Saturday, January 4, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiNga ra tuyên bố mới về Biển Đông

Nga ra tuyên bố mới về Biển Đông

Nga đang hùa theo Trung Quốc, cố tình đánh tráo, trộn lẫn khái niệm, lập lờ đánh lận con đen trong vấn đề Biển Đông hòng né tránh…

Bà Maria Zakharova, ảnh: Russia Today.

Hãng thông tấn Nga TASS ngày 10/6 đưa tin, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm Thứ Sáu tổ chức họp báo tuyên bố: “Nga không phải là một bên trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và sẽ không để bị kéo vào các tranh chấp này.

Chúng tôi hoàn toàn không đứng về bên nào. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, sự tham gia của bên thứ ba vào các tranh chấp này chỉ làm căng thẳng leo thang trong khu vực. Tham vấn và đàm phán về tranh chấp lãnh thổ trong khu vực này nên được tổ chức bởi các bên liên quan trực tiếp theo các cách mà họ tự cho là thích hợp.

Chúng tôi ứng xử dựa trên thực tế rằng, chìa khóa giải quyết bất đồng trong khu vực có thể trở thành việc xây dựng các cấu trúc an ninh mới ở châu Á – Thái Bình Dương dựa trên phương pháp tiếp cận phi liên minh và chuẩn mực của luật pháp quốc tế.

Chúng tôi kêu gọi tất cả các đối tác tham gia tích cực trong việc thực hiện các sáng kiến của Nga về việc phát triển nguyên tắc khuôn khổ của việc tăng cường an ninh và hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Về phần mình, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN trong việc phát triển bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)”.

Cá nhân người viết cho rằng, tuyên bố mới nhất về lập trường của Nga trong vấn đề Biển Đông tiếp tục có xu hướng đánh tráo, đánh đồng khái niệm về các tranh chấp ở Biển Đông hòng bao che, chạy tội cho Trung Quốc trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) ở Biển Đông.

Và việc Moscow ra một thông báo chính thức như vậy vào thời điểm này phải chăng cũng nhằm mục đích khác là muốn tác động nhất định đến lập trường và phán quyết của Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán do PCA thành lập để thụ lý vụ kiện của Philippines?

Ở Biển Đông có nhiều loại tranh chấp khác nhau, bao gồm:

Một là tranh chấp chủ quyền đối với các đảo, bãi đá, bãi cạn lúc chìm lúc nổi ở Biển Đông. Trong đó có tranh chấp song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam ở Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc nhảy vào tranh chấp và chiếm đóng bất hợp pháp) cũng như tranh chấp đa phương giữa 5 nước 6 bên với chủ quyền một phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).

Hai là tranh chấp trong việc ứng dụng và giải thích UNCLOS, cụ thể nhất là đường lưỡi bò hay còn gọi là đường chữ U, đường 9 đoạn cùng các khái niệm mà Trung Quốc đưa ra ở Biển Đông như “quyền lịch sử” không có trong luật pháp quốc tế.

Tranh chấp trong việc vận dụng UNCLOS vào yêu sách hiệu lực pháp lý cho các thực thể (có lãnh hải 12 hải lý hay không, có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hay không, có đường cơ sở thẳng để tính chiều rộng lãnh hải cho quần đảo như Trung Quốc tuyên bố ở Hoàng Sa hay không?…)

Ba là tranh chấp trong việc vi phạm UNCLOS như việc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo khổng lồ, hủy diệt môi trường sinh thái ở Biển Đông, đe dọa tính mạng và tài sản ngư dân các nước ven Biển Đông đánh bắt ở vùng biển quốc tế hoặc trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế mà quốc gia ven Biển Đông yêu sách, hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa nước khác.

Bốn là tranh chấp trong việc tạo ra các rào cản ngăn chặn tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông như việc cho tàu chiến, máy bay xua đuổi, ngăn chặn, tạt đầu tàu thuyền, máy bay và các phương tiện nước khác qua lại đúng quy định của UNCLOS hoặc đưa ra các yêu cầu trái luật như áp đặt vùng nhận diện phòng không…

Như vậy có thể thấy, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là một bộ phận rất nhỏ trong tổng thể các tranh chấp tại vùng biển này.

Các nỗ lực của Philippines, PCA, Hoa Kỳ, Nhật Bản không nhằm vào tranh chấp lãnh thổ, và bên thứ 3 như Mỹ, Nhật Bản cũng không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ.

Nhưng tranh chấp trong việc ứng dụng và giải thích UNCLOS, các hành vi vi phạm UNCLOS, tự do hàng hải hàng không ở Biển Đông rõ ràng nằm trong phạm vi điều chỉnh của UNCLOS mà các thành viên hoàn toàn có thể sử dụng công cụ pháp lý và cơ quan tài phán quốc tế để giải quyết nếu nỗ lực đàm phán giải quyết không đi đến đâu.

Điều này hoàn toàn đúng trong trường hợp của Philippines, sau 18 năm đàm phán với Trung Quốc không có kết quả, Manila đã quyết định lựa chọn giải pháp pháp lý bằng cách khởi kiện Trung Quốc ra PCA với 15 nội dung.

PCA chỉ định Hội đồng Trọng tài 5 thẩm phán từ Tòa án Luật Biển Quốc tế để thụ lý vụ việc theo đúng quy định, thủ tục tiến trình tố tụng với 2 giai đoạn. Một là xem xét Tòa có thẩm quyền thụ lý vụ kiện hay không, hai là giai đoạn xét xử chính thức sau khi xác định có thẩm quyền.

Trong thông cáo báo chí ra ngày 29/10/2015, PCA xác định Tòa có đủ thẩm quyền thụ lý 7/15 nội dung Philippines khởi kiện liên quan đến việc áp dụng và giải thích UNCLOS ở Biển Đông. Những nội dung còn lại tòa có thể xem xét quyết định trong giai đoạn 2, xét xử vụ kiện. Đến nay việc xét xử đã gần như hoàn tất và PCA chuẩn bị ra phán quyết.

Tính đến nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có 3 tuyên bố chính thức từ chối tham gia vụ kiện và tuyên bố PCA không có thẩm quyền, Bắc Kinh không công nhận phán quyết của Tòa với 2 lập luận:

Một là Philippines kiện Trung Quốc thực chất là về chủ quyền lãnh thổ và không thể tách rời chủ quyền, mà Trung Quốc đã bảo lưu khả năng từ chối giải pháp trọng tài đối với tranh chấp chủ quyền lãnh thổ; Hai là Philippines vi phạm thỏa thuận giải quyết tranh chấp qua đàm phán, đối thoại.

PCA đã bác bỏ một cách thuyết phục lập luận của Trung Quốc, khẳng định thẩm quyền thụ lý vụ kiện và tiếp tục tiến trình tố tụng cho dù Trung Quốc có tham gia hay không.

Phán quyết cuối cùng của Tòa có hiệu lực pháp lý và tính ràng buộc với tất cả các bên, đặc biệt khi Trung Quốc là thành viên UNCLOS, thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Cũng xin lưu ý, trong khuôn khổ vụ kiện của Philippines Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết của Hội đồng Trọng tài với tư cách thành viên UNCLOS vì Điều 288 UNCLOS quy định: “Trong một vụ tranh chấp, thẩm quyền xét xử của tòa án phải do tòa án đó xem xét, quyết định”.

Mặt khác, về giá trị của phán quyết, Điều 296 UNCLOS quy định: “Bất cứ quyết định nào do tòa án có thẩm quyền đưa ra đều là quyết định cuối cùng và phải được tất cả các bên tranh chấp tuân thủ”.

Quan trọng nhất trong vụ kiện của Philippines theo người viết, đó là việc phá bỏ cách diễn giải luật pháp quốc tế khôn lỏi theo ý mình của Trung Quốc, cũng như cách hành xử chỉ chọn cái nào có lợi cho mình thì tuân thủ, cái nào chống lại tham vọng bành trướng của mình thì tìm mọi cách bóp méo, xuyên tạc hoặc chống đối, cụ thể là đường lưỡi bò.

Một đường 9 nét đứt không tọa độ cụ thể, không căn cứ pháp lý, đưa ra một cách mơ hồ nhưng lại dùng để đòi “chủ quyền” dựa trên cái gọi là “quyền lịch sử” không có trong Công pháp quốc tế cũng như UNCLOS lại đang làm mưa làm gió, là nguồn gốc gây ra các tranh chấp và xung đột ở Biển Đông. 

Theo UNCLOS, “chủ quyền” đối với các vùng biển chỉ áp dụng cho nội thủy, vùng lãnh hải tối đa 12 hải lý. Nếu cứ theo tiêu chuẩn này, thì phải chăng Trung Quốc coi đường lưỡi bò là “nội thủy” hay “lãnh hải” của họ? Một tham vọng vĩ cuồng không thể hiểu nổi, không thể chấp nhận nổi.

Qua đây cá nhân người viết cũng xin lưu ý rằng, việc người Việt Nam chúng ta nhất là cơ quan truyền thông khi tuyên truyền về Biển Đông mà chỉ nói “bảo vệ chủ quyền biển đảo” là sai lầm, thiếu sót nghiêm trọng.

Bởi chủ quyền chỉ được tính cho các đảo, đá, nội thủy và lãnh hải. Còn quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý là không gian sinh tồn của dân tộc, là quyền làm chủ các nguồn tài nguyên, là nơi đánh bắt của ngư dân…mà lại không được nhắc đến là sai lầm.

Sở dĩ người viết nêu các vấn đề này ra để có thể thấy rõ, sau các phát biểu gây tranh cãi của Ngoại trưởng Sergei Lavrov về Biển Đông, tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Nga đang hùa theo Trung Quốc, cố tình đánh tráo, trộn lẫn khái niệm, lập lờ đánh lận con đen trong vấn đề Biển Đông hòng né tránh các nghĩa vụ pháp lý và phán quyết của PCA.

Cá nhân người viết không có ý kiến gì về lập trường của Nga không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Nhưng trước thời điểm PCA ra phán quyết về một vụ kiện áp dụng và giải thích UNCLOS mà Nga với tư cách một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào hùa với Trung Quốc để đánh lạc hướng dư luận khỏi bản chất vụ kiện là việc làm thiếu cân nhắc, sẽ không đi đến đâu.

Mặc dù chưa đến mức phản đối vai trò, phán quyết của PCA một cách công khai, lộ liễu, nhưng với cách nói lập lờ đánh tráo khái niệm, đánh đồng bản chất các tranh chấp khác nhau ở Biển Đông thành tranh chấp “chủ quyền lãnh thổ”, tuyên bố của Nga đang được Trung Quốc sử dụng tối đa để quảng bá cho lập trường sai trái của họ. Cách hành xử ấy của Nga có thể khiến dư luận Nga và một số ít quốc gia có những hiểu lầm đáng tiếc về Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới