Chúng ta cần nói thẳng với Trung Quốc: Thứ nhất, Việt Nam cũng như các nước không bị lệ thuộc vào Trung Quốc không chấp nhận đường lưỡi bò.
Ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc sẽ sang Việt Nam đồng chủ trì Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
Khoảng hơn 3 tháng trở lại đây, các đại sứ Trung Quốc tại nước ngoài, một nhóm học giả và các tờ báo lớn của Trung Quốc ngày nào cũng viết bài đả kích, chống phá vụ kiện của Philippines cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA). Đồng thời Trung Quốc cũng tìm mọi cách lôi kéo một số nước ủng hộ lập trường của họ.
Trước khả năng PCA sẽ ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò vô lý, phi pháp và bành trướng trên Biển Đông, sức ép của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong ASEAN, đặc biệt là Việt Nam sẽ ngày càng lớn.
Trong dịp này, theo kế hoạch từ trước, ngày 27/6, ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc sẽ sang Việt Nam, đồng chủ trì cuộc họp Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. Theo tôi, đây là cơ hội để hai bên trao đổi lập trường xung quanh vấn đề phán quyết của PCA.
Làm rõ cách giải thích, áp dụng UNCLOS 1982 ở Biển Đông là góp phần thu hẹp bất đồng, củng cố hợp tác
Theo phán đoán của tôi, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ ép Việt Nam không ra tuyên bố ủng hộ phán quyết của PCA, không kêu gọi ASEAN ra tuyên bố chung ủng hộ phán quyết của PCA và không sử dụng phán quyết của PCA để đàm phán với Trung Quốc.
Đây chính là lúc chúng ta cần nói KHÔNG với toàn bộ “yêu sách ba không” của Trung Quốc. Bởi nếu chấp nhận yêu sách ba không ấy, từ nay về sau, Việt Nam sẽ không còn cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của mình trên Biển Đông;
Không những thế, chúng ta sẽ không còn xứng đáng là thành viên có trách nhiệm của Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS 1982); không còn được bạn bè quốc tế tin cậy và ủng hộ trong cuộc đấu tranh chính nghĩa bảo vệ độc lập, chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo tôi hiểu, phán quyết của PCA xung quanh 7 trong số 15 vấn đề Philippines kiện và PCA xét xử có 3 nhóm nội dung sau:
Thứ nhất là căn cứ pháp lý của đường chữ U, còn gọi là đường 9 đoạn, đường lưỡi bò mà Trung Quốc tự vẽ ra.
Thứ hai là 7 thực thể Trung Quốc chiếm đóng ở Trường Sa có hiệu lực pháp lý đến đâu theo UNCLOS 1982 (mà không xem xét bản thân các thực thể này thuộc chủ quyền bên nào).
Thứ ba là việc Trung Quốc bồi đắp xây dựng đảo nhân tạo vi phạm nghiêm trọng UNCLOS 1982, ngăn chặn các hoạt động thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán của Philippines trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế…
Có thể thấy đây hoàn toàn là việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982, phiên tòa được thành lập đúng quy định trong Phụ lục VII UNCLOS 1982, nằm ngoài nội dung “tranh chấp chủ quyền và phân định biển” mà Trung Quốc chính thức bảo lưu.
Với tư cách thành viên UNCLOS, Việt Nam, Philippines, Trung Quốc và các quốc gia thành viên khác đều phải hiểu:
Thứ nhất, phán quyết của PCA là phán quyết về việc giải thích và ứng dụng UNCLOS 1982, điều chỉnh việc giải thích và ứng dụng sai UNCLOS 1982 (nếu có).
Thứ hai, PCA là cơ quan có thẩm quyền phán quyết về việc giải thích và ứng dụng UNCLOS 1982.
Thứ ba, các quốc gia thành viên UNCLOS 1982 phải chấp hành phán quyết của PCA.
Đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra ở Biển Đông không chỉ không có căn cứ pháp lý mà còn xâm hại nghiêm trọng đến quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông, trong đó có Việt Nam.
Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng, quân sự hóa ồ ạt và đảo hóa các thực thể ở Biển Đông, đồng thời ngăn chặn các hoạt động thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán của các nước ven Biển Đông để hiện thực hóa đường lưỡi bò là hoàn toàn phi pháp và là nguyên nhân gây căng thẳng, chẳng những đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực này mà còn tạo ra tiền lệ xấu phá vỡ UNCLOS 1982.
Chúng ta cần nói thẳng với Trung Quốc:Trong quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, khủng hoảng nổ ra năm 2014 sau khi Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam hoàn toàn không có tranh chấp là một ví dụ điển hình về tính nguy hiểm, nguy hại của yêu sách đường lưỡi bò.
Thứ nhất, Việt Nam cũng như các nước không bị lệ thuộc vào Trung Quốc không chấp nhận đường lưỡi bò.
Thứ hai, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông không có bất cứ “chồng lấn” nào với Trung Quốc.
Thứ ba, Trung Quốc không chứng minh được yêu sách đường lưỡi bò trên cơ sở luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS 1982 thì hãy nhân cơ hội này rút lại đường lưỡi bò vô lý ấy.
Phán quyết của PCA là cơ hội để Trung Quốc rút lui trong danh dự, thể hiện Trung Quốc là một cường quốc có trách nhiệm, tuân thủ luật pháp quốc tế, trỗi dậy hòa bình và không đe dọa đến bất kỳ quốc gia nào.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay ra sức bảo vệ yêu sách đường lưỡi bò dù bản thân họ cũng chẳng biết nó được vẽ ra dựa vào căn cứ nào, tọa độ vị trí chính xác ở đâu.
Chính họ cũng không thuyết phục được nhiều học giả chân chính và có kiến thức chắc chắn, am hiểu luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982 trong nước mình. Điều này đã được phản ánh trong một cuộc hội thảo hơn 3 tháng trước đây tại Bắc Kinh mà tờ South China Morning Post ngày 19/6 đã cho biết.
Nhưng cách giáo dục và tuyên truyền một chiều, phóng lao phải theo lao của các nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải đang đẩy dân tộc Trung Hoa và cả khu vực vào ngõ cụt.
Dân tộc Trung Hoa có một nền văn minh rực rỡ, là cái nôi của tư tưởng Nho giáo Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín, là nơi Chủ tịch Tập Cận Bình đang đề cao pháp trị thì trong quan hệ quốc tế, trong vấn đề Biển Đông thiết nghĩ cũng cần hành xử và tuân thủ đúng luật pháp quốc tế.
Bởi lẽ chỉ có như vậy mới giúp Trung Quốc trở thành cường quốc trong mắt nhân loại văn minh. Không phải súng ống, cũng không phải tiền bạc giúp Trung Quốc làm được điều đó.
Vun bồi quan hệ hợp tác hữu nghị Việt – Trung trên cơ sở luật pháp quốc tế
Chắc rằng trong những vấn đề mà ông Dương Khiết Trì đề cập ở Hà Nội lần này sẽ có chuyện hâm lại tình hữu nghị 16 chữ vàng, cũng như khuyên chúng ta đừng có ngả theo ai. Đó là điều các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường đề cập trong nhiều lần gặp gỡ lãnh đạo Việt Nam.
Thiết nghĩ, đây cũng là điều cần được làm rõ để các bạn hiểu chúng ta và đừng cố tặng ta cái vòng kim cô – một sản phẩm hư cấu từ tiểu thuyết Minh – Thanh mấy trăm năm trước.
Ai cũng thấy quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong thời cận hiện đại trải qua rất nhiều thăng trầm, mặc dù hai nước chung một ý thức hệ, vẫn tuyên bố là đồng chí, anh em của nhau.
Nhưng chính vì ứng xử dựa trên lập trường duy ý chí, khi xảy ra những mâu thuẫn bất đồng đã không ứng xử và giải quyết theo luật pháp quốc tế mà chỉ dựa vào lập trường mới dẫn đến cuộc chiến tranh Biên giới 1979 và xung đột kéo dài suốt 10 năm sau đó.
Hai nước đã vượt qua quá khứ nặng nề, bình thường hóa quan hệ và điều đó mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hai quốc gia, hai dân tộc, đóng góp cho hòa bình và ổn định của khu vực. Tuy nhiên lòng tin thực sự ở nhau là cái gây dựng thì khó, đánh mất thì dễ và lấy lại nó càng khó hơn nhiều.
Những tranh chấp trên Biển Đông hiện nay thực sự đang là cái gai nằm trong quan hệ giữa 2 nước, vẫn âm thầm mưng mủ và có thể bộc phát bất cứ khi nào như vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981, mời thầu trái phép 9 lô dầu khí, cắt cáp tàu thăm dò Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam khiến dư luận Việt Nam vô cùng bức xúc, thì khó có thể nói đến lòng tin.
Đại cục quan hệ hai nước chỉ có thể được giữ vững, củng cố và phát triển khi những cái gai ấy dần được nhổ bỏ.
Việt Nam trân trọng sự giúp đỡ vô cùng to lớn và hiệu quả của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc trong 2 cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Nhưng Việt Nam cũng không thể nào quên những tội ác Trung Quốc đã gây ra năm 1974, 1979, 1988 và những hành động leo thang trên Biển Đông vài năm gần đây.
Tranh chấp trên Biển Đông vô cùng phức tạp, trong khi vấn đề chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia đối với dân tộc nào cũng là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Chỉ có điều, chủ quyền lãnh thổ hay lợi ích quốc gia dân tộc phải được xác lập một cách hợp pháp và hòa bình chứ không phải xâm lược hay cưỡng đoạt.
Trong khi cả hai nước đều khẳng định lập trường chính thức của nước mình đối với Hoàng Sa, Trường Sa và các quyền, lợi ích khác ở Biển Đông, thì chỉ có cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền mới có thể đem đến một giải pháp công bằng, hợp lý mà nhân dân hai nước, hai dân tộc chấp nhận được.
Lãnh đạo cấp cao hai nước Việt Nam, Trung Quốc đều coi trọng quan hệ hưu nghị, hợp tác Việt – Trung và đều nhận thấy, tranh chấp bất đồng trên Biển Đông là rào cản chính của quan hệ song phương, dù không phải là tất cả.
Trước những vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp và nhạy cảm như thế này, mỗi bên cần có thái độ cầu thị, khách quan, thiện chí thượng tôn pháp luật mới có thể giải quyết được vấn đề một cách căn bản, lâu dài.
Còn việc Việt Nam phát triển quan hệ hợp tác với quốc gia nào cũng chỉ nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho mình và đối tác, cho nhân dân hai nước, đóng góp vào sự phát triển và phồn vinh của khu vực. Việt Nam không theo nước này chống nước kia, nhưng cũng không phải phải nhìn mặt thăm dò bất kỳ quốc gia nào.
Cá nhân người viết cho rằng, những điều này nên được trao đổi một cách thẳng thắn, sòng phẳng và công khai để giúp hai nước thu hẹp bất đồng, củng cố hợp tác và từng bước giải quyết các tranh chấp tồn tại trên cơ sở luật pháp quốc tế, cái gì dễ làm trước, cái gì khó làm sau.
Chính tinh thần đó đã giúp hai nước đàm phán, phân định xong xuôi biên giới trên bộ và vịnh Bắc Bộ, trên tinh thần đó hai bên có thể tiếp tục giải quyết các vấn đề song phương khác trên Biển Đông như chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, hoặc tiếp cận theo cơ chế đa phương đối với các tranh chấp đa phương ở Trường Sa.