Trong suốt thời gian qua, Mỹ và Trung Quốc liên tục tố cáo nhau về hành động của đôi bên ở Biển Đông. Theo các chuyên gia, cách làm hiện nay của Mỹ chẳng thể làm gì được Trung Quốc và Bắc Kinh đang chiếm thế thượng phong ở vùng biển này.
Tàu chiến Mỹ tuần tra Biển Đông
Trung Quốc đang chiếm đóng nhiều đảo nhỏ và bãi đá ở Biển Đông. Bắc Kinh đơn phương đòi chủ quyền đối với hầu như toàn bộ vùng biển này bất chấp sự phản đối của Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Biển Đông là hải lộ then chốt của thương mại thế giới.
Mỹ bày tỏ lập trường trung lập đối với những vụ tranh chấp chủ quyền. Tuy nhiên, Washington thỉnh thoảng phái máy bay và tàu chiến tiến vào khu vực gần những hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát và nói rằng họ muốn bảo vệ tự do hàng hải ở hải phận quốc tế.
Trung Quốc cho rằng những hành động đó của Mỹ là có tính chất gây hấn và có mục đích hậu thuẫn cho các nước đồng minh, như Philippines. Trong vài năm qua, Bắc Kinh đã xây những hòn đảo nhân tạo trên 7 bãi đá mà họ kiểm soát và đã bố trí những khí tài quân sự trên một số đảo.
Philip Reynolds, chuyên gia nghiên cứu về những vụ xung đột toàn cầu và là nghiên cứu sinh ban tiến sĩ của Đại học Hawaii, cho rằng Trung Quốc đang chiếm thế thượng phong tại vùng biển này.
“Trung Quốc đang nói rằng ‘Chúng tôi đang có mặt ở đây và các ông chẳng làm gì được cả’. Đó chính là cơ sở của lập luận của tôi rằng Trung Quốc đang thắng”- Reynolds nhận định.
Theo chuyên gia này, cách duy nhất mà Mỹ có thể đảo ngược những vụ cải tạo, bồi đắp của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa là phát động một cuộc chiến tranh rất tốn kém mà người dân nước Mỹ không muốn. Ông nói rằng Bắc Kinh biết rõ điều đó và đây chính là lý do vì sao những hoạt động tự do hàng hải của Mỹ không khiến cho Trung Quốc phải làm điều gì khác hơn ngoài việc lớn tiếng phản đối.
“Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc nhất thiết phải tìm cách ngăn Mỹ hiện diện trong khu vực này. Mục tiêu của Trung Quốc là chứng tỏ cho mọi người thấy rằng Mỹ không thể ngăn chặn sự hiện diện của Trung Quốc ở khu vực này”- chuyên gia Reynolds nhận xét.
Tuy nhiên, Bill Hayton, một chuyên gia châu Á của Viện Chatam House ở London, lại có một cái nhìn khác về những hành động của Mỹ và Trung Quốc ởBiển Đông. Ông Hayton, tác giả cuốn “Biển Đông: Cuộc tranh giành Quyền lực ở châu Á”, tin rằng Bắc Kinh chưa “thắng” trong trận chiến với Mỹ, nhất là khi xét tới tình hình ở bãi cạn Scarborough, nơi mà Trung Quốc và Philippines đều có yêu sách chủ quyền.
Gần đây, truyền thông quốc tế đưa tin rằng Trung Quốc tính đưa nhiều tàu bè tới đó, họ chuẩn bị nạo vét để xây đảo nhân tạo hay xúc tiến những hoạt động tương tự như vậy. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Theo ông Hayton, dường như Mỹ đã làm cho Trung Quốc sợ mà không thực hiện hoạt động xây dựng ở Scarborough.
Luận điểm thứ hai mà ông Hayton cho rằng Trung Quốc vẫn còn biết sợ Mỹ là việc trong hơn 20 năm qua, Bắc Kinh đã không chiếm đóng hay khai thác bất kỳ một hòn đảo nhỏ nào ở Biển Đông, bởi vì các nhà lãnh đạo Trung Quốc lo ngại về những hậu quả.
Chuyên gia này cho rằng lãnh đạo Bắc Kinh thừa biết rằng nếu làm vậy sẽ có một hậu quả rất lớn về mặt ngoại giao. Vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế khi đó sẽ bị huỷ hoại hoàn toàn do mâu thuẫn rất nhiều với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 1982.
Ngoài ra, nếu Trung Quốc chiếm đóng hay khai thác bất kỳ một hòn đảo nhỏ nào ở Biển Đông sẽ gây bất mãn cho toàn thể khu vực Đông Nam Á.
Tóm lại, cả Mỹ và Trung Quốc đều đang kiểm soát Biển Đông. Bắc Kinh thì đòi hỏi chủ quyền toàn bộ vùng biển này sau khi chiếm được nhiều đảo nhỏ từ trước, còn Wasington thì đang kiểm soát mặt nước với đội quân tàu chiến hùng hậu.
Những ồn ào giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông chỉ khiến cả hai cùng tăng cường hiện diện ở vùng biển này mà không vấp phải sự phản đối của các nước trong khu vực. Ở một khía cạnh nào đó, nếu Trung Quốc và Mỹ không loại trừ nhau để giành quyền thống trị Biển Đông thì rõ ràng họ đang cùng chia sẻ vùng biển này.