Đó là nhận định của chuyên gia Aaron Connelly thuộc Viện nghiên cứu Lowy (Australia), trong một cuộc trao đổi với phóng viên báo điện tử Trí Thức Trẻ.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: tadamun.info
“Có nhiều phương án thực tế mà Indonesia có thể áp dụng để bảo vệ chủ quyền của mình trên đảo Natuna. Nhưng [việc ông Widodo đích thân tới thăm đảo Natuna] không phải một trong số đó” – ông Connelly nhấn mạnh.
Thay vào đó, chuyên gia này cho rằng thông điệp cứng rắn và rõ ràng nhất mà Jakartacó thể gửi đến Bắc Kinh, là việc công khai tuyên bố ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài trong vụ kiện Philippines vs. Trung Quốc, đồng thời đứng ra kêu gọi các nước thành viên ASEAN có động thái tương tự.
Nhưng theo ông Connelly, việc Indonesia sử dụng phương án đưa ông Widodo ra thăm đảo Natuna cũng không quá khó hiểu.
Trong những lần trao đổi trước đó với ông Connelly, các cố vấn đối ngoại của ông Widodo tin rằng Indonesia có thể hợp tác với các nước láng giềng cũng như các cường quốc trên thế giới, song rõ ràng bản chất hệ thống chính trị nước này đã và đang hướng đến hình thức dân tộc chủ nghĩa.
Do đó, theo chuyên gia Connelly, việc ông Widodo đích thân tới đảo Natuna đang bị Trung Quốc “dòm ngó” thực chất thể hiện tính dân tộc chủ nghĩa nói trên hơn là một thông điệp gửi tới chính phủ Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông.
Ngoài ra, khác với chính phủ tiền nhiệm do ông Yudhoyono đứng đầu, việc phải tập trung đề cao yếu tố dân tộc chủ nghĩa trong các chính sách của mình cũng khiến chính phủ đương nhiệm của Indonesia khó lòng đóng vai trò đầu tàu tại ASEAN trong tranh chấp Biển Đông nói riêng và các vấn đề trong nội bộ khối nói chung.
Trong một diễn biến liên quan, tuần trước, ông Widodo đã họp cùng nội các Indonesia để chuẩn bị sẵn lập trường chính thức của nước này sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết trong vụ kiện Philippines vs. Trung Quốc.
Trả lời phóng viên báo điện tử Trí Thức Trẻ về vấn đề này, ông Connelly cho rằng, thực chất Jakarta trong nhiều tháng qua đã tìm phương án để thống nhất một lập trường chính thức về vụ kiện, chứ không phải mới đây mới họp để thảo luận.
Ngoài ra, chuyên gia này cũng bày tỏ hoài nghi về việc Indonesia sẽ có một tuyên bố rõ ràng.
“Nhiều khả năng sẽ là một tuyên bố với nhiều thông điệp lẫn lộn, song những sự kiện diễn ra trong thời gian tới có thể thay đổi điều đó” – ông Conelly nhận định.