Thursday, January 9, 2025
Trang chủThâm cung bí sửHoàng đế cuối cùng của Trung Hoa và những năm tháng tù...

Hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa và những năm tháng tù binh chiến tranh ở Liên Xô

Những năm tháng sống như một tù nhân ở Liên Xô được Phổ Nghi, Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc phác họa lại chi tiết qua cuốn hồi ký ‘Người Mãn Châu cuối cùng: Tự truyện của Henry Phổ Nghi, Hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa’ của ông.

Hiếm có vị vua nào có một cuộc đời long đong, lận đận như Phổ Nghi: Lên ngôi, bị phế truất, rồi lại được quân Nhật đưa lên ngôi, bị lưu đày rồi phải ngồi tù.

Ngày 18/8/1945, Phổ Nghi khi đó là hoàng đế của Mãn Châu Quốc vừa thoái vị và bị Hồng quân bắt giữ khi chuẩn bị chạy trốn sang bán đảo Triều Tiên cùng bại binh của Nhật Bản. Sau đó, ông bị áp giải sang Liên Xô và sống tại Chita trước khi được chuyển về Khabarovsk.

Trong cuốn hồi lý được xuất bản vào những năm 60 thế kỷ trước của mình, Phổ Nghi dành hẳn một chương để kể về quãng thời gian 5 năm bị giam cầm này.

Phổ Nghi kể, ngay từ khi máy bay hạ cánh xuống sân bay ở Siberia, ông bị áp giải lên một chiếc ô tô và di chuyển liên tục trong vài giờ đồng hồ.

Lúc bấy giờ, điều ông lo sợ nhất là không hề biết điều gì sẽ xảy ra với mình. Thậm chí ngay cả khi có ai đó nói với ông bằng một thứ tiếng Trung trôi chảy rằng ông có thể ra ngoài để đi tiểu nếu muốn, Phổ Nghi cũng cảm thấy bất an.

“Tôi trở nên sợ hãi. Giọng nói đó khiến tôi tưởng rằng một số đồng hương đang tìm cách đưa tôi trở về và nếu điều đó là sự thật, tôi chỉ có nước chết”, Phổ Nghi viết.

Những năm tháng tiếp theo khi đặt chân tới Chita và Khabarovsk đối với Phổ Nghi tương đối thoải mái dù ông luôn nhấn mạnh mình là một tù nhân chiến tranh.

Bị cầm tù ở khu nghỉ dưỡng

Điểm dừng chân đầu tiên của ông tại Liên Xô là một viện điều dưỡng và cạnh đó là một khu nghỉ mát gần thành phố Chita của Siberia. 

“Chúng tôi được ăn 3 bữa mỗi ngày và một bữa trà chiều theo kiểu Liên Xô. Các bác sỹ và y tá luôn túc trực và thường xuyên kiểm tra tình trạng sức khỏe của chúng tôi”, Phổ Nghi kể.

Phổ Nghi tiết lộ rằng ông thậm chí còn nhận được sách và một chiếc đài nhỏ do Liên Xô cung cấp. Với cuộc sống thảnh thơi, nhàn hạ như vậy, ông thường xuyên đi dạo, tận hưởng cuộc sống của mình ở Chita.

Mặc dù vậy, ông gần như không hề hay biết bất cứ thông tin gì về tình hình chính trị thế giới lúc bấy giờ.

“Không lâu sau chúng tôi đến, tôi từng ảo tưởng rằng mình có thể được luân chuyển tới Anh và Mỹ, sống một cuộc sống lưu vong bởi khi đó hai nước này và Liên Xô đang là đồng minh”, ông viết.

Ông cũng vẫn luôn có một niềm tin sắt đá rằng, bước đầu tiên để hiện thực hóa mộng tưởng đó là trước hết phải được lưu trú tại Liên Xô. Vì vậy, Phổ Nghi đã 3 lần viết thư thỉnh cầu chính quyền Xô Viết cho định cư tại đây.

Luân chuyển tới Khabarovsk

Nhưng khi Phổ Nghi vẫn đang nuôi mộng ở Chita, ông lại bị chuyển tới Khabarovsk ở vùng viễn Đông. Ông cũng tỏ ra đôi chút thất vọng vì điều kiện ở chỗ mới không được tốt như ở Chita.

Nhưng đó không phải là điều mà Phổ Nghi khó chịu nhất, ông cảm thấy không hài lòng khi ở đây, các tù nhân khác vẫn thường gọi ông là “ông Phổ” thay vì “Hoàng đế” hay “Hoàng thượng”.

Mặc dù vậy, Phổ Nghi vẫn cố tìm những thú vui cho riêng, như trồng rau trong một lô đất được giao. 

f201211300910202915141942_dnep

Phổ Nghi, Hoàng đế cuối cùng của Trung Hoa

Thời điểm đó, Phổ Nghi và các tù nhân Trung Quốc khác chỉ có thể tiếp cận một nguồn tin duy nhất về quê hương thông qua báo Lao Động (Trud) của Liên Xô.

Năm 1946, chính quyền Xô Viết đưa ông tới làm chứng tại một phiên tòa tội ác chiến tranh ở Tokyo, Nhật Bản. Tại phiên tòa này, ông đã lên tiếng vạch trần những tội ác chiến tranh mà Nhật Bản đã gây ra.

Tháng 8/1950, Phổ Nghi được gửi trở lại Trung Quốc. Trước khi trở lại quê hương, ông để lại một số đồ trang sức có giá trị và tài sản của mình, đồng thời tuyên bố rằng ông muốn hỗ trợ Liên Xô tái thiết kinh tế sau chiến tranh.

RELATED ARTICLES

Tin mới