Saturday, May 4, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiGánh nặng trả nợ công Việt Nam tăng: Điều khó khăn nhất

Gánh nặng trả nợ công Việt Nam tăng: Điều khó khăn nhất

Chuyên gia tỏ ra lo ngại khi nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam tăng nhanh trong khi nguồn thu tăng không kịp.

Nợ công của Việt Nam đang tăng quá nhanh. Ảnh minh họa

Mối nguy tiềm ẩn

Tại hội thảo “Nhận diện nợ công ở Việt Nam và những vấn đề đặt ra” do khoa Tài chính, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội tổ chức hôm 18/5, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp, Chủ nhiệm khoa Tài chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính đã bày tỏ nỗi lo ngại khi tỉ lệ nợ công, đặc biệt là nợ Chính phủ trên GDP tăng rất nhanh, chi phí trả nợ ngày càng cao… đang đe dọa đến khả năng trả nợ của Chính phủ.

Theo đó, với tổng nợ vay 2,7 triệu tỷ đồng và với mức lãi suất vay (1,7%/năm với ODA và trong nước là 7,1%/năm, trong 10 năm tới nợ công của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi.

Trao đổi thêm với chúng tôi ngày 19/5 về gánh nặng nợ công của Việt Nam, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp cho biết, ở đây cần xét đến mối quan hệ giữa nghĩa vụ trả nợ với khả năng trả nợ, trong khi đó hai vấn đề này liên quan đến thu ngân sách.

“Giai đoạn vừa qua, tốc độ vay của Việt Nam tăng cao, đặc biệt là tỷ trọng vay nội địa, với lãi suất cao do vay theo lãi suất thị trường, thời gian vay rất nhanh khi bình quân chỉ 4,6 năm sau là phải trả nợ. Do đó, nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh trong khi nguồn thu tăng không kịp, nghĩa vụ trả nợ trên thu ngân sách ngày càng cao lên, nguy cơ tiếp cận ngưỡng an toàn (25%) thu ngân sách rất cao”, GS Nghiệp chỉ rõ.

Trong khi đó, từ năm đến nay, Việt Nam đã phải vay để đảo nợ. Theo GS Nghiệp, nếu năm 2013 Việt Nam vay để đảo nợ khoảng 40.000 tỷ đồng thì đến nay con số này đã tăng nhanh lên hàng trăm ngàn tỷ đồng. Riêng năm 2105 là 125.000 tỷ đồng. Tốc độ vay nợ giai đoạn 2010 – 2015 bình quân 16,7% GDP nhưng có năm lên đến 31%, đó là chưa tính nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ xây dựng cơ bản của địa phương, bộ ngành… vào nợ công.

Đặc biệt lãi suất vay quá cao, hơn 55% số tiền vay ở trong nước với lãi suất bình quân 7,1%/năm, còn nợ nước ngoài chủ yếu là ODA có mức 1,7%/năm.

“Nếu cộng con số này vào nghĩa vụ trả nợ thì nó không phải là 17,9% nữa mà đã lên đến 25%. Và nếu cứ đà này tiếp diễn, khả năng trả nợ của Việt Nam rất khó khăn. Tuy nhiên, chưa đến mức Việt Nam vỡ nợ, hay không trả nợ được nợ.

Nếu thực hiện theo đúng Chiến lược nợ công Nhà nước Việt Nam đã ban hành và chiến lược chính sách tài khóa trong đó đến năm 2020 giảm bội chi xuống còn bình quân 4% thì không có vấn đề gì. Tuy nhiên, điều tôi lo ngại là chúng ta sẽ không giữ được chiến lược mà chúng ta đã xây dựng lên nếu cứ tiếp tục theo chính sách tăng chi nhanh, thu tăng chậm dẫn đến bội chi cao, tiếp tục vay nhiều lên, lúc đó vô cùng nguy hiểm”, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được GS.TS Nguyễn Công Nghiệp đề cập là đến tháng 7/2017, Ngân hàng Thế giới sẽ chấm dứt ODA ưu đãi với Việt Nam. Việc giảm dần ODA cho Việt Nam là quy luật tất yếu do nền kinh tế Việt Nam đã phát triển, khả năng tự chủ kinh tế của nước ta cao lên. Tuy nhiên, ODA có mặt phải và mặt trái. ODA nhiều, lãi suất thấp nhưng Việt Nam coi như tiền chùa thì rất nguy hiểm.

“Nhiều khoản ODA lãi suất thấp, thời gian dài nhưng sử dụng không hiệu quả, chồng chéo lẫn nhau cuối cùng thành quá nợ thị trường. Nhưng vấn đề quan trọng là chúng ta không thể trông chờ vào tiền cho mượn ưu đãi của nước khác mà phải tự chủ. Một nền kinh tế tự chủ phải có một chiến lược nợ và chiến lược phát triển hài hòa thì mới đạt hiệu quả”, vị chuyên gia nói.

Gánh nặng trả nợ công tăng cao

Theo tính toán của Bộ Tài chính, thời điểm Việt Nam phải trả nợ công nhiều nhất sẽ rơi vào giai đoạn 2022-2025 khi các khoản vay ODA chủ yếu đều đến hạn.

Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp cho rằng, trong khoảng 5 năm tới Việt Nam có thể đạt đỉnh nợ nhưng trong chiến lược nợ Bộ Tài chính và Chính phủ cũng đã tính toán.

“Nguyên tắc đầu tiên đặt ra là không để xảy ra tình trạng không trả được nợ, do đó, Chính phủ sẽ không có giải pháp nợ đến hạn mà không trả. Vấn đề khó khăn ở chỗ, nghĩa vụ trả nợ tăng lên thì phải dành phần chi ngân sách cho trả nợ, các khoản chi đầu tư và chi thường xuyên sẽ phải giảm, ngân sách sẽ căng thẳng”.

Chính vì thế, để kiểm soát nợ công, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp lưu ý Việt Nam phải biết chắt chiu đồng tiền, đừng vung tay  quá trán.

“Cứ hình dung tổng nợ vay 133 tỷ USD với lãi suất vay hiện nay thì 10 năm tới, tổng nợ công sẽ tăng gấp đôi. Bởi vay 1 phải trả 2 nên bắt buộc chúng ta phải làm ra được, tính toán thế nào để vay + lãi + thặng dư thì kinh tế mới phát triển được, còn vay + lãi âm thì ‘chết dở’.

Hiện nay chưa có công trình nào nghiên cứu về vấn đề này nhưng hiệu suất vay của Việt Nam thực sự chưa cao. Muốn nền kinh tế phát triển thì khi đi vay về chúng phải chắt chiu, có chiến lược phân bổ sao cho hiệu quả, còn giờ cứ muốn vay nhiều rồi vung vãi khắp nơi thì không ổn”, GS Nghiệp trăm trở.

Ông cũng bày tỏ nỗi lo lắng khi Việt Nam cứ kêu gọi giảm bội chi, xiết chặt đầu tư… nhưng rất khó thực hiện. Một thực tế là Việt Nam rất dễ dãi trong chuyện chi tiêu, chính sách tài khóa của Việt Nam có phần lỏng lẻo.

“Trong chi tiêu đầu tư không thể lãng phí, phải dứt khoát cắt bỏ những dự án không hiệu quả, dàn trải. Phải chịu đau để cải cách, đừng nể nang, phải đúng quy trình, quy định”, GS.TS Nguyễn Công Nghiệp nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới