Saturday, April 27, 2024
Trang chủĐiểm tinDư luận về Đối thoại Shangri - La 2016

Dư luận về Đối thoại Shangri – La 2016

Đối thoại Shangri – La 2016 lần thứ 15 diễn ra từ ngày 3 – 5/6 tại Singapore sẽ đề cập đến nhiều vấn đề an ninh nổi lên ở khu vực như cuộc chiến chống khủng bố, nỗ lực ngăn chặn lực lượng cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Châu Á – Thái Bình Dương, vấn đề Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Đối thoại Shangri – La năm nay quy tụ các quan chức và chuyên gia an ninh, quốc phòng từ hơn 30 nước, trong đó có ít nhất 20 Bộ trưởng Quốc phòng khẳng định sẽ tham dự, bao gồm các nước Mỹ, Canada, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Singapore và Việt Nam.

Đô đốc Trung Quốc Tôn Kiến Quốc tại Đối thoại Shangri – La 2015

Theo thông lệ của những năm gần đây, Mỹ sẽ cử một phái đoàn hùng hậu tham gia Đối Thoại Shangri – La. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dẫn đầu đoàn Mỹ tham dự Đối thoại. Cùng đi với ông Ashton Carter là Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân và Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Lực Lượng Mỹ vùng Thái Bình Dương. Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục thể hiện thái độ thiếu “quan tâm” đến Đối thoại khi cử Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Tôn Kiến Quốc dẫn đầu đoàn đại biểu tham dự.

Tại buổi tiếp, Tiến sỹ Tim Huxley, Giám đốc khu vực Châu Á thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế – IISS, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh cho biết Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch sẽ dự Đối thoại Shangri – La 2016. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, hòa bình, ổn định ở Châu Á – Thái Bình Dương là vấn đề lớn trên thế giới hiện nay, Việt Nam luôn ủng hộ tinh thần xây dựng hòa bình của tất cả các nước thuộc Châu Á – Thái Bình Dương và quốc tế về khu vực này. Chính vì vậy, tham dự Đối thoại Shangri – La 2016 đoàn Việt Nam sẽ tăng cường số lượng học giả quân sự, nâng cao chất lượng Đối thoại. Trong khi đó, ông Tim Huxley đánh giá cao vai trò của Việt Nam tham gia trong Đối thoại Shangri – La các lần trước; các bài tham luận của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam đã gây được ấn tượng sâu sắc với các đại biểu biểu, đem lại thành công cho các lần Đối thoại; mong muốn Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cùng các học giả tiếp tục có những tham luận chất lượng, hiệu quả, góp phần đem lại thành công cho Đối thoại Shangri – La 2016.

Văn phòng Chính phủ Singapore cho biết Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan – o – cha sẽ là diễn giả khai mạc Đối thoại Shangri – La lần thứ 15

Việc ông Prayuth Chan – o – cha được chọn làm người phát biểu trong tiệc tối khai mạc Đối Thoại Shangri – La 2016 được cho là một “chọn lựa thú vị”. Một vài nhà quan sát cũng đặt vấn đề về tính chính danh của Chính phủ quân sự do tướng Prayuth đứng đầu và cách thức ông đang lãnh đạo Thái Lan. Tuy nhiên, Giám đốc IISS chi nhánh Châu Á tại Singapore, tiến sĩ Tim Huxley cho rằng, các dàn xếp chính trị quốc nội của một quốc gia không phải là một yếu tố quan trọng trong việc cân nhắc chọn lãnh đạo quốc gia đó phát biểu. Vấn đề quan trọng nhất là cách nhìn nhận về các vấn đề quốc tế và khu vực của lãnh đạo đó mới. Ngoài ra, do Thái Lan chưa từng có lãnh đạo được mời phát biểu khai mạc Đối Thoại Shangri – La nên “để diễn đàn năm nay nghe quan điểm của quốc gia vốn có vai trò quan trọng trong khu vực này là quan trọng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter dự kiến phát biểu trong ngày họp đầu tiên (4/6). Trong khi trưởng đoàn Trung Quốc Tôn Kiến Quốc sẽ phát biểu trong ngày họp thứ hai (5/6), cũng là ngày diễn ra phiên toàn thể với chủ đề về “Những lợi ích an ninh cốt lõi của Trung Quốc”.

Trước đó, năm 2013, IISS mời Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng làm người phát biểu dẫn dắt Đối Thoại Shangri – La lần thứ 12 với chủ đề “xây dựng lòng tin chiến lược để duy trì hòa bình và ổn định an ninh trong khu vực”, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của diễn đàn.

