Friday, December 27, 2024
Trang chủĐiểm tinLo ngại sau khi Campuchia thành con nợ của Trung Quốc

Lo ngại sau khi Campuchia thành con nợ của Trung Quốc

Nhà nghiên cứu Campuchia lo ngại về tình trạng quốc gia này ngày càng phụ thuộc vào nguồn vốn vay từ Trung Quốc.

Các chuyên gia Campuchia lo ngại nước này ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.

VOA Khmer ngày 31/5 đăng bình luận của một số nhà nghiên cứu, nhà quan sát Campuchia lo ngại, món nợ ngày càng tăng của Campuchia đối với đồng minh phương Bắc – Trung Quốc, đang ngày một lớn, trở thành mối quan tâm hàng đầu của họ.

Tính đến năm 2015, Campuchia đã nợ Trung Quốc tổng cộng 2,7 tỷ USD, theo Vongsey Vissoth, một quan chức Bộ Kinh tế Tài chính Campuchia. Ông tuyên bố, các khoản Campuchia vay Trung Quốc không có ràng buộc nào đòi hỏi Phnom Penh phải thực hiện các nghĩa vụ về nhân quyền, tự do, dân chủ như phương Tây.

Tuy nhiên các nhà phân tích nói với VOA Khmer rằng, Trung Quốc không gắn hoạt động viện trợ và cho vay với Campuchia vào vấn đề nhân quyền, dân chủ, nhưng lại gắn với các lợi ích địa chính trị, địa quân sự mà Bắc Kinh theo đuổi trên Biển Đông.

Dẫn chứng cách tiếp cận của Trung Quốc ở châu Phi, châu Á, Heng Sreang, một nhà nghiên cứu chính trị Campuchia nói với VOA Khmer: “Trung Quốc chủ yếu kết bạn với một số quốc gia ở châu Á, châu Phi và biến các nước này thành con nợ hay con tốt của họ. Rất dễ để Trung Quốc thâm nhập các quốc gia này và khai thác tài nguyên khoáng sản, đầu tư vào các khu đất vàng, xây dựng các con đập để phục vụ cho lợi ích của họ”.

Nhà nghiên cứu này cho rằng, tình trạng hạn hán tồi tệ đang diễn ra tại Campuchia có khả năng đẩy đất nước chùa tháp vào tình cảnh ngày càng phụ thuộc hơn nữa vào nguồn vốn vay từ Trung Quốc.

Ông lo ngại chính phủ Campuchia có thể đặt số phận dân tộc này vào tay Trung Quốc mà không tính đến các tác động trong việc trở thành con nợ của Bắc Kinh.

Kem Ley, một nhà nghiên cứu và vận động chính trị xã hội nói rằng, Campuchia nên tìm cách cân bằng trong các hoạt động đầu tư và cho vay của phương Tây với Trung Quốc.

“Nếu chúng ta gặp ngõ cụt trong quan hệ với Trung Quốc, cuộc khủng hoảng nợ không chỉ làm chúng ta đau khổ mà còn bế tắc về cả chính trị lẫn ngoại giao”, ông Kem Ley nói.

Thực tế, nỗi lo ngại về việc Campuchia ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc và phải đánh đổi nhiều thứ đã được giới quan sát và chính trị gia Campuchia cảnh báo từ lâu.

Từ nhiều năm trước, nhà kinh tế Tith Naranhkiri đã nói thẳng về việc viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia thực ra không hề miễn phí:

“Trung Quốc cần Campuchia. Trong trường hợp có vấn đề an ninh, chẳng hạn chiến tranh với Đài Loan, Trung Quốc sẽ cần đến Campuchia. Thứ hai là vì các lý do kinh tế, họ (Bắc Kinh) cần dầu và khí đốt”.

Quan sát viên Chan Sophal nêu rõ lợi ích của Bắc Kinh: “Họ giúp chúng tôi nhưng cũng dòm ngó những tài nguyên mà chúng tôi có như các khu mỏ, dầu, vàng, sắt và đất đai”. Lo ngại về gánh nợ cho thế hệ tương lai, nghị sĩ đảng đối lập Campuchia Sam Rainsy từng nhận định, Phnom Penh đang phải trả giá cho gánh nặng nợ nần ngày càng cao này khi Phnom Penh thường phải phát ngôn như một người phát ngôn của Bắc Kinh.

Phe đối lập ở Campuchia chỉ ra rằng những con đập do Trung Quốc tài trợ đều do người Trung Quốc xây, và cuối cùng do các công ty Trung Quốc điều hành trong hàng chục năm. Tiền bạc mà Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Campuchia rốt cuộc cũng vào túi những công ty nhà nước Trung Quốc nhận hợp đồng xây dựng đường sá và các đập thủy điện. Các hợp đồng này thiếu minh bạch, không có sự giám sát độc lập nào.

Ông Cheang Vanrarith, người đứng đầu Viện Hợp tác và hòa bình Campuchia, nhận định: “Đi kèm những khoản tiền của Trung Quốc là sự thiếu minh bạch, thiếu năng lực cai trị dân chủ, không phải chỉ là năng lực cai trị mà còn là năng lực cai trị một cách dân chủ, và sự tham gia của người dân vào công việc của đất nước”.

RELATED ARTICLES

Tin mới