Friday, December 27, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTrung Quốc thừa nhận tranh cãi nội bộ về 'đường lưỡi bò'

Trung Quốc thừa nhận tranh cãi nội bộ về ‘đường lưỡi bò’

Tướng Võ Tiến Trung cho biết tại Đối thoại Shangri-la, khi được hỏi về “đường lưỡi bò”, Trung Quốc thừa nhận chính nội bộ nước này còn đang tranh cãi về nó.

Tướng Võ Tiến Trung: “Nếu Trung Quốc tỉnh táo, họ sẽ phải điều chỉnh lại thái độ của mình”.

Tướng Võ Tiến Trung, nguyên giám đốc Học viện Quốc phòng, người tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi cuối tuần qua, trao đổi với chúng tôi về vấn đề Biển Đông tại diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á này. 

– Đánh giá của ông về lập luận của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông tại Đối thoại Shangri-la?

– Trong phiên họp toàn thể thứ 4 với chủ đề “Những thách thức trong giải quyết xung đột”, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, trưởng đoàn Trung Quốc, đưa ra một tấm bản đồ cổ được cho là vẽ từ thế kỷ thứ hai trước công nguyên, trong đó mô tả toàn bộ Biển Đông thuộc quyền quản lý của vương triều Trung Hoa thời đó. Trung Quốc lý giải rằng họ là người đầu tiên phát hiện ra Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam) và vẽ bản đồ.

Ông Tôn cũng ngang nhiên tuyên bố rằng từ đó tới nay nước này đã đưa quân, dân ra quản lý hai quần đảo. Lập luận sai trái của Trung Quốc lập tức gặp phải phản ứng mạnh từ các đoàn tham gia Đối thoại Shangri-la.

Một đại biểu đặt câu hỏi, thời xưa, rất nhiều nước vẽ bản đồ. Nếu theo bản đồ cổ, thì nhiều nước trong khối ASEAN, một phần Ấn Độ, một nửa các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ đều thuộc quản lý của vương triều Trung Hoa, vậy hiện nay Trung Quốc có đòi chủ quyền với những lãnh thổ đó? Rồi thế kỷ 19, bản đồ Vương quốc Anh vẽ địa giới tới gần nửa thế giới, có một phần Trung Quốc ngày nay, ông Tôn suy nghĩ gì về bản đồ này?

Ông Tôn Kiến Quốc đáp Trung Quốc “tôn trọng bản đồ do nước Anh vẽ hiện nay”. Điều này cho thấy Trung Quốc đã lúng túng, tự mâu thuẫn chính mình.

– Trung Quốc phát hành tờ rơi với nội dung sai trái cho rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của nước này. Vì sao Việt Nam không phản đối với hành động này của Trung Quốc ngay tại Hội nghị?

– Khi Đối thoại Shangri-la đang diễn ra, Trung Quốc đã phát tờ rơi khẳng định “đường lưỡi bò” trên Biển Đông là lãnh thổ Trung Quốc. Tuy nhiên, do những người phát tờ rơi mặc quần áo dân sự và không rõ là ai nên ông Nguyễn Chí Vịnh không nêu điều này lúc phát biểu. Trung Quốc biết Việt Nam và các nước sẽ phản đối gay gắt nên đã tính toán để tuyên truyền theo cách phi chính thức.

Khi ông Tôn Kiến Quốc vừa kết thúc phần phát biểu, gần như phái đoàn của các nước tham gia đều đặt câu hỏi. Khi được hỏi Trung Quốc làm thế nào chứng minh Hoàng Sa thuộc chủ quyền nước này, ông Tôn không giải thích mà chỉ nói “Hoàng Sa là của Trung Quốc, không bàn cãi”. 

– Trung Quốc đưa ra lý giải gì cho “đường lưỡi bò” nước này tự vẽ ra?

