Friday, January 10, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiNhững chiếc bánh vẽ hoành tráng

Những chiếc bánh vẽ hoành tráng

Do quá hiểu nhau hay quá khát vốn mà Moscow vẫn tin tưởng, chờ đợi Bắc Kinh, dù thực tế đã chứng minh Trung Nam Hải chỉ gửi cho Kremlin những chiếc bánh vẽ?

Nếu không cảnh giác cao độ, Putin có thể ngậm quả đắng của Tập Cận Bình. Ảnh: Bloomberg News.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm chính thức Trung Quốc từ ngày mai 25/6, một chuyến thăm được giới quan sát rất chú ý vì nó diễn ra trong thời điểm hết sức nhạy cảm.

Hội nghị thượng đỉnh G-7 Ise Shima vừa kết thúc với tuyên bố chung đã “chỉ mặt gọi tên” cả Moscow và Bắc Kinh với những lời lẽ không hề dễ chịu với cả Kremlin và Trung Nam Hải.

Vì vậy, có những quan điểm tin rằng trong chuyến thăm này Putin sẽ chia sẻ món quà G-7 tặng cho Tập Cận Bình. Đồng thời không khó nhận diện ra sự gắn kết “liên minh” Nga – Trung sẽ được tăng cường.

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, lợi ích kinh tế chắc chắn sẽ được người đứng đầu điện Kremlin bàn thảo với giới lãnh đạo tại Trung Nam Hải, trong đó hợp tác đầu tư có thể trở thành mũi nhọn trong chiến lược kinh tế đối ngoại giữa Moscow và Bắc Kinh.

Hàng loạt những dự án khổng lồ có thể được hai bên xúc tiến sẽ không có gì bất ngờ với dư luận, khi hai quốc gia chiếm gần 1/3 diện tích thế giới này đã là nơi những siêu dự án của Trung Quốc ra đời.

Tuy nhiên, lợi ích kinh tế mà nước Nga có được không tương xứng với quy mô các dự án biểu trưng cho sự hợp tác lớn mạnh giữa Moscow và Bắc Kinh.

“Trong số hàng chục các dự án hợp tác với Trung Quốc trong 15 năm ông Putin nắm quyền, chỉ có một ít được thực hiện, bao gồm khoản ứng trước cho Rosneft trong dự án một đường ống dẫn dầu cỡ vừa và đường ống dẫn độc quyền Transneft, vốn đầu tư 25 tỷ USD”, The Moscow Times ngày 27/8/2015. 

Cũng theo The Moscow Times, tổng trị giá những dự án hợp tác đầu tư giữa Liên bang Nga và Trung Quốc đã lên tới 113 tỷ USD, tính đến tháng 8/2015.

Cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga do vòng xoáy cấm vận kết hợp giá dầu giảm sâu, cùng với sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, được xem là ngyên nhân khiến cho các dự án hợp tác đầu tư Nga – Trung, từ các đường ống dẫn khí đốt cho tới lưới điện đều bị trì hoãn, chậm trễ. 

Tuy nhiên, ông Sergei Sanakoyev, người đứng đầu Trung tâm Phân tích Các vấn đề Trung Quốc tại Moscow thì lại nhận định:

“Nhà đầu tư Trung Quốc chỉ đơn giản là tìm kiếm miếng bánh của họ từ những đồng rúp, song từ tháng 12/2014, diễn biến xung quanh đồng rúp hoàn toàn khác biệt với dự báo của chính phủ Nga.

Điều đó khiến miếng bánh của Trung Quốc nhỏ lại. Tôi tin rằng đây mới là lý do chính của việc các dự án đầu tư lớn của Trung Quốc bị hoãn lại”.

Theo cá nhân người viết thì nguyên nhân chính của hiện tượng “đầu voi đuôi chuột” Trung Quốc thể hiện trong “làm ăn chung” với Nga là do lợi ích của họ nhận được không như ý.

Vì vậy, không khó đoán biết quyền lợi thực tế mà nước Nga sẽ có được trong chuyến công du Bắc Kinh lần này của Tổng thống Nga. Thậm chí, nếu Putin không cảnh giác cao độ thì có thể sẽ lại phải “ngậm quả đắng” của Tập Cận Bình. Tại sao vậy?

Những chiếc bánh vẽ của Bắc Kinh dành cho Moscow không ngừng gia tăng độ hoành tráng

Có thể thấy rằng, khi Mỹ và đồng minh áp lệnh cấm vận đối với Liên bang Nga đã tạo ra một sự thách thức rất lớn với chính quyền của Tổng thống Putin trong việc xây dựng chiến lược phát triển đất nước.

Khi hướng Tây có rào cản thì việc Kremlin phải chuyển trục phát triển về hướng Đông – Châu Á là tất yếu để tìm cơ hội thoát ra khỏi cơn bĩ cực. Và hướng vào Trung Quốc, một thành viên của BRICS được xem là tiện lợi nhất với nước Nga. 

Sự hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh nhanh chóng phát triển với hàng loạt những dự án hoành tráng được gia tăng hay khởi phát từ Trung Nam Hải.

Trong thế bế tắc, việc nền kinh tế Nga có sự tiếp sức từ những đồng nhân dân tệ được xem như nghĩa cử “lá lành đùm là rách” của Bắc Kinh. Vì vậy, liên minh đặc biệt Nga – Trung đã nhanh chóng thành hình và cặp đôi Putin – Tập Cận Bình cũng ngày càng đồng điệu.

Theo The Moscow Times thì chính quyền và doanh nhân Nga rất trông chờ vào sự giúp đỡ đặc biệt từ Trung Quốc cho quỹ đối ứng của các dự án và tỷ phú Gennady Timchenko, một trong những người bạn thân nhất của của Putin được giao nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ thương mại với Bắc Kinh.

Tỷ phú Gennady Timchenko cho biết, khi lập dự án thì Trung Quốc xúc tiến rất nhanh, dù hoành tráng như thế nào đi nữa, nhưng tiền thật từ Trung Quốc thì rất chậm.

Dự án Yamal LNG với quy mô 27 tỷ USD kết hợp với Total của Pháp và CNPC của Trung Quốc, khi đang triển khai thì phải đình lại do khó khăn tài chính vì phương Tây áp lệnh trừng phạt đối với Timchenko.

Trung Quốc cho biết sẽ cho vay 20 tỷ USD trong năm 2014 để tiếp tục dự án, nhưng đến tháng 8/2015 số tiền vẫn chưa được giải ngân, dù đã bị giảm xuống 15 tỷ USD.

Và khi nào Yamal khổng lồ nhận được hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh vẫn còn là một ẩn số.

Trong một diễn biến khác, tập đoàn Gazprom nói rằng, họ đã từ bỏ hy vọng nhận được 25 tỷ USD trong khoản 55 tỷ USD từ Bắc Kinh để xây dựng đường ống dẫn khí qua Siberia đến Trung Quốc.

Dự án Siberia dự kiến hoàn tất và ​​sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2018, nhưng nay thì không thể biết đến bao giờ. Có thể thấy rằng các dự án đường dẫn khí khổng lồ qua Altai khi lên kế hoạch đã có cả thời gian khởi công và thời gian chính thức vận hành nhưng nay đều rơi vào vô định.

Giám đốc Vụ Âu – Á của Bộ Thương mại Trung Quốc, ông Ling Ji cho biết, giá dầu giảm sâu đã làm cho tình hình các dự án khí đốt vùng Altai trở nên phức tạp hơn. Trong khi đó sự bất ổn của đồng rúp được cho là mang đến nhiều rủi ro cho sự hợp tác Nga – Trung, theo Ria Novostia ngày 26/8/2015.

Song không chỉ các siêu dự án về năng lượng bị đình trệ, mà ngay cả các dự án trong các lĩnh vực khác của hợp tác Trung – Nga, nhà đầu tư Trung Quốc cũng tỏ ra chậm trễ không kém.

Một dự án của Trung Quốc với tham vọng cung cấp lượng điện trị giá trị 1.5 tỷ USD/năm cũng không có nhiều tiến bộ trong một thập kỷ qua.

Bên cạnh đó các khoản đầu tư khác của Trung Quốc như nhà máy gỗ 1tỷ USD tại thành phố Tomsk ở Siberia, một cây cầu lớn nối Nga với Crimea, một tuyến đường sắt cao tốc nối Moscow với Kazan phục vụ cho World Cup 2018 và cả ý tưởng về một trạm nghiên cứu chung về vụ trụ cũng rất mờ mịt, theo The Moscow Times.

Không biết là do quá hiểu nhau hay quá khát vốn mà Moscow vẫn tin tưởng, chờ đợi Bắc Kinh, dù thực tế đã chứng minh Trung Nam Hải chỉ gửi cho Kremlin những chiếc bánh vẽ?

“Chúng tôi không có nghi ngờ các dự án khí cuối cùng sẽ được xây dựng. Trung Quốc cần nhiều khí để cắt giảm ô nhiễm. Có chậm? Chắc chắn là có. Mọi dự án sẽ được xây dựng nhưng Nga phải kiên nhẫn vì đây là cách làm ăn của Trung Quốc”, The Moscow Times trích dẫn quan điểm của chính phủ Nga. 

Với niềm tin sắt đá như vậy, có lẽ kho tránh khỏi việc Moscow lại tiếp tục nhận bánh vẽ của Bắc Kinh. Mức độ hoành tráng của các siêu dự án sẽ lại tiếp tục được gia tăng, cả về quy mô của sự hợp tác lẫn những lợi ích có thể khai thác.

Chỉ có điều, khoản tiền thật của Bắc Kinh thì có thể vẫn làm thất vọng tỷ phú Gennady Timchenko, người đại diện cho Tổng thống Putin thúc đẩy quan hệ thương mại Nga – Trung.  

Bắc Kinh có thể tiếp tục “hại người” để “lợi mình” từ những chiếc bánh vẽ gửi cho Moscow

Một miếng khi đói bằng một gói khi no, vậy mà Bắc Kinh gửi tới cho Moscow cả “một gói khi đói” thì có lẽ ơn nghĩa không thể cân đong đo đếm được.

Do vậy việc Kremlin trả ơn Trung Nam Hải là đương nhiên, và sự ưu đãi Nga dành cho doanh nghiệp Trung Quốc được xem là sự trả ơn nghĩa ấy. Ưu đãi mà doanh nghiệp Trung Quốc được hưởng sẽ bao gồm cả trong hợp tác đầu tư lẫn hoạt động trao đổi thương mại. 

Dự án đầu tư càng lớn, hợp đồng mua bán càng lớn thì ưu đãi càng nhiều. Do vậy, những gì biểu trưng cho hợp tác kinh tế Nga – Trung luôn ở mức khủng.

Hẳn nhiều người cho rằng, khi những siêu dự án nằm án binh bất động thì làm sao có ưu đãi của chính phủ Nga dành cho doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, có một phương châm đã dần trở thành nguyên tắc cho việc tận dụng cơ hội trong kinh doanh, đó là “đồng tiến đi trước đồng tiền khôn”.

Khi cơ hội được nhận diện thì liền theo đó là những “đồng tiền” nhanh chóng “đi trước” để khả năng cơ hội được hiện thực hoá bắng lợi ích càng lớn. Với hoàn cảnh của nước Nga thì cơ hội được Trung Quốc tạo ra đó chính là lời hứa đi kèm những chiếc bánh vẽ.

Không khó nhận diện việc Moscow sẽ vận dụng phương châm “đồng tiền đi trước đồng tiền khôn” để tận dụng cơ hội từ lời hứa của Bắc Kinh. Còn Bắc Kinh sẽ khai thác lợi ích từ vị thế người giúp qua lời hứa. 

Có thể thấy rằng, Trung Quốc cần dầu và khí đốt, song các dự án với Nga trong lĩnh vực này không tiến triển, vậy nhưng Trung Quốc lại tăng nhập dầu của Nga lên mức kỷ lục 5,2 triệu tấn trong tháng 5/2016 – tương đương 1,24 triệu thùng dầu/ngày, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm 2015.

Không những thế, Bắc Kinh còn tăng 33,6% lượng dầu nhập Saudi Arabia, lên 961.000 thùng/ ngày, tăng 19,5% lượng dầu nhập từ Iran, lên 619.300 thùng/ngày, theo Reuters ngày 21/6.

Nếu không cảnh giác cao độ, Putin có thể mang về cho nước Nga những siêu dự án tạo khói bụi ô nhiễm và sình lầy. Ảnh: china-mike.com.

Như vậy là, Bắc Kinh đã hưởng lợi từ dầu giá rẻ lại có thêm ưu đãi từ Moscow, vậy mà Bắc Kinh còn tăng nhập từ các đối thủ của Moscow để hưởng lợi qua cạnh tranh giá.

Nghĩa là Bắc kinh “lợi đa” nhưng Moscow “thiệt kép”. Rõ ràng Bắc Kinh cho Moscow ăn bánh vẽ, còn họ thì ăn bánh thật bởi những gì khai thác được từ những ưu đãi của Moscow là “tiền tươi thóc thật”.

Khi người Nga tỏ ra bất mãn với những thiệt thòi thì Bắc Kinh lại nhỏ giọt cho Moscow. 

RIA Novosti dẫn lời Phó Tổng thư ký Hiệp hội phát triển các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài He Chzhenvey cho biết: “Các công ty Trung Quốc sẵn sàng xây dựng đường cao tốc ở Nga nhưng với điều kiện đó là các tuyến đường thu phí.

Người Trung Quốc có thể thi công đường nhựa ở Nga, nhưng sau khi hoàn thành những con đường này phải đem lại lợi nhuận cho người Trung Quốc”. Trong khi dành ưu đãi cho doanh nghiệp Trung Quốc, người Nga không có đặt ra điều kiện nào cả.

Học giả Nga Gabuev cho biết, năm 2015, buôn bán giữa Trung Quốc với Mỹ đạt xấp xỉ 600 tỷ USD, với EU đạt 593 tỷ USD, nhưng với Nga chỉ là 64,2 tỷ USD, giảm 28,6% so với năm 2014.

Còn theo Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, Học viện Khoa học Nga Andrei Ostrovski, trong khi Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài trên 880 tỷ USD, nhưng đầu tư vào Nga rất nhỏ giọt, chưa đầy 8 tỷ USD, theo Vlast Magazine ngày 16/6. 

Rõ ràng là Moscow thua thiệt rất nhiều trong quan hệ Nga – Trung, vậy nhưng điều đó có thể còn chưa tệ hại bằng việc kinh tế nước Nga có thể thiệt hại từ những cái bánh vẽ gây ra.

Có thể thấy rằng, sự hoành tráng từ những dự án của “Dòng chảy phương Đông” mà Bắc Kinh vẽ ra, khiến cho những “dòng chảy” khác bị giảm độ ưu tiên. Khi “Dòng chảy phương Đông” mãi không được khơi dòng thì những “dòng chảy” khác cũng cùng chung số phận.

Vậy là nhiều kế hoạch kinh tế của Kremlin đã vô tình bị những “siêu dự án” của Bắc Kinh làm giảm tính khả thi, cùng với đó là sự phụ thuộc ngày càng lớn của kinh tế Nga vào những biều trưng của quan hệ hợp tác Nga – Trung.

Có thể nhận định rằng, đây mới là sự nguy hại nhất mà nước Nga phải đón nhận từ người người bạn tốt Trung Hoa. 

Nguy cơ nước Nga tiếp tục phải đổi khí, dầu lấy rác thải ô nhiễm từ Trung Quốc

Ngày 26/9/2014, phát biểu tại cuộc diễu hành “Biên giới Nga – Trung là biên giới của hòa bình và hợp tác”, Bí thư tỉnh Hắc Long Giang Wang Syankuy cho biết, Trung Quốc di chuyển một phần sản xuất từ ​​miền nam lên miền bắc đất nước nhằm tăng cường hợp tác với Nga.

Theo ông Wang Syankuy, chính quyền nước này khuyến khích tạo lập liên doanh với các đại diện hàng đầu của Nga, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác triển vọng như nông nghiệp và công nghiệp chế biến sản phẩm sạch về sinh thái, theo Sputnik.

Như vậy là, theo Bí thư Wang Syankuy thì chính quyền Trung Quốc chỉ mang những ngành kinh tế “sạch” sang hợp tác làm ăn với nước Nga mà thôi.

Vậy nhưng, VOV ngày 21/6 cho biết, các chuyên gia của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới (WWF) chi nhánh ở Nga đã và đang đánh giá tác động môi trường của việc di dời một số ngành công nghiệp Trung Quốc sang khu vực rừng rậm ở miền đông nước Nga. 

Những người hoài nghi cho rằng, các chi phí về mặt môi trường vượt quá lợi ích nhận được vì các nhà máy được chuyển tới Nga đa phần là thuộc các ngành “làm bẩn môi trường” như luyện kim, sản xuất xi măng, sản xuất chất hóa học – những ngành đe dọa đa dạng sinh học của khu vực vốn có hệ thống sinh thái nước ngọt tinh khiết và các cánh rừng nguyên sinh.

Bộ Phát triển Viễn Đông cho rằng, quy định về môi trường của Nga là nghiêm ngặt nhất thế giới, song vùng Viễn Đông thuộc diện ưu tiên phát triển nên được miễn nhiều quy định về môi trường.

Như vậy là, việc doanh nghiệp Trung Quốc gây ô nhiễm môi trường tại Nga là khó có thể tránh khỏi. Nhất là và với chính sách tái cơ cấu là nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc, việc chuyển công nghiệp gây ô nhiễm ra nước ngoài đã trở thành xu thế.

Nó đã, đang và sẽ tiếp tục tác oai tác quái tại nhiều quốc gia. Điều này người viết đã phân tích trong bài “Việt Nam cần cẩn trọng thủ đoạn Trung Quốc đẩy ngành nghề ô nhiễm ra nước ngoài”, chứ không phải như lời Bí thư tỉnh Hắc Long Giang. 

Có thể thấy rằng, các nước BRICS được xem là nơi quan trọng nhất mà Bắc Kinh hướng tới việc “xả rác ô nhiễm” của mình.

Bởi lẽ, hầu hết các thành viên BRICS đều có diện tích rộng lớn sẽ khiến cho việc gây ô nhiễm của những “công xưởng rộn tiếng Hoa” bị phản ứng ở mức độ “vừa phải”, không gay gắt, bởi độ loãng của chất ô nhiễm với hệ sinh thái và hệ sinh quyển.

Mặt khác, mức độ phát triển của các thành viên BRICS khá tương đồng với Trung Quốc, vì vậy việc chuyển ô nhiễm đến các nước này chỉ đơn giản như sự di dời nhà xưởng, không cần nhiều chuyển đối.

Trong số các đồng minh BRICS thì Ấn Độ được xem là nơi Trung Quốc “xả rác ô nhiễm” tiện lợi nhất. Song khi “Modipolicies” đã trở thành đối trọng với “tái cơ cấu” thì Bắc Kinh không thể hướng về New Delhi để hy vọng chia sẻ được nữa.

Brazil và Nam Phi thì xa về địa lý và đang bất ổn, hỗn loạn, do vậy Liên bang Nga trở thành nơi Bắc Kinh “xả thải ô nhiễm” tiện lợi nhất, thay cho Ấn Độ.

Nước Nga đang thiếu tiền và EU lại mới gia hạn lệnh trừng phạt, Hoa Kỳ thì chưa biết ra sao khi Toà Bạch Ốc đổi chủ, vì vậy quan hệ Nga – Trung vẫn được xem là trọng tâm trong chiến lược quan hệ đối ngoại của Kremlin thời điểm này.

Do đó, việc tăng cường quan hệ hợp tác Nga – Trung sẽ vẫn là mục đích trong chuyến thăm Bắc Kinh lần này của Tổng thống Putin và việc bàn bạc tìm cách gia tăng những sự liên kết, những sự hợp tác vẫn sẽ chiếm phần lờn thời gian của chuyến đi này.

Tuy nhiên, với hiệu ứng của “tái cơ cấu”, nếu Putin không cảnh giác cao độ thì có thể khó tránh khỏi ngậm quả đắng của Tập Cận Bình. Không khó nhận diện nó, đó chính là những siêu dự án cho những công xưởng rộn tiếng Hoa sẽ là kết quả của những hiệp định được hai bên đồng thuận ký kết.

Người viết cho rằng, với nước Nga, doanh nghiệp Trung Quốc sẽ sử dụng giải pháp “xả thải nửa vời” trong phương án xử lý ô nhiễm môi trường cho những siêu dự án, vì góc khuất kỹ thuật – điểm quan trọng nhất của tính nửa vời – dễ làm cho người Nga mất cảnh giác và sẽ phải chấp nhận ô nhiễm môi trường trong tình trạng “việc đã rồi”.

RELATED ARTICLES

Tin mới