Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Nga và Hy Lạp không chỉ là đối tác mà còn là những người bạn của nhau.
Người đứng đầu nước Nga đã dành 2 ngày (27-28/5) để thăm Hy Lạp, quốc gia từng chìm trong khủng hoảng tài chính tồi tệ.
“Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành của mình tới những người đồng nghiệp phía Hy Lạp vì sự đón tiếp hiếu khách trong chuyến thăm của tôi. Tôi thực sự xúc động vì sự chào đón nồng nhiệt, thân mật dành cho phái đoàn Nga tại Hy Lạp”, Tổng thống Nga bày tỏ với báo giới.
Theo nhà lãnh đạo Nga, chuyến thăm và quá trình đàm phán giữa hai bên là rất tích cực.
Ông chủ điện Kremlin nói rằng, mối quan hệ hiện nay giữa Nga và Hy Lạp được dựa trên chủ nghĩa thực tế và sự tin tưởng lẫn nhau.
“Chúng tôi đánh giá mức độ hợp tác mà hai bên có thể đạt được, và chia sẻ niềm tin rằng còn rất nhiều tiềm năng tương lai để tăng cường mối liên kết kinh doanh và hỗ trợ nhân đạo. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng, các kết quả của chuyến thăm sẽ mang tới động lực mới và thúc đẩy sự thấu hiểu, tin tưởng lẫn nhau giữa hai quốc gia và dân tộc của chúng ta”, ông Putin khẳng định.
Tuyên bố về mối quan hệ thân thiết giữa Athens và Moscow của Tổng thống Putin cho thấy, Nga đang muốn tranh thủ sự ủng hộ của Hy Lạp. Từ trước đến nay, Hy Lạp luôn là nước phản đối mở rộng các lệnh trừng phạt của châu Âu chống Nga. Vào thời điểm này, châu Âu đang xem xét lại các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Để tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Liên minh châu Âu cần có sự nhất trí của tất cả các thành viên
Tuy nhiên, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras Tsipras đã phát biểu nhân chuyến thăm của ông Putin rằng, Hy Lạp đã nhiều lần khẳng định, vòng luẩn quẩn của sự quân phiệt hóa, sự đối đầu kiểu thời kỳ chiến tranh lạnh hay các biện pháp trừng phạt đều không có hiệu quả. Giải pháp cho vấn đề này là đối thoại. Mọi người đều thừa nhận, sẽ không thể tồn tại một tương lai cho châu Âu với sự bất đồng sâu sắc giữa Liên minh châu Âu và Nga.
Theo giới phân tích, dường như điện Kremlin đang muốn dùng Athens làm lá chắn để chống đỡ lại các nguy cơ cấm vận từ châu Âu. Với phản ứng hiện nay của Hy Lạp, một thỏa thuận thống nhất giữa các nước là điều gần như không thể.
Một tính toán khác của Nga trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đang căng thẳng, đó là Moscow có thể sử dụng hải cảng Alexandroupolis của Hy Lạp để lưu thông hàng hóa mà không cần sử dụng hai eo biển Bosporus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tháng 2 năm nay, Athens đã gợi ý cho Nga đỗ ở các hải cảng lớn tại nước này, cho phép lưu thông hàng hoá mà không cần qua eo biển Bosporus và Dardanelles.
Theo đó, chính quyền tỉnh Simferopol thuộc bán đảo Crimea, được Nga sáp nhập năm 2014, đã ký kết thỏa thuận hợp tác với đại diện phòng Thương mại công nghiệp khu vực Evros thuộc Hy Lạp, trong đó có đề cập đến khả năng Nga sẽ sử dụng hải cảng Alexandroupolis nằm bên bờ Địa Trung Hải.
“Chúng ta có thể hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, thành phố chúng tôi có một trong những hải cảng lớn nhất, là nút lưu thông hàng hoá quan trọng mà không cần qua eo biển Bosporus và Dardanelles. Đây cũng là nơi lắp đặt 3 đường ống dẫn dầu và một nhà máy khí hỏa lỏng có khả năng tiếp tế nhiên liệu cho tàu thuyền”, ông Evangelos Lambakis, Thị trưởng thành phố Alexandroupolis tuyên bố.