Thời gian gần đây, Trung Quốc đang đẩy mạnh quan hệ, hợp tác với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) nhằm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực và lôi kéo một số nước ASEAN ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Nguồn Vietnamnet.vn
Quan hệ Trung Quốc – ASEAN được thắt chặt và triển khai trên nhiều lĩnh vực
Chính phủ Trung Quốc đặc biệt chú trọng phát triển quan hệ, hợp tác với các nước ASEAN: Tại lễ kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ Trung Quốc – ASEAN (1991 – 2016), Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định quan hệ Trung Quốc – ASEAN đã có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ, lòng tin chính trị giữa hai bên không ngừng được tăng cường và đạt được nhiều thành tích thực chất trong hợp tác trên các lĩnh vực. ASEAN hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc là nước đầu tiên xây dựng khu thương mại tự do với Đông Nam Á và liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ năm 2009 đến nay. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường từng khẳng định quan hệ Trung Quốc – ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong “thập niên vàng” và đang có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quan hệ song phương trong “thập niên kim cương”. Trước đó, ông Lý Khắc Cường cam kết khoản cho vat ưu đãi 20 tỷ USD phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng các nước ASEAN; cung cấp 3 tỷ USD cho Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc – ASEAN (chuyên cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng tại ASEAN) và 480 triệu USD hỗ trợ các nước ASEAN thúc đẩy xóa đói giảm nghèo.
Trung Quốc và ASEAN thúc đẩy hợp tác kinh tế: Trung Quốc – ASEAN đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với nền tảng hợp tác về kinh tế – thương mại và đầu tư, tạo khuôn khổ mới về kết nối hợp tác giữa hai bên, góp phần đưa Trung Quốc và ASEAN trở thành một trong các hình mẫu hợp tác thành công giữa ASEAN và các đối tác chiến lược; hai bên liên tục tổ chức các Hội nghị, diễn đàn, Hội chợ như Hội nghị thương đỉnh về Phát triển và Hợp tác tài chính Trung Quốc – ASEAN, Diễn đàn Văn hóa Trung Quốc – ASEAN; Hội nghị về Hợp tác thương mại và đầu tư xuyên biên giới, Hội chợ Trung Quốc – ASEAN (CAEXPO) …. nhằm giao lưu, thúc đẩy hợp tác kinh tế. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 18, hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, tập trung vào các lĩnh vực cùng quan tâm như thương mại, đầu tư, tài chính, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, môi trường, y tế và giáo dục; khẳng định sẽ nỗ lực nâng thương mại hai chiều lên mức 1.000 tỷ USD và đầu tư hai chiều lên mức 150 tỷ USD vào năm 2020.Hiện Trung Quốc đầu tư 40 tỷ USD thành lập “Quỹ Con đường tơ lụa” nhằm phát triển hạ tầng liên kết các nước Châu Á – Thái Bình Dương; Trung Quốc – ASEAN (22/11/2015) chính thức nâng cấp thỏa thuận thương mại ASEAN – China Free Trade Agreement (ACFTA); cam kết sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2016.
Trung Quốc tăng cường giao lưu, hợp tác an ninh – quốc phòng với các nước ASEAN: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn (16/10/2015) khẳng định, đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh là một thành tố quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc – ASEAN; Trung Quốc muốn cùng ASEAN hợp tác để duy trì an ninh và ổn định trong khu vực; khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục điều phối và hợp tác với ASEAN trong các cơ chế đa phương như Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn khu vực (ARF); ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong các cơ chế liên quan và cùng xây dựng cấu trúc hợp tác an ninh khu vực mang tính chất mở, minh bạch và bình đẳng. Trung Quốc – ASEAN (7/4) đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và chống khủng bố. Chủ tịch Ủy ban Chính trị và pháp lý của Trung Quốc Mãnh Kiến Trụ cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN để hiện thực hóa chiến lược an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững cho Châu Á; đồng thời kêu gọi các nước tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng các lĩnh vực hợp tác, đẩy mạnh năng lực hợp tác chống khủng bố nhằm thiết lập một cơ chế hợp tác chống khủng bố đa phương với các đặc thù của khu vực. Trước đó, Trung Quốc và ASEAN (29 – 30/3) đã cam kết thúc đẩy hợp tác thực thi luật pháp nhằm đối phó hiệu quả hơn những thách thức an ninh và tiến tới thành lập một học viện thực thi luật pháp để huấn luyện cảnh sát. Theo đó, Học viện Sỹ quan Cảnh sát Vân Nam (Côn Minh, Trung Quốc) sẽ chịu trách nhiệm thành lập Học viện Thực thi Luật pháp Trung Quốc – ASEAN nhằm hỗ trợ Trung Quốc và ASEAN đối phó hiệu quả đối với những mối đe dọa đang gia tăng như khủng bố, tội phạm mạng, buôn ma túy và buôn người. Ngoài ra, Trung Quốc và ASEAN cam kết sẽ tăng cường các cuộc diễn tập về tìm kiếm cứu nạn, phòng chống thiên tai, thảm họa, hỗ trợ nhân đạo và đối phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống khác trên Biển Đông.
Tuy nhiên, quan hệ giữa Trung Quốc – ASEAN còn tồn tại một số khó khăn, đặc biệt là bất đồng giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông
Trong vấn đề Biển Đông: Bất đồng giữa Trung Quốc và ASEAN trong vấn đề Biển Đông chủ yếu xuất phát từ chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương trực tiếp với nước liên quan của Trung Quốc và việc hai bên không đạt được đồng thuận cách tiếp cận vấn đề Biển Đông, nhất là nội dung cũng như cách thực thi Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (23/4) tuyên bố, vấn đề Biển Đông không phải tranh chấp giữa Trung Quốc và ASEAN. Nó không ảnh hưởng đến quan hệ Trung Quốc – ASEAN. Trong khi đó, cựu Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan từng cho biết, các nỗ lực xây dựng COC như vậy đã có từ 10 năm trước nhưng mãi đến gần đây các nước mới tham gia một cách nghiêm túc và cố gắng đạt được những bước tiến nhất định và việc đem COC ra thảo luận đã ít nhiều có tác dụng xoa dịu các bên liên quan ở Biển Đông. Chính vì vậy, Trung Quốc đang tích cực sử dụng sức ảnh hưởng chính trị và tiềm lực kinh tế lớn để vận động ngoại giao, viện trợ kinh tế cho một số nước ASEAN, tìm cách làm sâu sắc thêm những bất đồng trong ASEAN về vấn đề Biển Đông. Trước sự cám dỗ của Trung Quốc, một số nước ASEAN đã “không giữ được mình”, chấp nhận sự lệ thuộc và nghe theo sự sắp xếp của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Điển hình là việc Trung Quốc tuyên truyền rầm rộ về việc đạt được thỏa thuận với Lào, Campuchia và Brunei về vấn đề Biển Đông. Giới truyền thông nhận định, Trung Quốc tìm mọi cách để một số nước ASEAN ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông là nhằm chia rẽ ASEAN và tìm cách đẩy tranh chấp Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự tại các diễn đàn đa phương do ASEAN tổ chức. Theo Thời báo tài chính của Anh, Lào và Campuchia lệ thuộc nghiêm trọng vào sự đầu tư của Trung Quốc, đã từ lâu, hai nước muốn thông qua việc ngăn cản ASEAN áp dụng thái độ cứng rắn hơn đối với những vụ tranh chấp trên biển để Bắc Kinh được hưởng lợi. Brunei là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ dồi dào, tuy nhiên quốc gia này đang phải chịu đựng sức ép do giá dầu thô sụt giảm mạnh, chưa bao giờ Brunei ủng hộ Bắc Kinh công khai như thời điểm này. Cùng với đó, trước vụ tranh chấp này, quốc gia lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia đang cố gắng đứng ngoài cuộc. Tất cả những điều này đều rất hợp với tâm ý của Bắc Kinh. Có lẽ tất cả chúng ta vẫn còn nhớ sự kiện năm 2012, khi Campuchia với tư cách là Chủ tịch luân phiên ASEAN đã thể hiện mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc, thẳng thừng bác yêu cầu đưa vấn đề Biển Đông vào Tuyên bố chung trong Hội nghị cấp cao ASEN, khiến Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần đầu tiên không ra được thông báo chung. Cùng với quan điểm đó, cựu Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong và Giáo sư Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Australia) cho rằng việc Trung Quốc chia rẽ và lôi kéo các nước ASEAN ủng hộ lập trường của Trung Quốc là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của ASEAN, phân tán sức mạnh đoàn kết của ASEAN và “phủ đầu” phán quyết sắp tới của Tòa trọng tài Liên hợp quốc.
Về hợp tác kinh tế: Thâm hụt thương mại giữa các nước ASEAN với Trung Quốc tiếp tục gia tăng, do ACFTA có hiệu lực đầy đủ vào năm 2010, song thương mại hàng hóa của các nước ASEAN với Trung Quốc đã chuyển từ thặng dư sang thâm hụt với mức 45 tỷ USD vào năm 2013. Trong đó, hàng hóa chế tạo, đặc biệt máy móc và thiết bị điện tử vẫn chiếm chủ yếu trong thương mại giữa song phương. Hiện FDI từ Trung Quốc chưa đóng vai trò quan trọng ở ASEAN và đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào các nước ASEAN vẫn còn thấp so với tổng đầu tư FDI của Trung Quốc. Theo số liệu từ Bộ Thương mại TQ, TQ chỉ đóng góp 2,3% tổng vốn FDI vào ASEAN và FDI của TQ vào ASEAN chỉ chiếm 6,7% (35,7 tỷ USD) tổng vốn FDI của TQ đầu tư ra nước ngoài trong năm 2013.
Việc Trung Quốc – ASEAN thắt chặt quan hệ có ảnh hưởng nhất định đối với tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
– Trung Quốc thắt chặt quan hệ với ASEAN là do: ASEAN có vị trí địa chiến lược quan trọng, có tuyến đường hàng hải nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là cửa ngõ đi ra thế giới của TQvà có tài nguyên phong phú, nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh của Trung Quốc. Mặt khác,ASEAN có thể trở thành một lợi thế để Trung Quốc kiềm chế Nhật Bản và Mỹ. Do vậy, Trung Quốc đặc biệt quan tâm mở rộng không gian hoạt động tại khu vực này để bảo vệ lợi ích an ninh của mình. Ngoài ra, thông qua việc tăng cường quan hệ, ảnh hưởng đối với các nước ASEAN, Trung Quốc cũng muốn nâng vị thế của Bắc Kinh trên trường quốc tế và tranh thủ sự ủng hộ của một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc và ASEAN tăng cường quan hệ có tác động đối với tình hình khu vực Châu Á – Thái Bình Dương: Một mặt, cạnh tranh ảnh hưởng giữ Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ với các nước ASEAN trở nên căng thẳng; ảnh hưởng đến môi trường hòa bình, ổn định để tập trung phát triển kinh tế của khu vực; khiến các nước ASEAN gặp khó khăn trong việc lựa chọn đối tác, đặc biệt là trong bối cảnh ASEAN đang thực hiện chính sách cân bằng nước lớn, coi trọng quan hệ với tất cả các nước lớn, trong đó có Trung Quốc. Mặt khác, việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc – ASEAN sẽ khiến một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc “tràn ngập” thị trường khu vực và thế giới, tác động mạnh mẽ đến nền sản xuất hàng hóa của các nước ASEAN. Ngoài ra, các nước ASEAN đều đang tập trung phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ, Nhật Bản, EU, vì vậy cạnh tranh trong thương mại để giành giật thị trường tiêu thụ, thậm chí cạnh tranh trong thị trường nội Kkhối cũng diễn ra gay gắt.
Thời gian tới, Trung Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục tiến hành một số biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương: Giữ vững định hướng chủ đạo láng giềng hữu nghị, đặt nền tảng chính trị vững chắc cho sự tin cậy chiến lược song phương; Tăng cường giao lưu và hợp tác trong lĩnh vực an ninh, hoàn thiện cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc – ASEAN, làm sâu sắc quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống; Thúc đẩy các biện pháp có tính thực chất trong những lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, hợp tác đầu tư; nâng cao mức độ tự do hóa và tiện lợi hóa về thương mại và đầu tư, phấn đấu thực hiện mục tiêu đưa tổng kim ngạch thương mại lên mức 1.000 tỷ USD vào năm 2020; Tăng cường hợp tác tài chính, mở rộng quy mô và phạm vi trao đổi tiền tệ song phương, tăng cường thí điểm thanh toán bằng đồng nội tệ trong hoạt động thương mại giữa các nước; Tăng cường giao lưu, hợp tác văn hóa Trung Quốc – ASEAN.
Tuy nhiên, vấn đề Biển Đông tiếp tục là “tương lai mù mịt” trong quan hệ Trung Quốc và ASEAN. Tuy lãnh đạo Trung Quốc và các nước ASEAN liên tục kêu gọi phát triển quan hệ đối tác hợp tác trên biển, giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thúc đẩy đàm phán và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Nhưng trên thực tế, đề làm được như vậy, Trung Quốc cần phải từ bỏ lối suy nghĩ và lập trường cứng rắn, vô lý về vấn đề Biển Đông; cần nhìn nhận tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông một cách khách quan, xem xét lại các hành động của Trung Quốc trên thực địa và tìm kiếm các biện pháp giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Ngoài ra, một số nước ASEAN cũng đừng quá vì lợi ích của mình, quên đi nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nghĩa vụ đối với các nước trong Khối.
Giới chuyên gia, học giả quốc tế cho rằng, ASEAN có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm thúc đẩy và hỗ trợ giải quyết tranh chấp ở Biển Đông. Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện ISEAS – Yusuf Ishak (Singapore) Tang Siew Mun cho rằng, COC là hy vọng tốt nhất của ASEAN và Trung Quốc để định hình lại mối quan hệ chiến lược mong manh hiện tại; để sớm xây dựng được COC, các nước ASEAN cần phải đóng vai trò chủ đạo trong việc xây dựng và thông qua COC để đi đến tổ chức ký kết giữa các nước ASEAN với nhau; đồng thời, mở rộng phạm vi tham gia đối với các nước khác, cả ở trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, COC không phải là một văn kiện giải quyết tranh chấp về chủ quyền mà là một văn kiện đề ra các chuẩn mực hành xử, chủ yếu để hạn chế hơn là trao thêm quyền cho các nước có lợi ích ở Biển Đông.