Monday, December 23, 2024
Trang chủBiển nóngĐài Loan thử tên lửa Mỹ trong tình hình nóng

Đài Loan thử tên lửa Mỹ trong tình hình nóng

Đài Loan sẽ thử tên lửa đánh chặn PAC-3 ngay trên đất Mỹ nhằm tránh bị Trung Quốc thu thập thông tin.

Tên lửa đánh chặn từ Mỹ

Các nguồn tin quân sự ngày 27/6 cho biết, Đài Loan có kế hoạch thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhất lần đầu tiên ở Mỹ vào tháng 7 tới trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc đại lục đang xấu đi.

AFP dẫn một nguồn tin từ cơ quan phòng thủ Đài Loan tiết lộ rằng vụ thử nghiệm hệ thống phòng thủ PAC-3 do Mỹ chế tạo sẽ được tiến hành tại khu thử nghiệm tên lửa White Sands Missile Range, bang New Mexico, vào đầu tháng 7/2016.

Theo nguồn tin này, vụ thử nghiệm sẽ được tiến hành ở Mỹ để tránh việc Trung Quốc thu thập thông tin, và do các hạn chế về không gian ở Đài Loan.

Động thái của Đài Loan được nhận định có thể khiến Bắc Kinh nổi giận dù kế hoạch vụ thử tên lửa được sắp xếp trước khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền.

Viện Hoa Kỳ ở Đài Loan, trên thực tế hoạt động như Đại sứ quán Mỹ, không đưa ra bình luận về vụ thử này. Mặc dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Bắc sau khi công nhận Trung Quốc năm 1979, nhưng Mỹ vẫn là đồng minh lớn nhất và là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.

Theo tờ “Liberty Times” của Đài Loan, hệ thống tên lửa này được Đài Loan mua năm 2008, rất lâu trước khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền và cuộc thử nghiệm được Mỹ thông qua năm 2015.

Đài Loan từng mua ba hệ thống phòng thủ đời cũ PAC-2 hồi những năm 1990 và cũng thử nghiệm ở Mỹ. Các hệ thống này đã được triển khai ở khu vực đông dân cư ở Đài Bắc.

Đài Loan sau đó đã mua hệ thống phòng thủ mới PAC-3, được thiết kế để ngăn chặn các tên lửa đạn đạo khi gần kết thúc đường đạn, một phần trong hợp đồng vũ khí giữa Mỹ và Đài Loan trị giá 6,5 tỷ USD năm 2008. Thương vụ này từng khiến Bắc Kinh phản ứng quyết liệt.

Dai Loan thu ten lua My trong tinh hinh nong
Tên lửa PAC-2 của Đài Loan

Cơ quan phòng thủ Đài Loan đánh giá hệ thống này đã được triển khai một phần và sẽ bảo vệ Đài Bắc, cũng như thành phố Đài Trung ở miền Trung và Cao Hùng ở miền Nam khỏi các cuộc tấn công tên lửa từ Trung Quốc.

Tờ “Liberty Times” cho biết đơn vị tên lửa của Đài Loan tham gia cuộc thử nghiệm vào tháng 7 tới sẽ bắn hai quả tên lửa để chặn một tên lửa được quân đội Mỹ bắn đi, giả định làm tên lửa đạn đạo bắn từ Trung Quốc. Nhật Bản cũng thử nghiệm hệ thống PAC-3 ở Mỹ.

Theo phía Đài Loan, hiện có 1.500 tên lửa Trung Quốc đang nhằm vào hòn đảo này. Trung Quốc đã bắn các tên lửa đạn đạo vào vùng biển ngoài khơi Đài Loan năm 1995 và 1996 trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn cuộc bầu cử tổng thống dân chủ đầu tiên của hòn đảo này.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã nguội lạnh nhanh chóng sau khi bà Thái Anh Văn, người có quan điểm hoài nghi Trung Quốc, lên nắm quyền hồi tháng 5/2016, đánh dấu kết thúc 8 năm hai bên tái lập quan hệ hữu nghị.

