Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChuyên gia quân sự: Việt Nam có thể mua vũ khí Mỹ...

Chuyên gia quân sự: Việt Nam có thể mua vũ khí Mỹ từ châu Âu

Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận với vũ khí, công nghệ hiện đại không chỉ từ Mỹ mà từ các nước châu Âu sau khi lệnh cấm vận vũ khí được Washington dỡ bỏ.

Ông Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao, Chương trình Chi tiêu quân sự và vũ khí, Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), trao đổi với VnExpress về triển vọng của thị trường và cả tác động ở Biển Đông sau quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cho Việt Nam của Mỹ. 

– Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm Việt Nam của ông Obama?

– Về hợp tác song phương, chuyến thăm cho thấy sau nhiều năm nỗ lực vượt qua những hệ lụy của chiến tranh, khi chấm dứt lệnh cấm vận vũ khí thì Việt – Mỹ đã bắt đầu một mối quan hệ bình thường, cả về khía cạnh gia tăng thương mại và hợp tác kinh tế.

Với các nước, chuyến đi của tổng thống Obama cũng phản ánh mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, với các đồng minh như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Indonesia và các nước Đông Nam Á khác. Trong khi Mỹ rõ ràng coi Trung Quốc là một “vấn đề tiềm ẩn”, các đồng minh của Washington lo ngại Bắc Kinh sẽ đẩy những yêu sách chủ quyền tới mức họ không muốn. Chuyến thăm Việt Nam của ông Obama cho thấy Washington muốn “lôi kéo” Hà Nội về phía mình.

– Các bước tiếp theo của việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí?

– Việt Nam có thể xem xét một số thiết bị nhất định của Mỹ, chẳng hạn như máy bay tuần tra trên biển mà hai bên từng đề cập. Đầu tiên công ty quốc phòng Mỹ sẽ đưa ra lời chào hàng, để chính phủ xem xét có muốn bán một loại cụ thể nào không. Có thể Mỹ sẽ nói rằng “đúng là chính quyền Obama đã đưa ra và chúng tôi sẽ xem xét” nhưng cũng có khả năng Mỹ dừng giao hàng máy bay tuần tra đến Biển Đông. Tất nhiên tình hình vẫn đang trong trạng thái chờ.

Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận không có nghĩa là họ sẽ bán ngay vũ khí cho Việt Nam. Việt Nam đã mua vũ khí từ Nga, Ukraine nhưng để mua được của Mỹ, Hà Nội cần phải trải qua một quá trình xem xét ra quyết định của Washington, có thể một số vũ khí mà họ không bán với một số lý do nào đó và đây là điều bình thường với giao dịch vũ khí của Mỹ. Ngoài ra, Việt Nam cần xem xét khả năng tài chính của mình.

Tuy nhiên, tôi muốn lưu ý là việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí của Mỹ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Hà Nội có thể tiếp cận công nghệ quân sự của Mỹ mà không cần nhập trực tiếp từ nước này. Chẳng hạn như Việt Nam có thể mua máy bay quân sự của Tây Ban Nha dùng động cơ Mỹ. Điều đó có nghĩa Việt Nam sẽ có nhiều lựa chọn để mua vũ khí ở nhiều nơi, không chỉ từ thị trường truyền thống như Nga. Có thể nói thị trường vũ khí dành cho Việt Nam sẽ có sự cạnh tranh cao.

Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí cũng mở ra cơ hội để Mỹ có một số hỗ trợ quân sự cho Việt Nam. Washington có thể cung cấp một số thiết bị, phụ tùng trang bị mới cho Hà Nội. Tuy nhiên việc này cần thực hiện theo các điều kiện của chính phủ Mỹ đưa ra, dù Quốc hội Mỹ đã ngụ ý là không ngăn chặn.

Tân tổng thống Mỹ sẽ duy trì chính sách với Việt Nam như thế nào?

– Bất kể ai chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới thì chính sách chung vẫn là coi Trung Quốc là một “vấn đề tiềm ẩn”, coi các nước có tranh chấp với Bắc Kinh là bạn bè tiềm năng. Chắc chắn một số người ở Mỹ sẽ nói không thể “bỏ qua chiến tranh” nhưng tôi nghĩ hầu hết mọi người ở Mỹ đều nhận thức rõ chiến tranh đã trôi qua hơn 40 năm, điển hình như Thượng nghị sĩ John McCain, từng là tù binh ở Việt Nam. Mặc dù hai nước còn có những khác biệt, trong đó có vấn đề nhân quyền, nhưng nhiều người Mỹ coi Việt Nam là một nước có thể trở thành đồng minh trong tương lai.

 Đánh giá của ông về khả năng Mỹ tiếp cận cảng Cam Ranh của Việt Nam?

– Đó là một bước đi khác, có thể là thỏa thuận khác giữa hai nước về việc Mỹ được phép vào đây hay không. Washington có thể đến thăm Cam Ranh nếu được Hà Nội mời, nhưng chỉ là chuyến thăm hữu nghị và đã có chuyến thăm tương tự của các nước khác. Song việc lực lượng Mỹ đặt cơ sở lâu dài thì lại là chuyện hoàn toàn khác. Chính phủ Việt Nam có chấp thuận về lâu dài hay tạm thời, Mỹ cần một số bảo đảm cho lực lượng của mình hay không, đó là cả một quá trình. Có thể Washington không thực sự cần đến Cam Ranh nhưng nhìn từ khía cạnh tạo ra “mặt trận liên kết” giữa Mỹ cùng bạn bè, đồng minh và đối tác trong khu vực thì điều này có thể xảy ra.

– Ông đánh giá thế nào khi Tổng thống Obama khẳng định việc dỡ bỏ lệnh cấm không bị ảnh hưởng bởi yếu tố Trung Quốc?

– Có hai điều mà ông Obama muốn nói: thứ nhất là Mỹ có mối quan hệ bình thường với Việt Nam, và để xử lý những vấn đề tiềm ẩn với Trung Quốc, Washington cần hợp tác với các nước đối tác trong khu vực. Thứ hai: bỏ lệnh cấm vũ khí nhằm tạo điều kiện để Việt Nam sở hữu các thiết bị như máy bay tuần tra ở Biển Đông, khi Hà Nội đang xử lý tranh chấp với Bắc Kinh ở khu vực này. 

– Ông dự đoán tình hình Biển Đông sau sự kiện này?

– Chúng ta có thể đoán được Trung Quốc sẽ “kêu la”, mình bị đẩy vào thế khó, không thể bị “hăm dọa, bị gây áp lực”. Tuy nhiên cũng có một khả năng khác mà nhiều người đồng tình với tôi, là khi Trung Quốc nhìn ra “tất cả mọi người đều chống lại mình”, họ sẽ “nới lỏng ra”, quay lại bàn đàm phán và giảm bớt thái độ tiêu cực.

Tổng thống Obama đã có tuyên bố khá cứng rắn tại Hà Nội, khi nói tàu Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra Biển Đông. Tuyên bố cảnh báo Trung Quốc rằng “anh có thể đến gần nhưng không thể chiếm giữ Biển Đông”. Rõ ràng Mỹ không chấp nhận bất cứ quyết định đơn phương nào của Trung Quốc ở vùng biển này. Các nước tuân thủ theo Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và Mỹ sẽ vẫn duy trì vị trí đã có nhiều thập kỷ nay, là tuần tra ở những khu vực luật pháp quốc tế cho phép.

RELATED ARTICLES

Tin mới