Vấn đề Biển Đông sẽ là một trong những trọng tâm của Đối thoại Shangri là 2016

Dư luận nhìn chung cho rằng, vấn đề Biển Đông sẽ làm “nóng” các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Đối thoại Shangri – La năm 2016.

Tiến sỹ Tim Huxley cho rằng, vấn đề đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế là việc Trung Quốc cải tạo và quân sự hóa một số bãi đá, rạn san hô ở Biển Đông, khiến nhiều nước đã phản ứng mạnh mẽ. Tuy nhiên, do nhận thức rõ về hậu quả nghiêm trọng của tình trạng căng thẳng kéo dài trong quan hệ song phương, nên tại diễn đàn lần này, cả Mỹ và Trung Quốc sẽ cố gắng kiềm chế giống như họ từng thể hiện năm 2015. Ông Tim Huxley thừa nhận, trong quá trình chuẩn bị cho Đối thoại Shangri – La năm nay cũng đã có nhiều dự đoán về những bước tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông, cụ thể trong bối cảnh Tòa Trọng tài quốc tế ở La Haye (Hà Lan) đang chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền và hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Thời Ân Hoằng, Giáo sư Đại học Nhân Dân Trung Quốc cho rằng, Trung Quốc nên chuẩn bị sẵn sàng đối mặt với tình huống bị Mỹ và các nước Châu Á khác lên án tại Đối thoại lần này với cường độ cao hơn năm ngoái, vì Trung Quốc “đã làm rất nhiều việc để tăng cường triển khai quân sự ở Biển Đông trong năm 2016”. Theo ông Thời Ân Hoằng, Trung Quốc đang lo ngại Mỹ đang hình thành liên minh trong một nỗ lực thành lập một “NATO phiên bản Châu Á”. Trong khi đó, Lý Kiệt, một chuyên gia quân sự tại Trung Quốc nhận định, Đô đốc Tôn Kiến Quốc sẽ đến Shangri – la để trình bày quan điểm của ông Tập Cận Bình: “Trung Quốc không gây rắc rối, nhưng sẽ không sợ bất kỳ rắc rối nào”.

Đáng chú ý, South China Morning Post (1/6) nhận định, Trung Quốc đã chuẩn bị áp đặt phi pháp một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, vấn đề còn lại phụ thuộc vào “thái độ của Mỹ”.

Vấn đề an ninh khu vực: Tiến sỹ Tim Huxley (30/5) nhận định, bên cạnh tình hình Biển Đông, một mối quan tâm lớn khác của các nước tại Đối thoại Shangri – La lần này là căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong – un chỉ đạo tiến hành hàng loạt vụ thử hạt nhân và tên lửa từ đầu năm đến nay. Một số vấn đề an ninh mới của khu vực như sự xuất hiện và len lỏi của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại một số nước Đông Nam Á, nạn cướp biển, đánh bắt cá trái phép…; cho rằng tình hình Đông Nam Á và Đông Bắc Á trong có những diễn biến căng thẳng hơn, đã xuất hiện dấu hiệu nguy hiểm. Vấn đề trên bán đảo Triều Tiên chưa tìm được lối thoát và “Bình Nhưỡng vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực”.

Ông Tim Huxley khẳng định, Đối thoại Shangri – La đã và sẽ luôn luôn là cơ hội để Bộ trưởng Quốc phòng cũng như quan chức quân đội, an ninh của các nước Châu Á – Thái Bình Dương và những nước có liên quan thảo luận với những cố vấn, chuyên gia phi chính phủ hàng đầu trong lĩnh vực này để từ đó làm rõ những chính sách an ninh quốc gia, những khác biệt về quan điểm và tìm ra lĩnh vực tiềm năng hợp tác. Bên cạnh các phiên toàn thể và phiên họp chuyên biệt, bên lề Đối thoại Shangri – La sẽ diễn ra hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương và đa phương giữa phái đoàn quan chức các nước nhằm tăng cường hiểu biết và hợp tác an ninh quốc phòng trong khu vực.

Nhìn lại các Đối thoại Shanri – La trước

Đối thoại Shangri – La là một “Diễn đàn an ninh liên chính phủ” tổ chức hàng năm do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) tổ chức và chủ trì kể từ năm 2002 tới nay. Đại biểu tham dự Hội nghị chủ yếu là các Bộ trưởng Quốc phòng, các Bộ Trưởng thường trực và các Tướng lĩnh quân đội của 28 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương. Đối thoại Shangri – La tạo cơ hội cho Bộ trưởng Quốc phòng các nước Châu Á – Thái Bình Dương và nhiều quốc gia khác có lợi ích trong khu vực nhóm họp với những viện chính sách phi chính phủ hàng đầu nhằm làm rõ những chính sách khu vực, tìm kiếm lĩnh vực có thể cùng nhất trí và có tiềm năng hợp tác.

Trước đây, Trung Quốc cho rằng Đối thoại Shangri – La là diễn đàn mà các nước trong khu vực tập trung lên án Trung Quốc, nên Bắc Kinh rất thận trọng và lảng tránh. Đến năm 2007, Trung Quốc mới lần đầu tham dự Đối thoại, nhưng thường ở cấp thấp như Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học quân sự để biện bạch cho lập trường của mình. Chỉ trong năm 2011, Trung Quốc lần đầu tiên và duy nhất cử Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt tham gia.

Tại Đối thoại năm 2015: Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc (31/5) từng ngụy biện cho hành động xây đắp phi pháp trên Biển Đông khi cho rằng “ngoài việc đáp ứng nhu cầu quốc phòng”, hoạt động xây đắp nhằm “cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt của những người đóng trú” và giúp nước này “thực hiện tốt hơn nghĩa vụ và nhiệm vụ quốc tế” liên quan đến tìm kiếm, cứu hộ trên biển, ngăn chặn thiên tai; “dù có đầy đủ bằng chứng pháp lý và lịch sử, Trung Quốc đã hết sức kiềm chế, góp phần tích cực cho hòa bình và ổn định khu vực”; tình hình Biển Đông “nói chung vẫn hòa bình và ổn định, chưa bao giờ có vấn đề về tự do lưu thông” và “không có lý do gì để thổi phồng” vấn đề Biển Đông. Ngoài ra, ông Tôn Kiến Quốc còn cho rằng, việc Trung Quốc lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông “sẽ được dựa trên đánh giá về tình hình an ninh, tùy thuộc vào các mối đe dọa đối với an ninh hàng hải và hàng không”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter khẳng định chỉ trong vòng 18 tháng qua, Trung Quốc đã bồi đắp tới 800 ha đất ở Biển Đông và “đó là lý do tình trạng lấn biển này trở thành nguồn cơn gây căng thẳng ở khu vực. Mỹ quan ngại sâu sắc về tiến độ và quy mô của việc bồi đắp ở Biển Đông, nguy cơ quân sự hóa cũng như gia tăng nguy cơ tính toán sai lầm hoặc xung đột giữa các bên tranh chấp”; Mỹ muốn giải pháp hòa bình cho tất cả tranh chấp nhằm bảo vệ lợi ích của tất cả các bên; đồng thời tuyên bố “Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và tự do hàng không – những nguyên tắc bảo đảm an ninh và phồn thịnh ở khu vực trong mấy thập niên qua… Mỹ sẽ bay, đi thuyền và hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đề xuất các nước ASEAN cùng tuần tra không phận Biển Đông 24/24 giờ. Bộ trưởng Quốc phòng Australia Kevin Andrews nhấn mạnh Australia có “lợi ích hợp pháp trong việc duy trì hòa bình và ổn định, thương mại không bị cản trở và tự do lưu thông” ở Biển Đông, tuyên bố Australia đã triển khai máy bay tuần tra Biển Đông trong thời gian qua và sẽ tiếp tục làm điều này, bất chấp nguy cơ bị Trung Quốc cản trở. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đề xuất tất cả các bên tranh chấp cùng tiến hành “tuần tra hòa bình” trong khu vực để giảm nguy cơ đụng độ. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho rằng “nếu không cẩn thận, thì căng thẳng Biển Đông sẽ leo thang thành một trong những cuộc xung đột chết chóc nhất trong thời đại của chúng ta, nếu không muốn nói là trong lịch sử”, kêu gọi tất cả các bên nên có trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định, không đưa ra những tuyên bố nóng nảy và đổ lỗi lẫn nhau sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho bất kỳ quốc gia nào; đồng thời cho biết, tuần tra chung với Trung Quốc “không phải không khả thi” vì “Trung Quốc có nhiều thứ để mất nếu khu vực bất ổn”. Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter tuyên bố nước này sẵn sàng làm trung gian tìm kiếm giải pháp hòa bình, đúng luật pháp cho tranh chấp ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới