn đề Biển Đông; vận động các nước ASEAN đưa ra tuyên bố rằng phán quyết của Tòa Án Thường Trực phải mang tính chất bắt buộc thi hành; tái khẳng định các tranh chấp về lãnh thổ nên được giải quyết một cách hòa bình và thông qua các công cụ pháp.

Tờ JapanTimes (Nhật Bản) cho rằng, Nhật Bản nên giúp các nước ASEAN thúc đẩy đàm phán COC với Trung Quốc với lập trường thống nhất, cứng rắn để ngăn Trung Quốc gia tăng kiểm soát tại Biển Đông.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tuyên bố, những diễn biến gần đây ở Biển Đông lại tiếp tục gây quan ngại và có lúc trở thành căng thẳng, đồng thời ông kêu gọi “Nhật Bản, cũng như các quốc gia có chung lợi ích cần hợp tác với ASEAN để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, bảo vệ yêu cầu thượng tôn luật pháp trong khu vực và trật tự quốc tế”. Trong khi đó, cố vấn chính trị của Bộ Ngoại giao Singapore Bilahari Kausikan nhận định các hành động gần đây của Trung Quốc có thể được hiểu là một cách chia rẽ ASEAN và có lẽ được cố tình đưa ra trước phán quyết của tòa trọng tài quốc tế; cho rằng mọi nỗ lực của Trung Quốc nhằm chia rẽ ASEAN là “thiển cận”, bởi “một ASEAN chia rẽ không mang lại lợi ích cho Trung Quốc”.

Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh (25/4) bày tỏ quan ngại về việc một số nước ASEAN ký thỏa thuận với Trung Quốc, cho rằng một quốc gia trong ASEAN không thể đàm phán với Trung Quốc về những tranh chấp có liên quan đến các nước ASEAN khác, hành động này sẽ làm chệch hướng “Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông” ký kết năm 2012. Theo đó, các nước thành viên ASEAN phải thương thảo như một khối thống nhất và sớm thông qua COC. Trước đó, Cựu Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong nhận định việc Trung Quốc thông báo đạt thỏa thuận riêng về Biển Đông với 2 nước ASEAN (Lào, Campuchia), mà lại không liên quan trực tiếp đến tranh chấp Biển Đông, chính là đang can thiệp vào công việc nội bộ của khu vực; nó có thể được hiểu là một phương tiện để chia rẽ ASEAN và mọi nỗ lực của Trung Quốc nhằm chia rẽ ASEAN đều rất “thiển cận”, vì một ASEAN bị chia rẽ sẽ không có lợi cho Trung Quốc.

Trong khi đó, các chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, Trung Quốc tiến hành chia rẽ, phân hóa các nước ASEAN nhằm phân tán sức mạnh đoàn kết của ASEAN và tranh thủ sự ủng hộ của một số nước trong khối trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện của Philippines. Một khi ASEAN bị chia rẽ, không coi Biển Đông là vấn đề chung của hiệp hội mà chỉ là vấn đề giữa Trung Quốc với một nước ASEAN thì Trung Quốc có thể dễ đạt được các thỏa hiệp có lợi nhất về vấn đề Biển Đông. Điều quan trọng nhất hiện nay là các nước ASEAN cần có cơ chế thuyết phục Trung Quốc tự kiềm chế và dần từ bỏ chính sách nước lớn của mình với khu vực. Hiện Trung Quốc đang tiến gần hơn đến mục tiêu chia rẽ các quốc gia ASEAN trong lập trường về Biển Đông khi mà Brunei, Campuchia và Lào đưa ra tuyên bố ủng hộ Bắc Kinh. Một số chuyên gia cho rằng, sẽ có sự chia rẽ sâu sắc bên trong ASEAN, vì khu vực này lệ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc về mặt kinh tế và ASEAN khó lòng có được một nỗ lực thống nhất để chống lại Trung Quốc về vấn đề Biển Đông khi mà Trung Quốc là nhà đầu tư lớn và là đối tác thương mại quan trọng của Lào, Campuchia và Myanmar, những nước không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Tuy nhiên, Lào trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2016 sẽ rút kinh nghiệm từ Campuchia, Lào không thể đưa ra tuyên bố ủng hộ Trung Quốc quá rõ ràng và cơ hội mà Trung Quốc có thể gây sức ép đối với Lào, tương tự cách họ làm với Campuchia hồi năm 2012, sẽ khó khăn hơn.

Trước tình hình hiện nay, các nước ASEAN cần phải tăng cường đoàn kết và thống nhất hơn nữa nhằm đảm bảo tối đa lợi ích của Khối cũng như lợi ích của từng nước ASEAN; ASEAN và Trung Quốc cũng cần tích cực thúc đẩy đàm phán, sớm ký kết COC và nghiên cứu việc xây dựng một bộ quy tắc về xử lý các vụ đụng độ không báo trước trên biển tại khu vực Biển Đông như Bộ Quy tắc CUES đã được thông qua tại Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương năm 2014.

RELATED ARTICLES

Tin mới