– Trong phiên họp thứ 5 với chủ đề Kiểm soát căng thẳng trên Biển Đông, khi bị hỏi về cơ sở pháp lý của “đường lưỡi bò”, bà Diêu Vân Trúc (Yao Yunzhu) đã phải thừa nhận “đường lưỡi bò” “cũng đang gây nhiều tranh luận quyết liệt trong nội bộ Trung Quốc”. Cả hội trường khi đó cười ồ lên bởi nội bộ chưa thống nhất Trung Quốc mà đã đem ra công bố để khẳng định chủ quyền.

Tiếp theo, cử tọa hỏi “đường lưỡi bò” khẳng định điều gì? Bà Diêu nói đây là “vùng cảnh báo quân sự”. Cử tọa tiếp tục đặt câu hỏi Trung Quốc định nghĩa thế nào về thuật ngữ “vùng cảnh báo quân sự” bởi trên thế giới chưa có, bà Diêu đã không trả lời được. 

Theo quy định, mỗi đoàn chỉ có 5-10 phút để phát biểu. Đoàn Trung Quốc phát biểu cuối cùng, và chiếm thời gian tận tới 35 phút. Tôi cho rằng họ đã có tính toán từ trước, phát biểu cuối và rất dài dòng để tránh bị chất vấn. Đoàn Trung Quốc nói lâu tới mức chủ tọa nhiều lần phải nhắc nhở việc kéo dài thời gian. Nhìn chung năm nào Trung Quốc cũng phát biểu vòng vo, kể lể những điều họ đã làm trong lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. 

– Phát biểu của ông Nguyễn Chí Vịnh được đánh giá như thế nào?

– Tôi thấy các nước rất hoan nghênh phát biểu của ông Nguyễn Chí Vịnh. Ông đã làm rõ Đối thoại Shangri-la không phải nơi để tranh cãi về chủ quyền, mà là diễn đàn an ninh, ở đó các nước nêu lên vấn đề và cách giải quyết vấn đề. 

Tướng Vịnh cũng chỉ rõ những đòi hỏi chủ quyền quá đáng và chính sách ngoại giao áp đặt của nước lớn đã gây ra căng thẳng Biển Đông, nhấn mạnh xung đột ở Biển Đông sẽ là thảm họa cho cả thế giới. Vì vậy cần phải có sự hợp tác song hành đấu tranh ở khu vực này. Hợp tác để phát huy nghĩa vụ chung theo luật pháp quốc tế và đấu tranh không phải theo kiểu đối đầu mà là giải quyết từng vướng mắc để đi tới đồng thuận.

Khi Tướng Vịnh kết thúc phát biểu, ngồi cạnh chúng tôi, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nói đùa rằng: Ở đây có tôi, tướng Vịnh, Đô đốc Tôn. Nhưng nếu nói về phản ứng sau khi phát biểu thì có lẽ ông Tôn chính là “ngôi sao” khi bị quá nhiều nước chất vấn.

– Theo ông, Việt Nam có thể thấy gì từ  Đối thoại Shangri-la?

– Mục đích của Đối thoại Shangri-la là các nước đến đây để đưa ra sáng kiến của mình, nhằm giải quyết những vấn đề bất đồng, ngăn ngừa xung đột để tạo cho châu Á – Thái Bình Dương một môi trường hoà bình bền vững, chứ không giải quyết bất đồng về tranh chấp. Đoàn Việt Nam chúng ta đến Hội nghị với tinh thần đó. 

Tôi cho rằng tại Đối thoại Shangri-la, Việt Nam nhận được sự ủng hộ của rất nhiều nước. Đoàn Việt Nam đưa thông điệp rõ rằng Việt Nam sẽ không nhượng bộ vô nguyên tắc về chủ quyền. Chúng ta hợp tác kết hợp đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Trong khi đó, không chỉ có Mỹ mà nhiều nước khác như Anh, Pháp, Ấn Độ, Nhật và các nước trong ASEAN đều lên tiếng phản đối lập luận của Trung Quốc. Trung Quốc sẽ tự thấy mình bị cô lập. 

RELATED ARTICLES

Tin mới