Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóngChâu Âu nhập cuộc kiềm chế Bắc Kinh trên Biển Đông

Châu Âu nhập cuộc kiềm chế Bắc Kinh trên Biển Đông

Việc Pháp kêu gọi châu Âu tuần tra ở Biển Đông đánh dấu nỗ lực quốc tế mới nhất để kìm hãm Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cuối tuần trước phát biểu tại Đối thoại Shangri-la ở Singapore, kêu gọi lực lượng hải quân châu Âu có sự hiện diện “thường xuyên và rõ ràng” tại khu vực, để duy trì luật biển và tự do hàng hải.

“Nếu chúng ta muốn kiềm chế nguy cơ xung đột, chúng ta phải bảo vệ các nguyên tắc và tự mình làm việc đó”, ông nói.

Theo Foreign Policy, mặc dù bộ trưởng quốc phòng Pháp không nhắc rõ ràng tới Trung Quốc, bình luận của ông dễ được hiểu là lời chỉ trích Bắc Kinh, nước đang quyết liệt theo đuổi yêu sách chủ quyền phi lý tại Biển Đông với việc nạo vét ồ ạt và xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo.

“Nếu luật biển không được tôn trọng tại các vùng biển gần Trung Quốc, thì sau này nó sẽ bị đe dọa ở Bắc Cực, ở Địa Trung Hải, hay ở nơi khác”, ông Le Drian nói tại Đối thoại Shangri-La.

Lập trường của Pháp đánh dấu nỗ lực quốc tế mới nhất nhằm kìm hãm chiến thuật cứng rắn của Trung Quốc tại Biển Đông. Bình luận của Pháp cho thấy các quốc gia Âu đang vận động một phản ứng cứng rắn hơn trước các động thái quyết liệt của Trung Quốc. Ông Le Drian nói rằng đối với Pháp và châu Âu, việc này không chỉ là để bảo vệ lợi ích kinh tế và thương mại trong khu vực, mà còn để giữ gìn trật tự quốc tế và pháp trị.

Ông Le Drian cho biết ông sẽ sớm cung cấp thêm chi tiết về đề nghị của mình cho việc tuần tra thường xuyên của lực lượng hải quân châu Âu.

Thời điểm bộ trưởng Quốc phòng Pháp đưa ra tuyên bố không hề ngẫu nhiên. Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague trong tháng này dự kiến đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Bắc Kinh đã bác bỏ thẩm quyền của tòa án trong khi vận động các chính phủ khác ủng hộ quan điểm của mình. Tòa nhiều khả năng ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, và Washington đã kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết.

Việc EU tham gia nhiều hơn ở Biển Đông là điều mà Mỹ đã hy vọng từ lâu, Mira Rapp-Hooper, một thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ, nhận xét.

“Thời gian Pháp đưa ra lời kêu gọi cũng cho thấy Liên minh châu Âu (EU) đang ra mặt ủng hộ phán quyết của tòa trong vài tuần tới”, bà nói.

Sự tham gia của Pháp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương không chỉ mang tính lý thuyết. Họ đã ký thỏa thuận 40 tỷ USD vào năm nay để bán tàu ngầm tiên tiến cho Australia, với lý do lo ngại tăng lên về an ninh khu vực.

Những phát biểu của ông Le Drian cuối tuần qua cũng là lời nhắc nhở đến Trung Quốc rằng trong khi nước này đang cố gắng chuyển các lợi ích kinh tế họ mang đến cho châu Âu thành lợi thế ngoại giao, các quốc gia có ảnh hưởng ở châu Âu vẫn sẵn sàng kiềm chế tham vọng vô lý của Bắc Kinh.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới