Sunday, December 29, 2024
Trang chủBiển nóngTrung Quốc ngang ngược nêu 4 điểm then chốt về Biển Đông

Trung Quốc ngang ngược nêu 4 điểm then chốt về Biển Đông

Bắc Kinh kiên quyết 4 điểm để giải quyết vấn đề Biển Đông trong đó nhắc tới quan điểm về vụ kiện của Philippines và cuộc tuần tra của Mỹ.

Trung Quốc đưa ra 4 điểm then chốt trong việc giải quyết vấn đề ở Biển Đông. Ảnh: Reuters

Mới đây, Sputnik đăng tải bài đăng về 4 điểm then chốt mà Trung Quốc kiên quyết đưa ra để giải quyết vấn đề Biển Đông.

Điểm đầu tiên trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hôm 27/5 rằng, nước này sẽ không bao giờ chấp nhận vụ kiện về Biển Đông, bất kể tòa trọng tài quốc tế có phán quyết ra sao.

Bắc Kinh tuyên bố rằng, vụ kiện của Philippines là sự “khiêu khích về chính trị” và Manila không định giải quyết tranh chấp mà chỉ cố bác bỏ cái gọi là chủ quyền (phi pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Sputnik dẫn thông tin từ People’s Daily, điểm thứ hai mà Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra là  muốn Mỹ dừng hoàn toàn việc triển khai máy bay trinh sát gần cái gọi là “không phận” nước này ở Biển Đông.

Điểm thứ ba, Bắc Kinh nhấn mạnh rằng, tranh chấp Biển Đông không phải là việc của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và các thành viên của nhóm.

Tuyên bố này của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra sau hôm thứ 5, ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho rằng, các nước G7 nên đưa ra một tuyên bố rõ ràng về các tranh chấp ở Biển Đông.

Đáp lại, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định, một số nước đang cố gắng tận dụng lợi thế của hội nghị thượng đỉnh G7.

“Vấn đề Biển Đông không phải là việc của các nước G7 và các nước thành viên. Bà Hoa kêu gọi những nước tham gia nhóm G7 cố gắng đừng “chọc mũi” vào những vấn đề vượt thẩm quyền của mình”, People’s Daily viết.

Điểm thứ tư được Trung Quốc đặt ra là bất kỳ nỗ lực nào làm suy yếu chủ quyền của Trung Quốc thông qua việc cưỡng ép hay các biện pháp nào khác đều gặp thất bại.

Khi đưa ra các 4 điểm trên, đặc biệt là liên quan tới quan điểm của G7 về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc chắc hẳn đã “quên” lời Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị cũng từng nói về chuyện này. Khi được hỏi rằng hội nghị G7 có phải là nơi thích hợp để bàn chuyện Biển Đông hay không, ông Vương đã trả lời rằng việc này tùy thuộc vào nhóm G7.

“Nhưng chúng tôi tin rằng dù chủ đề là gì, họ nên có quan điểm công bằng và vô tư, không áp dụng tiêu chuẩn kép và đặc biệt không nên có hành động khiêu khích hay làm tăng căng thẳng khu vực”, Reuters dẫn lời ông Vương.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục các quan điểm cứng rắn này, trang The Christian Science Monitor khẳng định: Nếu Trung Quốc “không thừa nhận, không tham dự, không chấp hành” khi đối diện với phán quyết của PCA, nhiều khả năng tổ hợp “bộ tứ” (Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ) đối đầu Bắc Kinh sẽ hình thành.

Giáo sư John Rennie Short, thuộc Trường chính sách công, Đại học Maryland (Mỹ) nhận định, mâu thuẫn Mỹ-Trung vốn có thể được xử lý ổn thỏa bởi lợi ích kinh tế của hai nước trên toàn cầu tương đồng ở nhiều phương diện.

“Nhưng hiện nay điều đáng ngại nhất là các ‘sự cố nhỏ’ ở biển Đông bị mất kiểm soát và diễn biến thành xung đột, kéo theo sự tham gia của nhiều bên,” ông Short cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới