Việc Trung Quốc chuẩn bị điều tàu ngầm hạt nhân tuần tiễu trên các đại dương trong nỗ lực đuổi kịp lực lượng răn đe hạt nhân trên biển của Nga-Mỹ.
Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng lực lượng tàu ngầm hạt nhân bắt kịp Nga-Mỹ
Tàu ngầm Trung Quốc “lại” chuẩn bị tuần tra chiến lược
Tờ “Guardian” Anh dẫn nguồn tin từ quan chức quân sự Trung Quốc cho biết, quân đội nước này đã làm tốt mọi công tác chuẩn bị cho chuyến tuần tra Thái Bình Dương lần đầu tiên của lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN), đồng thời cũng cảnh báo hành động này sẽ làm cho quan hệ Trung – Mỹ trong vấn đề Biển Đông vốn đã căng thẳng sẽ càng căng thẳng hơn.
Trong Báo cáo về lực lượng quân sự Trung Quốc năm 2016, Lầu Năm Góc đã dự báo “một thời điểm nào đó trong năm nay, có khả năng Trung Quốc sẽ triển khai chuyến tuần tra tàu ngầm răn đe hạt nhân chiến lược lần đầu tiên” và không chỉ dừng lại ở một lần.
Thực ra, hành động này của Trung Quốc đã được nhiều quan chức và chuyên gia quân sự Mỹ cảnh báo từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc và các học giả nước này chưa hề xác nhận điều này.
Liên quan đến thông tin này, nhiều hãng truyền thông Anh bình luận cho rằng, hành động này của Trung Quốc chắc chắn sẽ làm cho tình hình đối đầu giữa Washinhton và Bắc Kinh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương thêm căng thẳng, bởi từ trước tới nay Bắc Kinh chưa từng đưa đầu đạn hạt nhân bố trí trên biển.
Đài truyền hình Fox News của Mỹ cũng lên tiếng cho rằng đây là “hành động nguy hiểm” của Bắc Kinh. Tờ “The Times” của Anh dẫn nguồn tin từ Lầu Năm góc cho biết, ngoài nội dung trong “Báo cáo về lực lượng quân sự Trung Quốc 2016”, Mỹ không muốn bình luận về ý đồ của Trung Quốc.
Tờ “The Times” của Anh còn cho biết, cơ quan tình báo Mỹ cảnh báo “Bắc Kinh bắt đầu việc tuần tra tàu ngầm hạt nhân chiến lược” đã hơn một năm nay. Trong “Báo cáo lực lượng quân sự Trung Quốc năm 2015”, Lầu Năm Góc cũng có dự báo Trung Quốc sẽ triển khai tuần tra tàu ngầm hạt nhân chiến lược vào “một thời điểm nào đó trong năm 2015”.
Chuyên gia an ninh hạt nhân Mỹ Christensen cho biết, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương đã từng dự báo Bắc Kinh sẽ triển khai tuần tra tàu ngầm hạt nhân chiến lược vào năm 2014, nhưng cuối cùng điều này đã không xảy ra, họ lại điều chỉnh dự báo này sang năm 2015.
Đặc biệt gây sự quan tâm đến những động thái về lực lượng quân sự Trung Quốc, tháng 12 năm 2015, một nhà báo Mỹ là ông Bill Goz đã có bài viết được đăng trên tờ “Thời báo Washington” cho biết, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tuần tra tàu ngầm chiến lược lần đầu tiên.
Tuy nhiên, đến nay Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng tiến hành hoạt động này và mọi dự báo lại được điều chỉnh sang năm 2016 và lần này thì có vẻ Mỹ đã đoán đúng.
Dư luận Phương Tây luôn có sự nhạy cảm với những động thái của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc. Về bản chất, nguyên nhân của việc này là do năng lực của một trong bộ 3 “vũ khí răn đe hạt nhân” sẽ quyết định một quốc gia có được bao nhiêu năng lực răn đe đối phương trong tình hình căng thẳng.
Tờ “Độc lập” của Nga hôm 27 tháng 5 đã ám chỉ rằng, trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, chỉ có Trung Quốc là chưa thể hiện được khả năng “tuần tra răn đe hạt nhân tầm xa trên biển”.
