Sunday, January 12, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTrung Quốc tuyên truyền láo về Biển Đông trên báo nước ngoài

Trung Quốc tuyên truyền láo về Biển Đông trên báo nước ngoài

Để tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận quốc tế về vấn đề Biển Đông trước khi Tòa Trọng tài quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, thời gian qua Trung Quốc liên tục mua các trang báo của nước ngoài và tuyên truyền những thông tin sai lệch hoàn toàn về tình hình Biển Đông.

Địch Tuyển, đại sứ Trung Quốc tại Pháp, và bài viết về Biển Đông trên tờ Les Echos ra ngày 13/6/2016

Càng gần đến ngày Tòa án Trọng tài Thường trực LHQ tại La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về Biển Đông (dự kiến trong tháng 6 này), Trung Quốc càng tăng cường nỗ lực lợi dụng các diễn đàn quốc tế để bác bỏ tính chính đáng của phán quyết này.

Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh như đang vận hành hết công suất để biện minh cho việc Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của định chế quốc tế tại La Haye, và tố cáo Philippines, quốc gia khởi kiện là đã hành động phi pháp khi đưa Bắc Kinh ra trước cơ quan trọng tài quốc tế.

Trung Quốc đã phô trương sự kiện là quan điểm của họ về Biển Đông đã được hơn 40 quốc gia trên thế giới ủng hộ, và xu hướng hậu thuẫn cho Bắc Kinh đang càng lúc càng lớn mạnh.

Thực hư của lời khoe này ra sao cho đến nay chưa được rõ, nhưng điều chắc chắn duy nhất là trong vài tháng gần đây, không chỉ có hệ thống truyền thông đối ngoại Trung Quốc, mà hầu hết các nhà ngoại giao Trung Quốc ở các nước đều đã tung bài viết bênh vực cho lập trường Biển Đông của Bắc Kinh lên trang ý kiến của báo chi khắp nơi, không chỉ tại các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp…, mà cả tại các nước nhỏ, không liên quan gì đến Biển Đông như Jamaica chẳng hạn.

Các đại sứ quán Trung Quốc còn mua nhiều trang quảng cáo trên các tờ báo lớn để tuyên truyền về “chính nghĩa” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ngày 27/5/2016, nhật báo lớn thứ hai Le Figaro của Pháp đã phát hành nguyên một phụ trang với nội dung do tờ báo Trung Quốc China Daily chịu trách nhiệm, mà bài viết ở trang đầu mang tên “Biển Đông, vấn đề nguyên tắc của Bắc Kinh”.

Bài quảng cáo này dĩ nhiên nêu bật – bằng tiếng Pháp – quan điểm chính thống của Trung Quốc về Biển Đông, kết tội Philippines là đã có hành động vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển Quốc năm 1982, và thỏa thuận song phương với Bắc Kinh khi kiện Trung Quốc trước tòa án trọng tài quốc tế. Bài viết cũng không quên khoe rằng Bắc Kinh đã nhận được “sự ủng hộ quan trọng” của “cộng đồng quốc tế” gồm 40 nước, đồng thời tự nhận mình là nạn nhân bị Manila “bắt bí”…

Theo giới quan sát, nội dung trên đây chẳng khác gì loạt bài được tờ China Daily công bố trong liên tiếp 4 ngày trước đó, với những nội dung như: “Mưu toan của Manila để bôi nhọ (Bắc Kinh) không thể thay đổi thực tế lịch sử” (26/5); “Thủ tục trọng tài do Philippines khởi xướng được xây dựng trên lý do sai trái” (25/5); “Trò chia cắt (Biển Đông) của Philippines là một sự khiêu khích dưới vỏ bọc pháp lý” (24/5); “Manila giả mù trước thực tế lịch sử” (23/5).

Chưa dừng lại, hôm 13/6 trên mục ý kiến của nhật báo kinh tế Les Echos (cũng của Pháp) xuất hiện bài viết của đại sứ Trung Quốc tại Pháp Địch Tuyển mang tựa đề “Tranh chấp Biển Đông: Bắc Kinh muốn những gì”.

Cũng vẫn luận điệu cũ, Địch Tuyển viết: Trung Quốc hiện diện tại Biển Đông kể từ thời xa xưa, và Bắc Kinh đã quản lý hành chính rất sớm các đảo và quần đảo tại vùng này, và các tên đảo đã có trên bản đồ chính thức của triều nhà Minh (1368-1644). Sau Thế chiến thứ hai, Trung Quốc tiếp thu các đảo từ quân Nhật và đặt lại tên cho 159 hòn đảo, bãi đá ngầm ở Biển Đông, công bố bản đồ lãnh thổ mà không thấy nước nào phản đối.

Theo Đại sứ Trung Quốc tại Pháp, chỉ từ khi phát hiện dầu khí trong thập niên 1970, nhiều nước mới bắt đầu đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, lần lượt gửi quân đến chiếm đóng, vì vậy Trung Quốc mới phải thực thi quyền tự vệ của mình.

Ông Địch Tuyển cũng tố cáo Philippines đã đơn phương đưa vấn đề ra trước Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, vi phạm thỏa thuận đã có với Bắc Kinh về việc giải quyết bất đồng qua thương lượng. Địch tiên sinh nhấn mạnh, Trung Quốc không công nhận và coi phán quyết của tòa là vô hiệu.

Nhìn chung, nội dung lập trường được Trung Quốc rầm rộ quảng bá ở báo chí nước ngoài là trước đây khu vực Biển Đông rất yên tĩnh và Trung Quốc đã giúp bảo vệ an ninh trong khu vực cho đến khi Mỹ, một nước ngoài khu vực, cố tình khuấy động để viện cớ xoay trục lại châu Á và bao vây Trung Quốc.

Thoạt nhìn thấy có lý chỉ đối với những ai không biết gì quá trình đã xảy ra tại khu vực Biển Đông trong 10 năm qua, hay lịch sử của sự bành trướng của Trung Quốc trước đó. Những ai có chút hiểu biết thì thấy ngay thực chất tuyên truyền của Trung Quốc là quá thô thiển vì những bài báo, những tuyên bố phần lớn lật lọng và nguỵ tạo, để tự cho phía mình bao giờ cũng theo lẽ phải, cũng đúng, còn mọi nước khác, trong đó có Philippines, đều sai và có ý không tốt với Trung Quốc.

Ví dụ như Trung Quốc nói Philippines là đem Trung Quốc ra kiện mà không có lý do gì hết. Nhưng mà thật ra thì Philippines đã rất nhẫn nại với Trung Quốc, đã nói chuyện song phương với Trung Quốc trong 20 năm, nhưng vô hiệu.

Cuối cùng Philippines mới nói là bí quá, không nói chuyện với Trung Quốc được, cho nên phải đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế để cho tòa án có thể phân giải.

Chiến dịch tuyên truyền của Bắc Kinh dĩ nhiên đã không đánh lừa được giới quan sát. Trong một bài phân tích đăng trên báo mạng Asia Times tại Hồng Kông ngày 31/5 vừa qua, Bill Gertz, một nhà báo kỳ cựu, đã nhận xét rằng sau khi đã gần như hoàn tất việc khống chế Biển Đông, Bắc Kinh hiện đang đẩy mạnh cuộc chiến tranh thông tin để chống lại một phán quyết dự báo là bất lợi đến từ một tòa án quốc tế.

Theo ông Gertz, chiến dịch mà Bắc Kinh đang tung ra chỉ nhằm “lấp liếm” sự thật về những hành vi bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, và tìm cớ biện hộ cho việc chống lại một phán quyết quốc tế.

Gertz cho rằng ý đồ của Trung Quốc khi tiến hành một chiến dịch tuyên truyền, vừa “rầm rộ”, vừa “thô thiển”, cố tình “lấp liếm sự thật” và “sắp xếp lại sự kiện” để chứng minh rằng Bắc Kinh hoàn toàn có lý khi không chấp nhận sự can thiệp của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye vào vấn đề Biển Đông, bị Philippines khuấy động một cách phi pháp khi nộp đơn kiện Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới