Thông tin mới đây từ hãng tin Reuters cho biết, hồi cuối tháng 3/2016, Hội Luật quốc tế Đài Loan đã gửi một văn bản lên Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc về những tranh chấp trên Biển Đông. Thông tin từ Reuters cũng cho hay, Tòa trọng tài đã chấp nhận việc xem xét văn bản này, cho dù Hội luật quốc tế Đài Loan không đại diện cho chính phủ Đài Loan, và Đài Loan không phải là thành viên của Liên hợp quốc và đương nhiên, Đài Loan cũng không phải là thành viên của UNCLOS.
Ông Mã Anh Cửu đổ bộ bất hợp pháp lên đảo Ba Bình, cầm trái bí ngô để chứng minh đảo này con người có thể sống được, có thể hưởng 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế.
Tuy nhiên, với việc chấp nhận xem xét văn bản này từ Hội luật quốc tế Đài Loan, phán quyết cuối cùng của Tòa trọng tài cho vụ tranh chấp này sẽ phải dời lại một thời gian, chứ không thể diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6 năm nay như mong đợi.
Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu, vì đây là một vụ kiện đặc biệt quan trọng trên nhiều lĩnh vực và chưa có tiền lệ nên Tòa phải hết sức thận trọng. Mặc dù Trung Quốc đã phớt lờ việc tham dự cũng như họ tuyên bố sẽ không chấp nhận và tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài, nhưng để phán quyết được khách quan và thuyết phục, Tòa trọng tài đã không từ chối bất cứ cơ hội nào để các bên trong tranh chấp có thể đưa ra quan điểm của họ cho vụ kiện.
Tòa trọng tài với năm chuyên gia khách quan đang xem xét hồ sơ vụ Philippines kiện Trung Quốc theo Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng. Mặc dù sẽ không quyết định các vấn đề về chủ quyền lãnh thổ hay hoạch định ranh giới trên biển, Tòa có thể xác định, bên cạnh nhiều các vấn đề khác, trong đó có việc liệu có cơ sở pháp lý cho đuờng “9 đoạn” đầy tai tiếng của Trung Quốc vốn yêu sách mơ hồ trên 85% Biển Đông và liệu có cấu trúc nào tại Biển Đông được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hay không.
Vậy tại sao Hội luật quốc tế Đài Loan lại gửi văn bản lên Tòa vào thời điểm này? Và sao không là chính phủ Đài Loan mà chỉ là Hội luật quốc tế?
Quan điểm và cũng là lo ngại của Đài Loan là họ không được thừa nhận là một bên chính thức trong tranh chấp Biển Đông. Đây cũng là một vấn đề nan giải của Đài Loan.
Từ năm 1971, Đài Loan bị mất ghế Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an vào tay Trung Quốc. Từ đó, dưới cái bóng quá lớn của Trung Quốc, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều phải thừa nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc”, và trong đó, Đài Loan chỉ là một vùng lãnh thổ trực thuộc Trung Quốc, cho dù Đài Loan vẫn luôn là một quốc gia trên thực tế.
Các cuộc thương lượng về Biển Đông sau này như DOC năm 2002 và cho COC sắp tới, Đài Loan đều không được tham gia như một thành viên chính thức. Thậm chí, khả năng tự vệ của Đài Loan theo Điều 51 Hiến chương còn bị tranh cãi là có thể không thực hiện được khi Đài Loan không có tư cách thành viên của Liên hợp quốc.
Chính quyền Cộng hòa Trung Hoa (tiền thân của chính quyền Đài Loan sau này) là bên đã đầu tiên đưa ra cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” trên Biển Đông, vì thế, vai trò của Đài Loan đối với việc diễn giải cái gọi là yêu sách này cũng đóng một vai trò quan trọng trong bối cảnh chính quyền Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ chối diễn giải quy chế pháp lý của nó, và cộng đồng quốc tế kịch liệt phản đối nó.
Hiện nay, trên Biển Đông, Đài Loan đang kiểm soát một cấu trúc lớn nhất ở Trường Sa, được biết với cái tên quốc tế là Itu Aba, Việt Nam gọi là Ba Bình, Trung Quốc và Đài Loan gọi nó là Thái Bình đảo (Taiping).
Từ những năm 1990, các học giả Đài Loan đã tranh luận với nhau là nên duy trì hay bỏ cái gọi là yêu sách đường lưỡi bò này, và cuối cùng, họ vẫn giữ cái gọi là yêu sách vô lý này.
Năm 2014, phía Mỹ đã đưa ra một báo cáo, trong đó, chỉ ra những điểm bất hợp lý, thậm chí là quá đáng của cái gọi là yêu sách này. Phía Mỹ cũng áp lực để yêu cầu Đài Loan làm rõ tính chất pháp lý của cái gọi là yêu sách này. Nhiều người cũng mong đợi Tổng thống Mã Anh Cửu, vốn là một tiến sĩ luật, chuyên gia về luật quốc tế, người đã nhiều năm nghiên cứu về tranh chấp Senkaku, sẽ nhận thấy tính vô lý của cái gọi là yêu sách này, và sẽ từ bỏ nó. Tuy nhiên, Tổng thống Mã Anh Cửu, với những tính toán chính trị của ông ta, vẫn tiếp tục duy trì cái gọi là yêu sách này. Tuy yêu sách rất nhiều ở Biển Đông, nhưng thực tế chỉ nắm giữ Ba Bình, vì thế, để hỗ trợ các yêu sách biển, trong đó có cả đường lưỡi bò, Đài Loan quyết tâm duy trì quan điểm Ba Bình là đảo, để có thể được hưởng quy chế có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa cho Ba Bình. Từ năm 2011, một học giả tiếng tăm về Biển Đông của Đài Loan là Yan Hueisong (Tống Yến Huy) đã viết bài tại Hội thảo Biển Đông tại Việt Nam để chứng minh Ba Bình là đảo (island) chứ không phải là đá (rock) và từ đó có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh Ba Bình.
Trong đơn khởi kiện Trung Quốc trước Tòa trọng tài theo Phụ lục VII UNCLOS ngày 22/1/2013, Philippines đã yêu cầu Tòa xem xét về quy chế pháp lý cho một số cấu trúc, nhưng không có Ba Bình.
Tuy nhiên, trong Hồ sơ khởi kiện (Memorial) gửi lên Tòa đầu năm 2014, Manila đã thêm yêu cầu Tòa phán quyết về quy chế pháp lý của Ba Bình cùng với các cấu trúc khác mà Philippines đã nêu ra trong Đơn khởi kiện.
Trong cuộc điều trần trực tiếp lần thứ hai trước Tòa, từ ngày 24 đến ngày 30/11/2015, Philippines đã đưa ra nhiều luận cứ và bằng chứng chứng minh Ba Bình chỉ là đá, vì nó không thể duy trì đời sống của con người và không có đời sống kinh tế riêng. Lập luận của Philippines dựa trên rất nhiều báo cáo khoa học của các học giả Đài Loan đăng trên các tạp chí chuyên ngành tại Đài Loan và quốc tế bằng tiếng Anh.
Ngày 23/3/2016, để đáp lại lập luận của Philippines trước Tòa, Hội luật quốc tế Đài Loan đã cho phát hành bản Amicus Curiae để nhằm chứng minh Ba Bình là đảo chứ không phải là đá. Bản này, sau đó được gửi tới Tòa trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc như đã trình bày ở trên.
Trái với lập luận của Philippines, lập luận của Hội luật quốc tế Đài Loan đưa ra các bằng chứng rất yếu, chủ yếu là các bằng chứng từ một phía Đài Loan, hoặc từ chính phủ hoặc từ các bằng chứng liên quan đến chính phủ Đài Loan, chứ không có các bằng chứng khách quan như của Philippines.
Cách đây không lâu, chính quyền Đài Loan cũng tổ chức một chuyến ra thăm Ba Bình cho một số phóng viên và học giả để nhằm chứng minh cho họ thấy Ba Bình có đời sống kinh tế riêng và thích hợp cho cuộc sống của con người, và Ba Bình sẽ được hưởng quy chế đảo theo UNCLOS.
Với thế yếu về pháp lý khi không phải là thành viên của Liên hợp quốc cũng như là thành viên của UNCLOS, cộng với các bằng chứng pháp lý yếu, cho nên chính quyền Đài Loan đã không mạo hiểm đưa ra văn bản chính thức lên Tòa trọng tài, vì không thể đoán trước hậu quả sẽ ra sao. Nhưng Đài Loan vẫn muốn đưa ra quan điểm một cách chính thức để có thể bảo vệ được lợi ích của họ, cũng như để xoa dịu dư luận trong nước, đặc biệt với những người theo chủ nghĩa dân tộc. Với Tòa, cho dù không phải là quan điểm chính thức của chính phủ Đài Loan, nhưng Đài Loan tuyên bố yêu cầu và lập luận của Hội luật quốc tế phù hợp với yêu cầu và lập luận của chính phủ Đài Loan. Với những người theo chủ nghĩa dân tộc trong nước, điều đó chứng tỏ chính phủ Đài Loan vẫn quan tâm bảo vệ lợi ích của họ trước vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng vẫn thuộc về hội đồng trọng tài. Và chúng ta cũng mong đợi hội đồng trọng tài sẽ đưa ra một phán quyết công bằng, khách quan, góp phần làm rõ những vấn đề pháp lý chưa rõ ở Biển Đông, và bác bỏ cái gọi là “yêu sách đường lưỡi bò” phi lý ở Biển Đông.