Cắt liên lạc

Văn phòng Công việc Đài Loan thuộc Quốc Vụ Viện (Chính phủ) Trung Quốc mới đây thừa nhận, từ sau ngày 20/5, tức ngày bà Thái Anh Văn tuyên thệ nhậm chức nhà lãnh đạo cao nhất của Đài Loan, cơ chế liên hệ trao đổi giữa hai bờ đã đình trệ, điều này đồng nghĩa với “cánh cửa” trao đổi qua lại giữa Trung Quốc Đại lục và Đài Loan đã chính thức khép lại.

Đây là lần đầu tiên phía Trung Quốc Đại lục bày tỏ thái độ rõ ràng về quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan hiện nay. Các chuyên gia về quan hệ hai bờ Eo Biển Đài Loan cho rằng do nhà lãnh đạo mới của Đài Loan từ chối đề cập đến “Nhận thức chung 1992” đã khiến Trung Quốc Đại lục phẫn nộ, đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho quan hệ hai bờ Eo biển Đài Loan “đóng băng”.

 
Tân lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn

Ngày 25/6, người phát ngôn Văn phòng Công việc Đài Loan An Phong Sơn trong khi đưa ra phản ứng về việc mới đây tiếp nhận nhóm tội phạm Đài Loan từ phía Campuchia đã bất ngờ chĩa “mũi giáo” chỉ trích bà Thái Anh Văn. Phát ngôn viên An Phong Sơn bày tỏ, sau ngày 20/5, do phía Đài Loan không thừa nhận “Nhận thức chung 1992”, được coi là nền tảng chính trị chung thể hiện nguyên tắc “một Trung Quốc”, cơ chế liên lạc, trao đổi giữa hai bờ Eo biển Đài Loan đã ngừng hoạt động.

Truyền thông phương Tây cho rằng động thái này của Bắc Kinh chính là răn đe Đài Loan, trong đó bao gồm cả việc “trả đũa” bà Thái Anh Văn của đảng Dân tiến trước đó đã từ chối đề cập đến “Nhận thức chung 1992”.

Phản ứng về vấn đề này, cùng ngày Ủy ban Công việc Đại lục của Đài Loan ra tuyên bố nêu rõ Chính quyền Đài Loan tôn trọng thực tế lịch sử, năm 1992 hai bờ hiệp thương và đạt được nhận thức chung và sự hiểu biết lẫn nhau. Do vậy, phía Trung Quốc Đại lục không nên vì nhân tố chính trị mà cản trở hợp tác giữa hai bờ, nhất là trong vấn đề cùng tấn công tội phạm.

 
Máy bay chiến đấu F-16 của Đài Loan hạ cánh trên đường cao tốc

Nguyên nhân dẫn dến hai bờ Eo biển Đài Loan tranh cãi lần này là ngày 13/6, Campuchia bắt giữ 27 nghi phạm lừa đảo công nghệ cao, trong đó có 13 nghi phạm là người Đài Loan, sau đó có thêm 5 nghi phạm là người Đài Loan bị bắt. Tổng số tiền các nghi phạm lừa đảo lên đến 1,6 triệu USD, nạn nhân chủ yếu là người Trung Quốc Đại lục.

Phía Campuchia đưa ra kế hoạch áp giải toàn bộ những nghi phạm này trả về Trung Quốc Đại lục. Phía Đài Loan tuyên bố với phía Trung Quốc Đại lục, tội phạm người Đài Loan cần phải được đưa sang Đài Loan xử lý, nhưng phía Trung Quốc Đại lục đã không đưa ra bất kỳ phản ứng nào.

Mới đây, phía Trung Quốc Đại lục đã điều động chuyên cơ, áp giải 81 nghi phạm lừa đảo công nghệ cao là người Trung Quốc tại Campuchia và Lào, trong đó bao gồm cả 25 nghi phạm người Đài Loan, về Ôn Châu, Chiết Giang.

Ủy ban Đại lục của Đài Loan đã đưa ra tuyên bố phản đối hành động này của Trung Quốc Đại lục.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

Comments are closed.

Tin mới