Có rất nhiều vấn đề đang chia rẽ Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, trong bối cảnh đôi bên tìm cách đối thoại ở Bắc Kinh.
Từ trái qua: Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại ‘Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ 8’. (Ảnh: Reuters)
Tranh cãi trên Biển Đông, hoạt động thương mại, các lo ngại về tiền tệ và nhiều vấn đề khác đang là rào cản giữa hai nước.
Tám năm trước, Tổng thống Barack Obama khởi động một sáng kiến nhằm xây dựng lòng tin giữa hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới.
Theo đó, hàng năm, hàng trăm quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau để thảo luận về các khác biệt, và tìm kiếm giải pháp cho những vấn đề mà Mỹ và Trung Quốc có lợi ích chung, như đối phó với biến đổi khí hậu, chống chủ nghĩa khủng bố.
‘Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ – Trung lần thứ 8’, từ ngày 6-7/6, là diễn đàn cuối cùng diễn ra trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Obama. Tuy nhiên, tranh chấp ở Biển Đông đã trở thành tâm điểm căng thẳng khiến đôi bên không thể tìm ra tiếng nói chung.
Nhà báo Adrian Brown của kênh truyền hình Aljazeera nhận định, hội nghị lần này bị phủ bóng bởi sự bất đồng rất lớn giữa chính quyền Tổng thống Obama và Chính phủ Trung Quốc. “Căng thẳng ngày càng gia tăng trên Biển Đông” – ông Brown nói.
Vậy, Washington sẵn lòng tìm kiếm giải pháp tới mức nào? Và Trung Quốc phản ứng ra sao?
Ngay trước đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo Trung Quốc không lập Vùng Nhận diện phòng không (ADIZ). Còn ở Đối thoại Shangri-La, từ ngày 3-5/6 tại Singapore, quan chức quốc phòng đôi bên đã chỉ trích lẫn nhau về diễn biến leo thang ở Biển Đông.
Hình ảnh chụp từ trên cao cho thấy Trung Quốc xây dựng trái phép tại các đảo/đá mà Bắc Kinh chiếm bất hợp pháp trên Biển Đông. (Ảnh: NYTimes) |
Chính quyền Mỹ đã thách thức các yêu sách quá đáng của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông, bằng cách cho tàu chiến đi vào vùng 12 hải lý quanh đảo mà Trung Quốc chiếm và bồi đắp trái phép.
Washington cũng đồng thời tăng cường hỗ trợ cho một số nước có tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, nhằm tạo đối trọng với Trung Quốc, chẳng hạn ký thỏa thuận đóng quân tại các căn cứ quân sự ở Philippines…
Những động thái này của Mỹ diễn ra sau khi Bắc Kinh bố trí tên lửa và máy bay chiến đấu ra các đảo nhân tạo, gây nên lo ngại về việc quân sự hóa trên Biển Đông và cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Nhà báo Simon Long của tờ Economist nhận định, một vấn đề ở đây là Mỹ và Trung Quốc đều chăm chăm chỉ trích nhau, thay vì có một cuộc đối thoại thật sự ý nghĩa. Theo ông, ‘điều này sẽ phủ bóng lên mọi khía cạnh hợp tác khác trong cuộc đối thoại hiện nay tại Bắc Kinh’.