Hôm 16-5, ngay trước cuộc gặp Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa, Tổng thống mới đắc cử của Philippines Rodrigo Duterte đã khẳng định, chính quyền Manila không từ bỏ các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.
Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, tự ý xây dựng nhiều đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ảnh: AP.
Nhiều quốc gia khác sau đó cũng đưa ra những lời kêu gọi các quốc gia cùng đoàn kết để ngăn chặn hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, nhất là khi chính quyền Bắc Kinh đơn phương đưa ra lệnh cấm các hoạt động khai thác tài nguyên biển ở Biển Đông kéo dài 2,5 tháng bắt đầu từ ngày 16-5 đến ngày 1-8.
Hãng thông tấn DPA của Đức dẫn lời ông Rodrigo Duterte khẳng định, các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp. Và rằng dù để ngỏ khả năng đàm phán với Trung Quốc, song Philippines không bao giờ từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của mình trên Biển Đông.
Trong khi đó, Nhật Bản, quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào cuối tháng này thì cho biết sẽ nỗ lực thuyết phục các đối tác thành lập một mặt trận thống nhất chống lại các hành động “gây hấn” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Quan điểm của Nhật Bản là các quốc gia dù lớn hay nhỏ, dù là nước phát triển hay đang phát triển đều phải tuân thủ các phán quyết của tòa án quốc tế dựa trên luật quốc tế và các quy định trong Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Riêng Mỹ thì thể hiện thái độ mạnh hơn bằng tuyên bố của Tướng Robert Neller, Tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến của quân đội Mỹ về việc thực hiện các hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải của hải quân Mỹ tại những vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền.
Tướng Robert Neller cho rằng, Mỹ cần phải tiếp tục ủng hộ luật pháp quốc tế và xây dựng lòng tin với các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Ông nói: “Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động trong khu vực, bao gồm cả hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải tại các vùng biển như Biển Đông, nơi Mỹ coi là một vùng biển quốc tế. Trong tương lai gần, chúng tôi đủ khả năng đáp ứng các nghĩa vụ như trong những hiệp ước của chúng tôi và thực hiện quyền chủ quyền của chúng tôi theo luật pháp quốc tế về các hoạt động trên biển. Chúng tôi sẽ xem những hoạt động này sẽ đưa tình hình tới đâu. Hy vọng rằng các hoạt động này sẽ duy trì được ổn định và hoà bình cho khu vực”…
Đương nhiên là những quan điểm và hành động trên của Mỹ không bao giờ khiến Trung Quốc hài lòng. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng cáo buộc các hoạt động của Hải quân Mỹ tại Biển Đông đang gây mất ổn định trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn lên án mạnh mẽ báo cáo thường niên năm 2015 được Lầu Năm Góc trình Quốc hội Mỹ hôm 13-5 trong đó nhận định, Trung Quốc đang sử dụng “các chiến thuật cưỡng bức” khi mở rộng sự hiện diện của mình ở Biển Đông và những khu vực khác.
Báo cáo cho biết Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh hoạt động bồi đắp ở Biển Đông trên 7 thực thể mà Bắc Kinh chiếm giữ một cách bất hợp pháp và rằng Trung Quốc sẽ tăng cường các cơ sở hạ tầng bền vững, như việc xây dựng các hệ thống thông tin liên lạc và do thám, trên những thực thể chiếm đóng trái phép trong thời gian tới…
Chưa dừng lại ở đó, những căng thẳng trên Biển Đông lại tiếp tục gia tăng khi Tân Hoa xã dẫn nguồn Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đơn phương đưa ra lệnh cấm các hoạt động khai thác tài nguyên biển trong khoảng thời gian từ ngày 16-5 đến 1-8.
Phạm vi của lệnh cấm này trải dài từ 12 độ vĩ Bắc đến khu vực biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và tỉnh Quảng Đông, bao gồm cả khu vực Vịnh Bắc Bộ, bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham và cả một số khu vực thuộc chủ quyền biển Việt Nam. Hiện các quốc gia trong khu vực đều lên tiếng phản đối và kêu gọi thành lập mặt trận thống nhất để chống lại chiến dịch làm thay đổi thực trạng ở Biển Đông cũng như tự ý biến Biển Đông như “ao làng” của mình mà Trung Quốc đang thực hiện.