Ngư lôi nước sâu Futlyar có tầm bắn lên tới 50km, tốc độ hành trình đến 50 hải lý/h và xuyên sâu xuống dưới đáy biển gần nửa km.
Mẫu ngư lôi nước sâu Fizik – tiền thân của Futlyar.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời một nguồn tin ngành công nghiệp quốc phòng cho biết, Hải quân Nga dự kiến sẽ đưa vào trang bị mẫu ngư lôi nước sâu Futlyar vốn đang trải qua các bài thử nghiệm cấp nhà nước của Nga. Cũng theo nguồn tin này, Futlyar là một biến thể nâng cấp của mẫu ngư lôi Fizik mới được Hải quân Nga đưa vào sử dụng cách đây không lâu.
Nguồn tin này tiết lộ, ngư lôi Futlyar đang trải qua quá trình thử nghiệm tại hồ Issyk-Kul ở Kyrgyzsta và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm. Nếu vượt qua được các bài kiểm tra Futlyar sẽ chính thức gia nhập Hải quân Nga và được đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 2017.
Theo thông tin ban đầu có được, ngư lôi nước sâu Futlyar có thể tấn công các mục tiêu nhờ được trang bị đầu dò tìm nhiệt giúp xác định chính xác nguồn nhiệt phát ra từ tàu ngầm và tàu nổi của đối phương. Bên cạnh đó nó cũng có thể được điều khiển trực tiếp từ tàu ngầm trong trường hợp thay đổi hoặc hủy bỏ lệnh tấn công.
So với Fizik, ngư lôi Futlyar được trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến hơn với khả năng khóa mục tiêu dưới nước xa hơn. Nó có tầm bắn hiệu quả 50km với tốc độ di chuyển tối đa là 50 hải lý/giờ ở độ sâu 400m.
Cũng theo nguồn tin trên cho biết, khi đưa vào trang bị, nhiều khả năng Futlyar sẽ được triển khai trên các tàu ngầm tấn công hạt nhân thuộc Project 955A và Project 885M. Bên cạnh đó nếu Futlyar được đưa vào sử dụng thì dây chuyền sản xuất ngư lôi Fizik hiện tại cũng sẽ ngưng hoạt động để nhường chỗ mẫu ngư lôi mới.
Ngư lôi Futlyar được thiết kế vào phát triển bởi Cục thiết kế hàng hải St. Petersburg và được sản xuất bởi công ty quốc phòng Dagdizel đây cũng là nơi phát triển Fizik. Dù vậy thông tin về tương lai của Fizik trong Hải quân Nga vẫn chưa thực sự rõ ràng, khi mà vào tháng tư năm ngoái mẫu ngư lôi này mới được đưa vào trang bị và sản xuất thử nghiệm. Nó được phát triển để thay thế cho mẫu ngư lôi lỗi thời USET-80 có từ thời Liên Xô.