Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTư duy toàn cầu của Việt Nam

Tư duy toàn cầu của Việt Nam

Việt Nam có quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN và Nga, nó sẽ có lợi hơn cho quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Học giả Nga Anton Tsvetov, ảnh: Anton Tsvetov (@antsvetov) | Twitter.

Ngày 27/5, học giả Nga Anton Tsvetov thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế của Nga đã có bài bình luận đáng chú ý về chính sách đối ngoại của Việt Nam, cũng như tác động từ việc Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam lên mối quan hệ Nga – Việt trên trang russiancouncil.ru.

Tư duy toàn cầu của Việt Nam

Học giả Anton Tsvetov nhận xét, sau những bài học đắt giá về chính trị quốc tế và quan hệ quốc tế, người Việt Nam đã phát triển tư duy chính trị mới, trong đó tính độc lập là ưu tiên hàng đầu, và chỉ có thể đạt được thành quả bằng cách cân bằng quan hệ đối tác với các cường quốc toàn cầu và khu vực.

Là một đất nước ổn định về chính trị xã hội, có nền tảng quân sự mạnh mẽ, nằm ở vị trí chiến lược và một nền kinh tế sôi động, đầy hứa hẹn cho nhiều người chơi trên toàn cầu cũng như khu vực, Việt Nam đang hướng tới đa dạng hóa chính sách đối ngoại của mình.

Hàn Quốc mang đến cho Việt Nam đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Nhật Bản mang lại nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), EU mang đến công nghệ, Nga mang sang thiết bị quân sự và công nghệ năng lượng bao gồm các dự án hạt nhân, Mỹ mang đến cho Việt Nam thị trường khổng lồ cho hàng dệt may và nông sản cùng các hỗ trợ về dịa chính trị.

Còn Trung Quốc mang lại cho Việt Nam một “liên minh về ý thức hệ và thương mại”, ông Anton Tsvetov bình luận. Tất nhiên Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt. Quan hệ phức tạp, thăng trầm, yêu ghét đan xen giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có từ trong lịch sử.

Về mặt địa lý, Trung Quốc là nước láng giềng không thể dịch chuyển. Quan hệ giữa hai đảng cầm quyền rất mật thiết, chính sách của Việt Nam thường dựa trên những bài học từ các mối quan hệ với Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, hai nước chia sẻ một kết nối mạnh mẽ với nền văn hóa chính trị truyền thống Nho giáo, ông Anton Tsvetov nhận xét.

Tuy nhiên theo người viết, dù có nhiều điểm tương đồng và quan hệ mật thiết về chính trị, nhưng Trung Quốc và Việt Nam là hai quốc gia hoàn toàn độc lập với nhau. Trong bối cảnh hiện nay, quan hệ Việt – Trung không phải quan hệ “liên minh” hay “đồng minh”.

Điều này được khẳng định trong chính sách, đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế mà các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nhiều lần khẳng định.

Dùng từ “liên minh” hay “đồng minh” giữa Việt Nam với bất kỳ quốc gia nào trong hoàn cảnh bình thường, xu thế hòa bình và phát triển hiện nay có thể dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.

Còn việc học hỏi các kinh nghiệm, bài học hay từ Trung Quốc cũng như tất cả các quốc gia khác trên thế giới để phát triển đất nước, nhìn thấy cái dở của Trung Quốc cũng như các nước khác để tránh lặp lại là việc nên làm đối với lãnh đạo bất kỳ quốc gia nào, chứ không riêng Việt Nam. Đó là điều hết sức bình thường.

Học giả Nga cũng lưu ý, người Việt Nam có ý thức thường trực về mối nguy cơ đe dọa độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ từ phương Bắc, đặc biệt là trên Biển Đông.

Mặt khác, Việt Nam đang trong tình trạng thâm hụt thương mại quy mô lớn trong quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, nên việc phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế với Trung Quốc theo hướng này có thể đe dọa đến tính độc lập của nền kinh tế Việt Nam.

Khi đạt được thành công nhất định trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thoát khỏi đói nghèo, việc Việt Nam xác định chính sách đối ngoại bắt tay hợp tác với tất cả các cường quốc phát triển, chắc chắn sẽ tạo ra đòn bẩy tốt hơn trong cân bằng quan hệ với Trung Quốc và đối phó với các nguy cơ.

Nếu Việt Nam có quan hệ chặt chẽ hơn với các đối tác lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, ASEAN và Nga, nó sẽ có lợi hơn cho quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Tương lai quan hệ Việt – Nga phụ thuộc vào cách thức hợp tác thực chất giữa hai bên

Nga có một vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Doanh số vũ khí mà Nga bán cho Việt Nam liên tục tăng, từ các tàu khu trục, tàu ngầm cho đến máy bay, tên lửa, hệ thống phòng không chính xác.

Điều này sẽ giúp Việt Nam nâng cao khả năng phòng thủ nếu chẳng may xảy ra một cuộc đụng độ quân sự, đối đầu trên Biển Đông, theo ông Anton Tsvetov.

Hơn nữa quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và Nga còn đóng vai trò giữ cho quan hệ Việt Nam – Trung Quốc được cân bằng. Đó là sự thật, ít nhất là cho đến trước khi Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là, điều này có thể thay đổi sau chuyến thăm Việt Nam của ông Obama hay không? Không thể thay đổi ngay lập tức, chắc chắn như vậy, ông Anton Tsvetov nhận định.

Chiến lược trang bị vũ khí, nâng cao sức mạnh quốc phòng của Việt Nam không thể thay đổi chỉ qua một đêm. Với vị trí thống trị của Nga trong vai trò nhà cung cấp vũ khí cho Việt Nam, Nga có thể duy trì ưu thế này trong hàng thập kỷ tới.

Mỹ có thể chiếm một góc nào đó trong việc cung cấp các thiết bị quốc phòng cho Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao như máy bay giám sát hàng hải hay tàu tuần tra bảo vệ bờ biển, máy bay vận tải. Tuy nhiên Nga sẽ vẫn là nhà cung cấp quan trọng các loại vũ khí chủ lực cho Việt Nam, ông Anton Tsvetov tin tưởng.

Quan hệ Việt – Mỹ đang phát triển rất nhanh. Năm 2015 Tổng thống Barack Obama mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ. Năm nay thăm Việt Nam, ông Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương.

Điều này một lần nữa báo hiệu rằng, các lợi ích địa chính trị và kinh tế của Hoa Kỳ tại Việt Nam ngày càng lớn. Xu hướng này sẽ tiếp tục nếu căng thẳng gia tăng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đó là điều không có gì nghi ngờ.

Theo học giả Anton Tsvetov, đây là lý do tại sao vai trò của Nga trong chính sách đối ngoại của Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với một sự suy giảm tương đối, ít nhất là nếu xu thế hiện nay vẫn tiếp tục.

Bây giờ mọi thứ đã khác xưa, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và EU đều bắt tay hợp tác với Việt Nam nên sẽ là vô lý nếu Nga muốn duy trì một mối quan hệ mạnh mẽ (du nhất/độc quyền) với Việt Nam.

Bởi vậy, thay đổi cơ bản trong cách thức Nga và Việt Nam hợp tác với nhau phải diễn ra thì mới làm thay đổi bản chất quan hệ Nga – Việt. Moscow phải ghi nhớ rằng, tăng cường các đòn bẩy lợi ích là cách duy nhất để không bị tụt hậu, ông Anton Tsvetov kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới