TS Trần Việt Thái khẳng định, việc ASEAN rút tuyên bố về Biển Đông thể hiện một thông điệp rõ ràng đối với Trung Quốc xung quanh các căng thẳng.
TS Trần Việt Thái khẳng định, việc ASEAN rút tuyên bố về Biển Đông thể hiện một thông điệp rõ ràng đối với Trung Quốc xung quanh các căng thẳng.
Thông điệp rõ ràng với Trung Quốc
Ngày 14/6, trong hội nghị với người đồng cấp Trung Quốc vừa diễn ra ở thành phố Côn Minh, các ngoại trưởng ASEAN đã ra một văn kiện mà phía Malaysia gọi là “tuyên bố chung” bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông.
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau đó, Ban Thư ký ASEAN đã quyết định rút lại tuyên bố này mà không đưa ra lời giải thích nào.
Trong khi Malaysia nói rằng văn kiện được rút lại để “chỉnh sửa khẩn cấp”, Indonesia lại nói rằng đã có sự “nhầm lẫn” và văn bản này không phải là tuyên bố chung của ASEAN sau hội nghị. Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta sau đó cũng nói rằng không có tuyên bố chính thức được đưa ra sau cuộc họp.
Về phía Trung Quốc, nước này khẳng định chưa có bất cứ văn kiện chính thức nào được ban hành.
Trước vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, TS Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao khẳng định, quyết định này không quá bất ngờ vì hoàn toàn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của các nước ASEAN.
Theo TS Thái, có 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc Ban Thư ký ASEAN đã quyết định rút lại tuyên bố về Biển Đông sau vài giờ đưa ra.
Thứ nhất, đây là thời điểm nhạy cảm khi tòa quốc tế PCA chuẩn bị ra phán quyết về Biển Đông trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Việc ra tuyên bố chưa phù hợp và bị hớ vào thời điểm này sẽ không có lợi cho các nước trong cuộc đấu tranh pháp lý với Trung Quốc.
Thứ hai, trong hội nghị kéo dài hơn 5 tiếng tại Côn Minh đã diễn ra hết sức căng thẳng, trao đổi thực chất về Biển Đông. Tuy nhiên giữa ASEAN và Trung Quốc tiếp tục không tìm được tiếng nói chung do những yêu sách và thái độ ngang ngược của phía nước chủ nhà. Do vậy việc ra tuyên bố riêng của các nước ASEAN, thể hiện lập trường, quan điểm về Biển Đông là phù hợp.
“Trong quá trình trao đổi, Trung Quốc đưa ra một bản yêu sách 10 điểm và muốn các nước ASEAN đồng thuận. Nhưng cuối cùng tranh luận gay gắt, không đạt được đồng thuận nên ASEAN quyết định ra thông cáo báo chí để khẳng định lập trường của mình.
Tuyên bố báo chí không đại diện cho tiếng nói của ASEAN và Trung Quốc. Nhưng nó thể hiện sự thất vọng cực kỳ của các nước ASEAN đối với lối ứng xử thô lỗ và kiêu căng của Trung Quốc. Tuy nhiên do cách tung ra là khác nhau, dẫn đến hiểu nhầm là tuyên bố chung nhưng không phải. Vì vậy việc rút lại là hoàn toàn bình thường”, TS Thái khẳng định.
Vị chuyên gia thẳng thắn cho rằng, không hề có sức ép về mặt chính trị hay kinh tế từ phía Trung Quốc đối với các nước ASEAN trong cuộc họp diễn ra tại Côn Minh xung quanh vấn đề Biển Đông.
ASEAN đạt mức đồng thuận cao nhất
Trước những ý kiến cho rằng việc ASEAN rút lại bản tuyên bố về biển Đông cho thấy những chia rẽ trong giải quyết các vấn đề chung dưới sức ép của Trung Quốc, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao khẳng định nhận định trên là chưa chuẩn xác. Theo vị chuyên gia, đây là lần đầu tiên trong nội bộ các nước ASEAN đạt được sự đồng thuận cao về vấn đề Biển Đông.
Để dẫn chứng điều này, TS Thái nhắc lại những lập luận cứng rắn, gay gắt trong tuyên bố được phía Malaysia đưa ra sau hội nghị: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây và đang xảy ra (tại Biển Đông), điều đã làm xói mòn lòng tin và sự tín nhiệm, làm gia tăng căng thẳng vốn có khả năng gây tổn hại đến hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông.
Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và sự kiềm chế trong tiến hành mọi hoạt động, bao gồm cải tạo đất, vốn có thể gây căng thẳng tại Biển Đông.
Chúng tôi nhấn mạnh cam kết của ASEAN trong việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, bên cạnh đó là giải pháp hòa bình cho các tranh chấp…”.
Dù không nhắc đến trực tiếp Trung Quốc, nhưng TS Thái khẳng định những lập trường cứng rắn trên đã khẳng định một quan điểm nhất quán của các nước ASEAN trong việc đấu tranh pháp lý với chính quyền Bắc Kinh trên Biển Đông.
“Có 2 vấn đề then chốt đã được làm bật trong hội nghị. Thứ nhất là thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – ASEAN hướng tới kỷ niệm 25 năm, thứ hai là vấn đề Biển Đông với những quan ngại sâu sắc, với rất nhiều những nội dung đã được công khai.
Ngoại trưởng Malaysia họ nói thẳng rằng, nếu không đạt được đồng thuận thì họ đã không tuyên bố. Quan trọng là phương thức công bố khác nhau như thế nào thôi chứ không phải ASEAN không đạt được đồng thuận.
Lần này tôi lạc quan hơn nhiều so với các hội nghị trước. Nội dung, nội hàm trong tuyên bố của ASEAN rất mạnh mẽ, phản ánh đầy đủ quan điểm của ASEAN về Biển Đông”, TS Thái phân tích.
Trong cuộc đấu tranh giữa ASEAN và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang đóng một vai trò quan trọng, ảnh hưởng to lớn đến việc giải quyết các vấn đề chung.
“Trong cuộc gặp riêng của Phó thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, phía Việt Nam đã nêu rất mạnh mẽ, bày tỏ quan điểm thẳng thắn về những căng thẳng trên Biển Đông hiện nay. Trong trao đổi với ASEAN thì Việt Nam đóng vai trò rất tích cực.
Trước đó thì tại Hạ Long, Việt Nam đã đứng ra tổ chức hội nghị cho quan chức cấp cao ASEAN – Trung Quốc về vấn đề kiểm điểm, thực thi DOC, hướng đến COC. Nếu xâu chuỗi các sự kiện lại thì Việt Nam có vai trò chủ động và tích cực trong việc xây dựng đồng thuận, lập trường của ASEAN, đóng góp tiếng nói mạnh mẽ trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc cũng như xử lý các vấn đề Biển Đông, góp phần duy trì ổn định trên biển”, TS Thái nhấn mạnh.