Theo Thời báo Phố Wall (WSJ), nhằm đối phó với phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA), Trung Quốc đã ngang nhiên nói dối rằng có tới 60 quốc gia, hầu hết ở rất xa châu Á, ủng hộ nước này về vấn đề Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Hậu quả, Bắc Kinh liên tục bị chấn chỉnh, bị “vạch mặt” vì những gian dối đó.
52 quốc gia, trong đó có nhiều quốc gia nhỏ cách xa châu Á hay đang phụ thuộc Bắc Kinh về kinh tế, đã đột nhiên bị Trung Quốc đưa vào danh sách 60 quốc gia ủng hộ nước này về vấn đề Biển Đông.
Hôm 14/6, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng huênh hoang nói: “Con số này là một minh chứng hùng hồn. Một số quốc gia quan tâm tới chúng tôi và thân thiện với chúng tôi muốn tìm hiểu về tình hình thực tế. Sau khi hiểu được vấn đề, họ quyết định đưa ra lập trường và bảo vệ công lý”.
Ông này còn đổ lỗi cho các nước ngoài khu vực đã gây căng thẳng thêm cho các tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi đó, theo liệt kê của WSJ và Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington, chỉ có 8 nước lên tiếng ủng hộ Trung Quốc phớt lờ phán quyết của PCA. Đó là Afghanistan, Gambia, Kenya, Niger, Sudan, Togo, Vanuatu và Lesotho. Những nước này cho rằng, Bắc Kinh có quyền chọn lựa phương thức riêng để giải quyết tranh chấp.
Nhiều quốc gia vô cớ bị cho vào danh sách ủng hộ Bắc Kinh đã thẳng thừng bác bỏ. Trong đó có 2 nước thành viên của Liên minh âu Âu (EU).
Tháng 4/2016, các quan chức Ba Lan rất sửng sốt khi Bắc Kinh đột nhiên đưa ra một thông cáo chưa hề được phía Ba Lan thông qua sau cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước.
Thông cáo khẳng định Ba Lan ủng hộ chính sách giải quyết mâu thuẫn “thông qua đối thoại và tham vấn” của Bắc Kinh.
Đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Sau đó Bộ Ngoại giao Ba Lan lên tiếng đính chính rằng thông cáo trên “chỉ là ý kiến từ phía Trung Quốc, không phản ánh chính xác quan điểm mà Ba Lan đã nói với phía Trung Quốc về vấn đề biển Đông. Quan điểm Ba Lan không hề thay đổi và phù hợp với các chính sách của EU”.
Slovenia, một thành viên khác của EU và các quốc gia vùng Balkan như Bosnia và Herzegovina cũng phủ nhận lời nói dối trắng trợn của Bắc Kinh.
Điều khiến Bắc Kinh bẽ mặt nhất là nước này bị một số nước nhỏ hơn khước từ dù họ đang phụ thuộc rất lớn vào viện trợ và đầu tư từ Trung Quốc.
Hồi tháng 4, Fiji phủ nhận việc ủng hộ Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông. Trung Quốc cũng bị Lào, Campuchia và Brunei chấn chỉnh sau khi đơn phương tuyên bố đạt được sự đồng thuận quan trọng với những nước này về Biển Đông.
Một phát ngôn viên của chính phủ Campuchia bác bỏ việc nước ông đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi không thay đổi lập trường của mình”.
Trung Quốc còn khẳng định có rất nhiều quốc gia Ả Rập bày tỏ sự ủng hộ nước này trong “Tuyên bố Doha” được đưa ra sau một cuộc họp ở Qatar hồi tháng trước. Tuy nhiên, chưa từng có tuyên bố nào như vậy được công bố. Cả Qatar và Trung Quốc đều không cung cấp được bản tuyên bố đó. Một quan chức Trung Quốc còn biện minh rằng, nó vẫn đang được dịch.
Theo WSJ, Nga, cường quốc duy nhất bị đưa vào danh sách ủng hộ Trung Quốc, cũng chưa từng đưa ra tuyên bố rõ ràng nào, ngoại trừ việc cho rằng không nên quốc tế hóa tranh chấp Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không thể trả lời được câu hỏi về việc tại sao một số nước nằm trong danh sách không xác nhận hoặc phủ nhận việc ủng hộ Bắc Kinh. Dù vậy, Trung Quốc vẫn cho rằng truyền thông phương tây đang tìm cách bôi xấu nước này đồng thời gửi lời cảm ơn tới những quốc gia ủng hộ Bắc Kinh.
WSJ nhận định, việc Trung Quốc đưa ra danh sách trên thể hiện sự mâu thuẫn trong lời nói và hành động của Trung Quốc bởi từ trước tới giờ nước này luôn phản đối việc “quốc tế hóa” các tranh chấp ở Biển Đông. Nó cũng cho thấy Bắc Kinh lo sợ bị cô lập sau phán quyết của PCA.
Ngoài ra, ông Euan Graham, chuyên gia về Biển Đông của Viện Lowy (Úc), nhận định, phản ứng của các nước bị Trung Quốc liệt vào danh sách cũng chứng tỏ rằng, ảnh hưởng của Bắc Kinh rất hạn chế, ngay cả ở những nước đang phụ thuộc vào nước này về kinh tế.
Trung Quốc tuyên bố không công nhận phán quyết của PCA. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh, bao gồm nhóm các nước công nghiệp phát triển G7, kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter còn cảnh báo Trung Quốc sẽ phải đối mặt với “Vạn lý Trường thành cô lập” nếu không tôn trọng phán quyết của PCA.
Theo chuyên gia Greg Poling, thuộc bộ phận Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, việc Trung Quốc đang tìm cách ép và lôi kéo sự ủng hộ của các nước khác cho thấy nước này đang rất sợ bị cô lập sau phán quyết của PCA.
Comments are closed.