Thực lực của lực lượng tấn công hạt nhân Trung Quốc
Tháng 2 năm 2009, một vụ việc gây chấn động dư luận thế giới là việc hai tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân là Vanguard của Anh và Triumphant của Pháp đã va chạm tại vịnh Biscay, may mắn là đã không có sự tổn thất nào về người và trang bị hạt nhân.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, tiếng ồn của tàu ngầm hạt nhân của Anh và Pháp là rất nhỏ nên đã gây ra vụ va chạm trên. Còn tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc vẫn chưa đạt đến trình độ như vậy và dễ dàng bị phương tiện săn ngầm của Mỹ và đồng minh phát hiện.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận quan tâm nhất là việc Anh và Pháp tuy là đồng minh nhưng họ vẫn bảo mật tuyệt đối thông tin về hoạt động của tàu ngầm hạt nhân chiến lược của mình. Do đó, rất dễ hiểu là các nước phương Tây rất quan tâm đến việc xây dựng lực lượng của Trung Quốc.
Theo giới thiệu của chuyên gia quân sự nước này, tàu ngầm hạt nhân được chia làm 2 loại “tàu ngầm hạt nhân tấn công” và “tàu ngầm hạt nhân chiến lược”. uy chúng đều sử dụng động cơ hạt nhân, nhưng vai trò và chức năng nhiệm vụ của chúng là khác nhau.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN) được trang bị tên lửa hành trình và có thể mang đầu đạn hạt nhân chiến thuật, còn tàu ngầm hạt nhân chiến lược (SSBN) mang theo tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) mang đầu đạn hạt nhân chiến lược.
Các tàu ngầm hạt nhân chiến lược là một yếu tố cấu thành quan trọng của “Bộ 3 vũ khí răn đe hạt nhân” (cùng với máy bay ném bom chiến lược và tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ mặt đất), nó chính là thước đo năng lực tấn công hạt nhân lần 2 (tức là thực hiện đòn trả đũa hạt nhân).
Trong phân mục “Hải quân Trung Quốc” của Báo cáo về lực lượng quân sự Trung Quốc, Lầu Năm góc cho biết, hải quân Trung Quốc sẽ nâng cấp nhiệm vụ của lực lượng tàu ngầm.
Hiện Bắc Kinh có 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (tức lớp 094) có khả năng mang tên lửa đạn đạo và 53 tàu ngầm tấn công động cơ thông thường (SSK) diesel-điện.
Trung Quốc sẽ đưa tàu ngầm hạt nhân chiến lược tuần tiễu trên biển trong năm 2016 |
Trước năm 2020, lực lượng tàu ngầm của Trung Quốc có thể dao động trong khoảng từ 69 đến 78 chiếc.
Tương lai 10 năm nữa Bắc Kinh có thể chế tạo được 1 tàu ngầm hạt nhân Type 095, có khả năng mang theo tên lửa hành trình, đồng thời tiếp tục chế tạo tàu ngầm hạt nhân lớp 094 trang bị tên lửa hạt nhân “Cự Lang – 2” (JL-2) có tầm bắn 7200km.
Theo những phân tích quân sự quốc tế, về kỹ thuật tàu ngầm hạt nhân và tên lửa chiến lược bắn từ tàu ngầm của Trung Quốc đều đã có những bước tiến khá dài, điều kiện để quân đội nước này điều động tàu ngầm hạt nhân chiến lược thực hiện trực ban ở vùng nước sâu đại dương đã chín muồi.
Thêm vào đó là kỹ thuật về tên lửa đạn đạo cơ động từ những căn cứ trên bộ đã được nâng cấp, khả năng sinh tồn của lực lượng hạt nhân chiến lược Trung Quốc hiện nay đã không còn yếu ớt như trước nữa.
Vì vậy, việc điều động tàu ngầm hạt nhân chiến lược thực hiện chế độ tuần tra trên biển của quân đội Trung Quốc không phải là phản ứng của Bắc Kinh đối với tình hình căng thẳng ở Biển Đông, mà là nước này đang xây dựng cho mình sức mạnh chiến lược hợp với vai trò của một cường quốc hạt nhân.
Trong tương lai, không chỉ là việc duy trì chế độ trực ban chiến lược tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, mà chế độ trực ban của lực lượng tên lửa đạn đạo tại các căn cứ trên đất liền của nước này cũng ngày càng được kiện toàn.
Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng lực lượng răn đe hạt nhân chiến lược đạt đến trình độ của Nga, Mỹ. Tuy điều này cũng còn rất xa nhưng không thể xem nhẹ thực lực của Trung Quốc bởi nước này có tiềm lực tài chính khổng lồ và đang tiếp cận những thành tựu cao nhất của công nghệ tàu ngầm.