Trung Quốc tìm mọi cách chứng minh không bị đơn độc và cô lập nhưng đã không che dấu được thực trạng.
Ảnh minh họa.
Vào lúc nội bộ Trung Quốc đang tiến hành công tác chuẩn bị cho Đại hội 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc, cánh quân sự và cánh ngoại giao Trung Quốc đều ra sức chứng tỏ tính hiệu quả trong các hoạt động của mình. Quân đội đưa tên lửa và tàu chiến đến các đảo Biển Đông, cho máy bay tiêm kích khiêu khích máy bay trinh thám Mỹ hoạt động trên vùng biển này. Cánh ngoại giao đẩy mạnh vận động dư luận quốc tế và sử dụng “ngoại giao kim tiền”, để đối phó với dư luận quốc tế về Biển Đông. Để chứng minh cho tính “hiệu quả” hoạt động của bộ máy của mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc thì tuyên bố đã có 40 nước, lúc thì có 60 nước, “ủng hộ Trung Quốc” về Biển Đông.
Theo hãng tin AFP, cho đến nay Trung Quốc vẫn từ chối đưa ra danh sách các nước ủng hộ; còn căn cứ vào những cái tên đã được tiết lộ thì đa số là các nước nghèo ở châu Phi, hay một số ít đồng minh truyền thống, như Pakistan, cái gì cũng sẵn sàng đáp ứng Trung Quốc.
Cũng không thiếu trường hợp Trung Quốc “vơ vào” rằng nước nọ, nước kia ủng hộ mình. Một số ntrường hợp đã bị cải chính, như trường hợp Campuchia hồi tháng 4 hay Slovenia và Fiji đã tuyên bố họ không ủng hộ Trung Quốc. Đài phát thanh truyền hình Fiji phát tuyên bố thẳng thắn: “Không ủng hộ yêu sách của Trung Quốc về vấn đềBiển Đông”.
Bức Trường Thành tự cô lập mình
Báo Nhà Ngoại giao (The Diplomat) nhận xét, nếu tính toán một cách “hào phóng” theo những gì mà Trung Quốc tuyên bố, các nước ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông vẻn vẹn đếm được trên đầu ngón tay, gồm: Kyrgyzstan, Belarus, Afghanistan, Pakistan và một vài nước khác. Mặc dù con số này chưa phải là cuối cùng, nhưng xem ra từ giờ tới thời điểm mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết, nhiều khả năng số lượng sẽ không như Bắc Kinh trông đợi.
Chưa kể, số lượng cũng chẳng giúp gì được Bắc Kinh. Hãng tin AFP lấy ví dụ Niger, một quốc gia châu Phi được Bắc Kinh tuyên bố là nằm trong số hơn 40 nước ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về biển Đông, hay Togo, Burundi, Afghanistan… Với những nước này, Biển Đông chắc hẳn sẽ rất xa lạ.
Về chất lượng của những “ủng hộ” này thì sao? Nhà phân tích Ashley Townshend thuộc Đại học Sydney (Úc) cho rằng, tính về chất lượng, Trung Quốc thua xa Philippines, khi mà Manila đượcsự “hậu thuẫn”từ một loạt cường quốc gồm: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Anh, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-7) và Liên minh châu Âu (EU).
Ngay tại Diễn đàn an ninh Shangrila diễn ra tại Singapore vừa rồi, vấn đề Biển Đông lại một lần nữa trở thànhchương trình nghị sự quan trọng nhất.Trung Quốc một lần nữa phải đối mặt với hoàn cảnh bị cô lập, đến mức phái đoàn quân sự Trung Quốc đã phải tự mình phát “tờ rơi” về lập trường Trung Quốc.
Ngày 27/5, trong bài phát biểu ở Học viện Hải quân Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhận xét: “Đôi lúc Trung Quốc tự làm theo ý mình, phá hoại các nguyên tắc quốc tế. Mô hình vận hành này không phù hợp với hướng phát triển mà khu vực này mong đợi, và nó cũng không thể tạo ra cục diện cùng thắng. Kết quả của hành vi này là Trung Quốc sẽ dựng lên một dãy Trường Thành tự cô lập mình. Quan chức cấp cao của các nước đồng minh láng giềng, các nước đối tác và các quốc gia không liên kết sẽ công khai hoặc phát biểu kín những lo ngại về sự phát triển của cục diện trong các cuộc hội nghị trong khu vực và các diễn đàn trên toàn cầu”.
Bản chất “sự cố” ngoại giao ở Côn Minh
Các quốc gia thành viên ASEAN, đều là đối tác chiến lược của Trung Quốc, vừa rồi tại cuộc họp ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc ở Côn Minh đã có cuộc trao đổi “thẳng thắn” với đối tác Trung Quốc. Các nước ASEAN đã ra thông cáo với lời lẽ mạnh mẽ bất ngờ bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về các diễn biến gần đây ở Biển Đông. Căn cứ vào nội dung bản tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước ASEAN được Malaysia công bố đầu tiên trước lúc bị thu hồi, các nước ASEAN đã nói đến một “buổi trao đổi thẳng thắn với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị” về các hành động của Bắc Kinh tại Biển Đông. Trong ngôn từ ngoại giao, “thẳng thắn” đồng nghĩa với “gay gắt”.
Trong các thủ pháp ngoại giao, không hiếm trường hợp một văn kiện được tung ra để được thu hồi. Nhưng nội dung cần đưa ra dư luận thì cũng đã đưa ra rồi. Cái này gọi là “cố ý lộ tin”.
Không nói thì cũng biết, Trung Quốc sẽ tạo sức ép để một văn kiện như vậy không được công bố ngay tại “sân nhà” của mình. Nếu không, thì vỗ mặt đồng nghiệp chủ nhà quá. Cho nên đưa ra rồi rút lại thì cũng là dễ hiểu. Nhưng các ngôn từ như “trao đổi thẳng thắn” hay bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” tự bản thân chúng đã thể hiện sự quan ngại gia tăng của các nước ASEAN.
Quả thật, với những lợi ích chính trị, ngoại giao và nhất là sự ràng buộc về kinh tế thương mại, không ai muốn gây sự với Trung Quốc. Cuộc đấu tranh về vấn đề Biển Đông sẽ còn trường kỳ. Nhưng Trung Quốc cũng không thể lấy giấy gói lửa./.