Friday, January 10, 2025
Trang chủĐiểm tinVì sao Malaysia "nín nhịn" Trung Quốc trên Biển Đông?

Vì sao Malaysia “nín nhịn” Trung Quốc trên Biển Đông?

“Mắc kẹt” trong mối quan hệ mà Chủ tịch TQ cho là “đặc biệt”, Malaysia đứng trước thế khó khi đối mặt với hành động ngang ngược của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Ông Huang Huikang, đại sứ Trung Quốc tại Malaysia.

Hồi tháng 3, các thành viên trên tàu tuần tra Malaysia đã rất bất ngờ khi thấy một chiếc thuyền lớn ngoài khơi Sarawak chạy với tốc độ lớn và gầm rú trước khi vòng ngược lại, để lộ dòng chữ “Cảnh sát Biển Trung Quốc” bên thân tàu.

Đây không phải lần đầu tiên tàu tuần tra Trung Quốc xuất hiện trong vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, phản ứng của Malaysia trước hành động ngang ngược của Trung Quốc được các nhà ngoại giao phương Tây mô tả là “mềm mỏng”.

Nước này đã xem nhẹ 2 cuộc tập trận hải quân mà Trung Quốc tiến hành vào năm 2013, 2014 tại bãi cạn James, cách Sarawak chưa đầy 50 hải lý. Năm 2015, chuyện ngư dân Malaysia lo sợ trước những đối tượng vũ trang trên tàu Trung Quốc cũng bị tảng lờ.

Tới khi nhiều tàu cá Trung Quốc xuất hiện gần bãi Nam Luconia, khu vực đánh cá giàu tiềm năng trên Biển Đông, Malaysia mới điều hải quân tới đó, đồng thời triệu tập đại sứ Trung Quốc để làm rõ về vụ việc.

Khi được hỏi về các vụ việc trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: cả 2 nước có “sự nhất trí cao” với việc giải quyết tranh chấp trên biển thông qua đối thoại và tham vấn.

“Chúng tôi sẵn sàng giữ liên lạc chặt chẽ với Malaysia về vấn đề này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.

Mối quan hệ đặc biệt

Sự phụ thuộc của Malaysia trên một số phương diện đã phần nào lý giải phản ứng có phần yếu ớt của Kuala Lumpur.

Về kinh tế, đôi bên đều xem nhau là ưu tiên hàng đầu. Trung Quốc là đối tác thương mại và thị trường du lịch lớn nhất của Malaysia bên ngoài cộng đồng ASEAN. Còn Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc ở châu Á.

Các tập đoàn thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc cũng vừa chi hàng tỉ USD để mua tài sản của 1MDB, quỹ đầu tư thuộc sở hữu nhà nước Malaysia đang nợ nần chồng chất. Quỹ này do Thủ tướng Malaysia Najib Razak sáng lập và bị cáo buộc có liên quan tới bê bối thất thoát tài sản.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có ảnh hưởng với các vấn đề đối nội của Malaysia trong một mối quan hệ mà ông Tập Cận Bình mô tả là “đặc biệt”.

Mối quan hệ này có thể thấy rõ từ vụ việc hồi tháng 9 năm 2015, khi đại sứ Trung Quốc tới thăm khu người Hoa ở thủ đô Kuala Lumpur.

Đại sứ Trung Quốc Huang Huikang đã tuyên bố Bắc Kinh phản đối tất cả các hình thức kỳ thị chủng tộc và sẽ không tha thứ nếu Malaysia có những hành động ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân nước này. Người gốc Hoa chiến tới 1/4 dân số Malaysia. 

Phát ngôn này đã vấp phải sự phản đối của Malaysia. Giới chức Kuala Lumpur đã liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc nhằm triệu tập đại sứ Huang tới Bộ Ngoại giao, nhưng trợ thủ của Huang lại báo bận và yêu cầu quan chức ngoại giao Malaysia tới đại sứ quán gặp ông ta.

Sau đó Huang đã tới gặp Ong Ka Ting, đặc phái viên của Malaysia ở Trung Quốc và một số quan chức Malaysia khác nhằm tìm cách lấp liếm câu chuyện.

Vụ việc cho thấy cách mà Bắc Kinh đối xử với một trong những đối tác thân thiết nhất của mình ở Đông Nam Á. Có vẻ như Trung Quốc tin rằng “mối quan hệ đặc biệt” giữa 2 bên cho mình đặc quyền để xử lí mọi chuyện theo cách mình muốn và bỏ qua nguyên tắc của Malaysia.

Sau vụ máy bay MH370 với 150 hành khách Trung Quốc bị mất tích, Trung Quốc đã liên tục lên án cung cách điều tra và xử lí tình huống của Malaysia. Mặc dù sau vụ việc, đôi bên đã nỗ lực hàn gắn mối quan hệ, nhưng điều đó cũng khiến nhiều quan chức Malaysia phải đặt câu hỏi về giá trị của mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc.

Nhằm tìm cách cân bằng lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia, Malaysia đã triển khai một số chiến lược khác nhau, bao gồm cả tăng cường năng lực quân sự và do thám, đồng thời thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông giữa Trung Quốc và ASEAN. Ngoài ra, còn có một lựa chọn nhạy cảm hơn, là thắt chặt quan hệ với Mỹ trên phương diện quân sự.

Theo nguồn tin của Reuters, Malaysia đã tìm tới Mỹ để được hỗ trợ thu thập tin tình báo và phát triển năng lực bảo vệ bờ biển.

Đánh giá về những nỗ lực của Malaysia, chuyên gia về khu vực Biển Đông, ông Ian Storey cho rằng: “Không chiến lược nào cho hiệu quả rõ rệt, nhưng anh còn có thể làm gì được nữa? Tình trạng tranh chấp này sẽ còn kéo dài rất lâu.”

RELATED ARTICLES

Tin mới