Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiChốt hạn đường sắt Cát Linh-Hà Đông:Phi thường hay phi thực tế?

Chốt hạn đường sắt Cát Linh-Hà Đông:Phi thường hay phi thực tế?

Các chuyên gia khẳng định nếu hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đúng ngày 31/12/2016 thì đây là điều phi thường.

Các chuyên gia khẳng định việc hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đúng ngày 31/12/2016, Việt Nam sẽ làm được điều phi thường.

Cần phải quy định chặt chẽ

Sáng 13/6, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT tiến hành thị sát, kiểm tra hiện trường và chủ trì cuộc họp nhằm kiểm điểm tình hình thực hiện và kế hoạch thi công Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông.

Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc EPC tập trung những người có năng lực thực sự trong quản lý, triển khai thi công dự án này để đảm bảo kết thúc phần xây lắp đúng tiến độ, hoàn thành dự án vào ngày 31/12/2016.

Trước thông tin trên, trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Sanh, chuyên gia về đường sắt cho rằng với khối lượng công việc còn nhiều và sự hạn chế về thời gian, để đẩy nhanh tiến độ, về đích đúng kế hoạch đề ra sẽ không hề dễ dàng.

“Hiện nay chúng ta quản lý dự án dựa trên tiến độ chứ không phải dựa vào lời hứa. Ở đây, phía Ban quản lý các dự án đường sắt cần báo cáo rõ ràng về tiến độ với Bộ GTVT. Với khối lượng như hiện nay thì có đạt không và đến cuối năm 2016 có kịp để bàn giao, đưa vào xe chạy hay không? Nếu còn vướng mắc thì Chính phủ, nhà nước hay Bộ GTVT cần giúp đỡ những gì.

Nếu trường hợp chắc chắn đạt tiến độ rồi thì phải đẩy nhanh tiến độ làm. Khi đó, Bộ GTVT cần phải có ý kiến chỉ đạo, nếu không hoàn thành thì có thể cách chức, xử lý trách nhiệm. Việc đưa lên những con số, hoàn thành bao nhiêu % thì chỉ là báo cáo hành chính, chưa thể hiện được gì nhiều”, TS Sanh phân tích.

Theo TS Sanh, để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ GTVT cần phải có một kế hoạch hết sức chi tiết, cụ thể đồng thời tiến hành công khai, minh bạch để người dân cũng như các chuyên gia, tổ chức xã hội tiện theo dõi, giám sát.

“Theo tôi, thứ nhất tiến độ cần phải chi tiết hóa, các mốc thời gian cần công khai cụ thể. Khi nào xong phần trụ cầu, xà mũ, khi nào lắp đặt công nghệ… Cần phải làm thật mạnh chứ không nên hứa như các năm trước nữa, người dân sẽ mất lòng tin.

Thứ hai, hiện nay đang có dư luận về công nghệ có vấn đề, sẽ cần phải thay đổi. Các cơ quan chịu trách nhiệm cần trả lời xem có đúng như vậy không. Vì nếu thay công nghệ thì sẽ dẫn dắt đến vấn đề khác nữa, đặc biệt là về vốn, giá cả.

Thứ ba, phải cam kết tiền vốn từ bây giờ đến khi hoàn thành công trình đã đủ, không cần quan tâm nữa, nhà thầu chỉ cần ung dung làm thôi. Giải quyết triệt để việc này sẽ không để xảy việc đổi thừa thiếu vốn, đang điều chỉnh thương thảo, xin cấp vốn để trốn tránh trách nhiệm”, TS Sanh nhấn mạnh.

Tiếp tục phân tích, vị chuyên gia khẳng định, thời điểm này, chúng ta cần dựa vào hợp đồng đã ký kết giữa các bên để làm căn cứ. Nếu có vấn đề vướng mắc, phát sinh thì cần nhanh chóng thương thỏa với đối tác Trung Quốc để giải quyết, tránh làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

“Nếu cuối năm 2016 chúng ta đưa tuyến Cát Linh – Hà Đông vào khai thác, sử dụng thì tôi cho rằng đó là thành công rất lớn cho Bộ GTVT và cả thế giới nữa”, TS Sanh nêu quan điểm.

Việt Nam làm điều phi thường?

Cùng nêu quan điểm về vấn đề này, một vị chuyên gia khác trong lĩnh vực đường sắt khẳng định, chỉ đạo của Bộ trưởng  GTVT là cần thiết vào lúc này khi nhà thầu Trung Quốc thời gian qua liên tiếp tăng giá và chậm tiến độ thi công. Tuy nhiên nhìn nhận tổng thể dự án này, ông cho rằng Việt Nam sẽ làm điều phi thường nếu tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông hoàn thành, đưa vào khai thác cuối năm nay.

“Theo đánh giá của tôi, từ giờ đến cuối năm không thể xong được dự án này. Hiện nay chúng ta có rất nhiều hạng mục như: nhà ga, trụ cầu, dằm hay công nghệ còn dang dở.

Nếu tình huống đặt ra là nhà thầu Trung Quốc tiếp tục bơm tiền vào làm tiếp vì hiện nay đang thiếu vốn thì cũng cần phải cần thời gian.

Thiết bị thì bộ phận này của nhà thầu này, bộ phận kia của nhà thầu khác nên khi ráp lại với nhau cần thời gian để đồng bộ hóa. Tức là chúng ta sẽ lắp hết để chạy thử một thời gian. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc thì cũng cần từ 3-6 tháng chạy liên tục không có khách”, vị chuyên gia khẳng định.

Theo vị chuyên gia, chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT vừa là lời nhắc nhở cũng vừa gây áp lực thêm cho phía nhà thầu Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành sớm nhất dự án.

“Cái cần nhất hiện nay là thời gian thì bây giờ chúng ta lại đang quá eo hẹp. Tôi nghĩ chúng ta không nên ép về tiến độ, có thể chậm hơn dự kiến 1 vài tháng nhưng phải đảm bảo thi công an toàn, đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đường sắt hay bất cứ loại hình giao thông vận tải nào đường gì thì mục tiêu đầu tiên  là phải an toàn, sau đó mới tính đến việc giảm tải, giảm ùn tắc giao thông. Nếu mà gấp quá thì sẽ dẫn đến kịch bản là nhà thầu bỏ qua thời gian đồng bộ hóa, để xảy ra các rủi ro, các lỗi kỹ thuật khi lắp thiết bị. Khi đó, khách ở trên tàu mà chúng ta lại chạy thử thiết bị thì rất nguy hiểm”, ông phân tích.

Về giải pháp trước mắt, vị chuyên gia khẳng định chúng ta cần phải đảm bảo về nguồn vốn và chủ động về thời gian để đảm bảo công trình đưa vào khai thác, sử dụng đúng kế hoạch đề ra.

“Mục tiêu tiến độ thì lúc nào cũng phải đặt ra. Để làm được điều đó thì chúng ta phải mềm nắn rắn buông, vừa áp lực nhưng cũng phải khéo léo. Vì nếu chúng ta căng quá mà phía Trung Quốc bỏ dở thì cũng không được. Chúng ta chưa có chút kinh nghiệm nào về xây lắp đường sắt đô thị cả. Chúng ta phải phụ thuộc họ nhiều yếu tố, đăc biệt là vốn. Họ cho vay nên có quyền chỉ định nhà thầu”, vị chuyên gia lưu ý thêm.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới