Sunday, November 24, 2024
Trang chủĐiểm tinHạ viện Mỹ thông qua Dự thảo Nghị quyết 343 lên án...

Hạ viện Mỹ thông qua Dự thảo Nghị quyết 343 lên án tội ác mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công

Theo thông tin từ Washington, vào ngày 13/6/2016 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 343 lên án tội ác mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm ở Trung Quốc. Sau 10 năm kể từ ngày tội ác này được đưa ra ánh sáng, việc Hạ viện Mỹ thông qua Nghị quyết lần này có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng là câu trả lời mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với nạn bạo hành ở Trung Quốc. 

 

Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen

Nghị quyết xác nhận tội ác mổ cướp nội tạng được chính quyền Trung Quốc bảo hộ

Nghị quyết 343 được các Nghị sỹ Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ Mỹ cùng khởi xướng vào ngày 25/6/2015; được Ban châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua ngày 12/1/2016; ngày 16/3/2016 đã được Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua. Đến ngày 13/6 vừa qua, trước khi được toàn thể Nghị sĩ Hạ viện biểu quyết đã có 185 Nghị sĩ ký tên ủng hộ.

Nghị quyết 343 xác định:

(1) Lên án hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức được nhà nước bảo hộ ở Trung Quốc Đại Lục;

(2) Chính quyền Trung Quốc lập tức chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng từ tất cả các tù nhân lương tâm;

(3) Yêu cầu chính quyền Trung Quốc lập tức chấm dứt cuộc bức hại kéo dài 16 năm đối với môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công, và thả tất cả các học viên Pháp Luân Công cùng các tù nhân lương tâm khác;

(4) Kêu gọi cộng đồng y học Mỹ giúp nâng cao nhận thức về hoạt động ghép tạng phi đạo đức ở Trung Quốc;

(5) Yêu cầu chính quyền Trung Quốc cho phép tổ chức điều tra độc lập minh bạch và đáng tin cậy đối với việc lạm dụng ghép tạng; và

(6) Kêu gọi Bộ Ngoại giao Mỹ phân tích chi tiết hơn về nạn thu hoạch nội tạng do nhà nước bảo hộ từ các tù nhân lương tâm mà không cần họ đồng ý trong Báo cáo Nhân quyền thường niên và hàng năm báo cáo lên Quốc hội về việc thực hiện khoản 1182f Điều 8, Bộ luật Hoa Kỳ (United State Code), điều khoản ngừng cấp visa cho người Trung Quốc và người nước khác tham gia cưỡng bức ghép tạng hoặc mô người.

Trước khi biểu quyết, có ba Nghị sĩ đã có bài diễn thuyết mạnh mẽ lên án tội ác mổ cướp nội tạng. Nghị sĩ Ileana Ros-Lehtinen nói: “Theo Báo cáo thường niên của Freedom House năm 2015, Pháp Luân Công là bộ phận chủ yếu nhất trong số các tù nhân lương tâm ở Trung Quốc. Mục đích của Nghị quyết lần này nhằm lên án tội ác bức hại học viên Pháp Luân Công đã diễn ra trong thời gian dài, hành vi vô đạo đức này cần phải được chấm dứt, đặc biệt là phải dừng ngay tội ác mổ cướp nội tạng”.

Nghị sĩ Eliot Engel cho biết, thông qua cử tri mà ông biết tội ác mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm là các học viên Pháp Luân Công, “Tôi không thể tưởng tượng lại có chuyện độc ác như thế này, một tội ác khiến người ta vừa nghe đã phải thấy run rẩy…”

Nhiều nhân sĩ và điều tra viên chống mổ cướp nội tạng đã bày tỏ hoan nghênh trước động thái này của Hạ viện Mỹ, hành động này giúp khẳng định độ tin cậy về thông tin của tội ác này ở Trung Quốc.

Bác sĩ Torsten Trey, người sáng lập Hiệp hội Bác sĩ chống mổ cướp nội tạng cho biết: “Vấn đề này đã được Quốc hội Mỹ nghiên cứu từ bốn năm trước. Hôm nay, việc thông qua nghị quyết đã xác thực tội ác này đang xảy ra, cần có hành động ngăn chặn”. “Bất cứ Quốc hội hay nội các nào cũng không thể thông qua nếu không được các thành viên của nó xác thực, cho thấy tội ác này quả thật đã xảy ra”. “Hiện nay, vô số chứng cứ đã đủ sức thuyết phục, con đường để chính quyền Trung Quốc thoái thác trách nhiệm ngày càng nhỏ hẹp”.

Chuyên gia Ethan Gutmann, người trực tiếp điều tra về tội ác này trong thời gian dài bình luận: “Việc Quốc hội Mỹ công khai thừa nhận tội ác này đang xảy ra là bước đi đầu tiên. Vậy thì tiếp theo chúng ta sẽ phải hành động như thế nào”.

Năm 2006, luật sư nhân quyền David Matas nổi tiếng của Canada cũng đã thực hiện điều tra độc lập về tội ác này và đưa ra báo cáo chứng minh mổ cướp nội tạng thực sự đang diễn ra ở Trung Quốc Đại Lục. Ông nói: “Theo quan sát của tôi, kháng nghị bức hại nhân quyền là quá trình chậm chạp. Ban đầu người ta nghi ngờ đối với những khiếu kiện của người bị hại, vì thế phản ứng lạnh nhạt. Nhưng sự tập hợp của nhiều nỗ lực không mệt mỏi sẽ khiến xu thế ngày càng mạnh mẽ. Kháng nghị thường đi từ vùng ngoại viên và tiến dần về trung tâm”.

Ông Michael E Shapiro, Phó giáo sư tại Viện Y học New Jersey cho biết, ông cảm thấy rất phấn khởi khi được biết Quốc hội Mỹ thông qua Nghị quyết này. Ông nói:

Chứng cứ rõ ràng

Ngày 9/3/2006, tội ác mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công đã được truyền thông ngoài Trung Quốc lên tiếng. Ngày hôm sau, Tổ chức Quốc tế Điều tra bức hại Pháp Luân Công bắt đầu thực hiện điều tra có hệ thống đối với tội ác này ở Trung Quốc Đại Lục. Trong 10 năm qua, tổ chức đã thực hiện điều tra đối với nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc (trong đó có 5 Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị và 1 Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương), thực hiện hàng chục ngàn cuộc điện thoại đối với 865 bệnh viện có hoạt động cấy ghép nội tạng với hơn 9.500 bác sĩ và phân tích những tài liệu trên các trang mạng của hệ thống bệnh viện, đã tập hợp được hơn 2000 chứng cứ ghi âm và hơn 10.000 chứng cứ tài liệu.

Ngày 19/5 năm nay, Tổ chức Quốc tế Điều tra đã có bản báo cáo 210.000 chữ kết luận: 

Mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công là tội phạm của bộ máy quốc gia Trung Quốc do ông Giang Trạch Dân chủ mưu.

Nguồn gốc chủ yếu ban đầu từ kho người sống liên quan đến hàng triệu học viên Pháp Luân Công bị bắt bớ.

Sáu loại chứng cứ chứng minh có kho nội tạng người sống khổng lồ ở Trung Quốc Đại Lục.

Tội ác mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công không những không chấm dứt được mà ngày càng gia tăng, từng hai lần xảy ra đột biến về số lượng ca cấy ghép, tuyên bố từ 2015 chỉ dùng nội tạng do hiến tặng là không đúng.

Nhiều số liệu phân tích chứng minh: Vô số học viên Pháp Luân Công bị hành hạ đến chết vì nguyên nhân mổ cướp nội tạng. 

Cùng với điều tra của Tổ chức Quốc tế Điều tra, một số nhà điều tra độc lập bên ngoài Trung Quốc cũng quan tâm đến tội ác này, kết quả điều tra của họ khớp với kết luật của Tổ chức Quốc tế Điều tra.

Hoạt động cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc phát triển bùng nổ từ sau 1999, vừa trùng với thời gian chính sách bức hại Pháp Luân Công được tiến hành. Vào tháng 3/2010, tờ Nam phương cuối tuần đã có bài viết“Mê cung hiến tạng: Thấy nội tạng nhưng không thấy người”. Theo bài viết: “Hoạt động cấy ghép nội tạng vào năm 2000 đã tăng lên gấp 10 lần so với năm 1999, đến năm 2005 lại tiếp tục tăng lên 3 lần”.

Điều tra cho thấy có 6 chứng cứ chứng minh có kho nội tạng người sống khổng lồ ở Trung Quốc:

Chứng cứ 1: Thời gian chờ cấy ghép nội tạng ngắn khác thường. Trong điều kiện bình thường, tại nhiều quốc gia, bệnh nhân phải chờ đợi có khi đến vài năm để có được nội tạng cấy ghép phù hợp, nhưng ở Trung Quốc thì chỉ cần chờ từ 1 – 2 tuần. Theo thống kê trên trang web của Trung tâm Cấy ghép nội tạng Đông Phương thuộc Y viện Trung tâm số 1 Thiên Tân (được mệnh danh là nơi cấy ghép nội tạng lớn nhất châu Á) cho thấy, vào năm 2005 có 647 ca ghép gan, thời gian chờ của người bệnh trung bình là 2 tuần. Hiện trang web này đã không còn, nhưng tài liệu đầy đủ vẫn còn trên mạng. Vì thời gian chờ đợi ngắn nên đã thu hút đông đảo khách du lịch cấy ghép nội tạng quốc tế. Chỉ trong 3 năm từ 2003 – 2005, số khách du lịch cấy ghép nội tạng đến Trung Quốc mỗi năm lên đến hơn 2.000 người.

Chứng cứ 2: Số lượng khủng về ca cấy ghép gan khẩn cấp. Gọi là cấy ghép gan khẩn cấp nghĩa là khi cuộc sống của người bệnh gan không thể kéo dài được quá 72 tiếng, nếu muốn sống phải phẫu thuật thay gan khẩn cấp. Vì cấy ghép gan đòi hỏi thời gian chờ đợi dài nên những ca cấy ghép khẩn cấp kiểu này rất hiếm trong điều kiện bình thường tại nhiều quốc gia. Nhưng ở Trung Quốc, trường hợp này rất phổ biến. Theo “Báo cáo Thường niên cấy ghép nội tạng Trung Quốc năm 2006”, kể từ ngày 6/4/2005 – 31/12/2006, trong số 8.486 ca ghép gan thì có 1.150 ca cấy ghép gan khẩn cấp. Việc hành quyết phạm nhân phạm tội tử hình ở Trung Quốc phải qua trình tự làm thủ tục tư pháp: tòa án tối cao xem xét, trả lời và ấn định thời gian và địa điểm hành quyết, vì thế phạm nhân tử hình không thể là nguồn nội tạng cung cấp cho những ca cấy ghép gan khẩn cấp. Từ con số đáng kinh ngạc này chứng minh bệnh viện có thể tìm được gan phù hợp cho người bệnh bất kỳ lúc nào từ “kho nội tạng người sống”.

Chứng cứ 3: Nhiều nội tạng dự trù cho một ca phẫu thuật. Đa số các bệnh viện đều có nội tạng dự trù cho một ca phẫu thuật, ví dụ vào năm 2005 khi ông cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc là Hoàng Khiết Phu biểu diễn phẫu thuật gan ở Tân Cương có đến 3 người sống trở thành nguồn cung cấp gan dự trù. Điều này cho thấy hệ thống hoạt động ngầm này khá bài bản, chuyên nghiệp.

Chứng cứ 4: Nhiều ca cấy ghép nội tạng đồng thời được tiến hành. Nhiều bệnh viện đã thực hiện nhiều ca cấy ghép nội tạng trong cùng lúc. Ví dụ: Bệnh viện Tân Kiều của Đại học Quân y số 3 thực hiện 24 ca ghép thận trong một ngày. Y viện Trung tâm số 1 Thiên Tân thực hiện 24 ca ghép thận và gan trong một ngày. Bệnh viện Đại học Trung Sơn ở Quảng Châu thực hiện 19 ca ghép thận trong một ngày. Bệnh viện Tương Nha ở Trường Sa thực hiện 17 ca cấy ghép trong một ngày. Từ góc nhìn y học, việc trong một ngày tìm được nhiều tử tù có nội tạng phù hợp để cấy ghép cho bệnh nhân như thế là điều không thể xảy ra. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có sẵn kho nội tạng người sống mà họ đã được kiểm tra sẵn về nhóm máu cũng như sự phù hợp của nội tạng.

Chứng cứ 5: Cấy ghép gia tăng đột biến sau khi tội ác mổ cướp nội tạng được đưa ra ánh sáng. Tổ chức Quốc tế Điều tra bức hại Pháp Luân Công phát hiện, sau sự kiện trại trại tập trung Tô Gia Đồn bị đưa ra ánh sáng vào ngày 9/3/2006, nhiều bệnh viện ở Trung Quốc đã thực hiện gấp rút hoạt động cấy ghép. Trong một thời gian, nhiều bệnh viện trên toàn quốc bất ngờ có nội tạng cung cấp tăng vọt, hoạt động cấy ghép nội tạng phải làm tăng ca, tăng giờ. Từ năm 2007 là bước vào thời kỳ đỉnh cao. Hiện tượng này cho thấy có rất nhiều người đã được chuẩn bị để đưa đi xử lý lấy nội tạng, chính quyền phải giải quyết gấp nguồn cung tồn đọng này.

Chứng cứ 6: Học viên Pháp Luân Công bị ép thử máu. Rất nhiều học viên Pháp Luân Công bị nhốt trong tù, trại cưỡng bức lao động, trại tạm giam. Họ bị ngược đãi và ép thử máu trong khi những người không phải là học viên Pháp Luân Công thì không phải làm điều này. Có thể thấy, học viên Pháp Luân Công là nguồn cung cấp chính trong kho nội tạng người sống sống khổng lồ. Tạng của nhóm người này được lựa chọn nhiều vì họ không hút thuốc, không uống rượu, thân thể họ khỏe mạnh nhờ môn tập Pháp Luân Công. Nhân viên của Tổ chức Điều tra đã dùng thân phận là người bệnh hoặc người nhà của bệnh nhân gọi điện thoại hỏi về dịch vụ cấy ghép tạng, nhiều bác sĩ tại các bệnh viện cấy ghép xác nhận rằng nguồn cung cấp dồi dào này lấy từ cơ thể của các học viên Pháp Luân Công.

Tháng 11/2008, ông Chu Bản Thuận (thư ký trưởng của Chu Vĩnh Khang) đã cùng ông Trưởng ban Chính pháp Trung ương Chu Vĩnh Khang đi thăm Úc. Nhân viên của Tổ chức Quốc tế Điều tra đã giả thân phận ông Dương Huy là Trưởng ban Tình báo (Ban 2) Tổng cục tham mưu hỏi dò về vấn đề mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công và đã được ông Chu Bản Thuận xác nhận.

Ngoài ra, nhiều chứng cứ điều tra cũng chứng minh chính ông Giang Trạch Dân đã ra lệnh dùng nội tạng học viên Pháp Luân Công trong hoạt động cấy ghép, trong đó có chứng cứ thu được từ ông Bạch Thư Trung (Trưởng ban Y tế Tổng cục Hậu cần giải phóng quân Trung Quốc), Bạc Hy Lai (khi giữ chức Bộ trưởng Thương mại), bác sĩ Đàm Vân Sơn (Chủ nhiệm khoa bệnh gan Bệnh viện Trung Sơn thuộc Đại học Phúc Đán)…

Nhiều năm qua, những nhân sĩ chính nghĩa chống tội ác mổ cướp nội tạng đã không ngừng nỗ lực đưa tin về tội ác này trong cộng đồng quốc tế.

Năm 2006, ông David Kilgour cựu Ngoại trưởng Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương và luật sư nhân quyền nổi tiếng người Mỹ David Matas đã cùng xuất bản sách Thu Hoạch Đẫm Máu (Bloody Harvest) chứng minh tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc và gọi đây là “tội ác chưa từng có trong lịch sử loài người”. Do tính thuyết phục cao của kết quả điều tra đã gây chấn động lớn trong cộng đồng quốc tế. Theo kết quả điều tra, chỉ trong vài năm khi thị trường cấy ghép tạng phát triển mạnh ở Trung Quốc đã có ít nhất 41.500 nội tạng được đưa vào sử dụng có nguồn gốc không rõ ràng, nhiều khả năng là được lấy từ học viên Pháp Luân Công.

Ngày 13/3/2012, giáo sư Arthur Caplan thuộc Trung tâm Đạo đức Sinh học (bioethics) Đại học Pennsylvania đã có bài diễn thuyết học thuật “Vấn đề đạo đức trong sử dụng nguồn nội tạng tù nhân”, theo đó chỉ ra “tội ác mổ cướp nội tạng kéo dài hết năm này qua năm khác ở Trung Quốc là nỗi sỉ nhục của loài người”.

Tháng 10/2015, năm chuyên gia y học đã cùng đứng tên chung trong bài viết “Trò chơi chữ nghĩa trong vấn nạn nội tạng tù nhân ở Trung Quốc” (China’s semantic trick with prisoner organs) đăng trên Tạp chí y học Anh (BMJ), một tạp chí danh giá trong giới y học thế giới. Các chuyên gia y học cho biết, chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ ngừng sử dụng nội tạng tù nhân trong phẫu thuật cấy ghép tạng từ tháng 12/2014 chỉ là trò chơi chữ nghĩa; tù nhân vẫn là nguồn nội tạng cung cấp cho hoạt động cấy ghép, và tội ác mổ cướp nội tạng chưa thể chấm dứt ở Trung Quốc. Bài viết nhận định, đối tượng chính bị lấy nội tạng phục vụ cấy ghép ở Trung Quốc là học viên Pháp Luân Công. Các chuyên gia kiến nghị, chính quyền Trung Quốc phải chấm dứt tình trạng sử dụng nội tạng tù nhân và chấp nhận cho quốc tế giám sát.

Những lên án của cộng đồng quốc tế

Kể từ năm 2006 sau khi tội ác mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công được đưa ra, dưới nỗ lực của các học viên Pháp Luân Công, nhiều quốc gia và khu vực như Israel, Tây Ban Nha, Ý, Úc, Canada, Mỹ, Đài Loan… đã có hành động cụ thể nhằm ngăn chặn tội ác này ở Trung Quốc qua hoạt động lập pháp.

Ngày 21/11/2008, Liên Hiệp Quốc yêu cầu chính quyền Trung Quốc cho thành lập tổ điều tra độc lập trước cáo buộc về việc ngược đãi cực hình học viên Pháp Luân Công và thậm chí là mổ cướp nội tạng, yêu cầu phải làm rõ và xử lý đối tượng chịu trách nhiệm theo pháp luật.

Từ 2012 đến nay, Cơ quan lập pháp của Đài Loan, Nghị viện châu Âu, Thượng viện Úc, Ủy ban Thượng viện Ý về Nhân quyền, Ban đối ngoại Quốc hội và Ủy ban Thương mại Ireland, Ủy ban Ngoại giao Quốc hội Mỹ, Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Canada đã pên tục thông qua các nghị quyết lên án chính quyền Trung Quốc bảo hộ tội ác mổ cướp nội tạng tù nhân lương tâm Pháp Luân Công.

Ngày 12/12/2013, Nghị viện châu Âu đã thông qua Nghị quyết khẩn yêu cầu chính quyền Trung Quốc phải chấm dứt tội ác mổ cướp nội tạng và “lập thức thả” các tù nhân lương tâm, trong đó có nhiều học viên Pháp Luân Công….

Cuối năm 2013, hơn 1,5 triệu người thuộc 54 quốc gia đã tham gia ký vào thư thỉnh nguyện yêu cầu sớm chấm dứt tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc Đại Lục.

Mới đây nhất, trong bối cảnh ông cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc Hoàng Khiết Phu liên tục phủ nhận cáo buộc mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc, Hạ viện Quốc hội Mỹ đã thông qua Nghị quyết 343 chống tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc Đại Lục.

Tội ác bức hại Pháp Luân Công của chính quyền Trung Quốc đã kéo dài 17 năm, và hiện vẫn đang tiếp tục xảy ra. Cuộc bức hại này đã kéo theo tội ác mổ cướp nội tạng vô cùng tàn nhẫn, không bằng loài cầm thú, vượt xa tội ác của Đức Quốc xã trước đây. Đây là niềm sỉ nhục đối với loài người. Tất cả những người lương thiện và chính nghĩa cần lên tiếng chấm dứt tội ác này! Chấm dứt bức hại Pháp Luân Công!

RELATED ARTICLES

Tin mới