Saturday, January 25, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiTQ thấy băng cháy ở Biển Đông: Chẳng đáng lo

TQ thấy băng cháy ở Biển Đông: Chẳng đáng lo

Trung Quốc liệu có cần bể băng cháy trên Biển Đông mà họ chưa có trình độ để khai thác hay bỏ tiền mua dầu khí vốn đang rất rẻ hiện nay?

Trung Quốc mới đây tuyên bố phát hiện dải băng cháy trải dài 350km dưới cửa sông Châu Giang sâu khoảng 1.300m dưới mực nước biển.

Trao đổi với Đất Việt, TS. Trịnh Xuân Cường, Viện phó Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, việc thực nghiệm khoan thăm dò băng cháy ở độ sâu cả nghìn mét nước là điều không hề đơn giản.

Nhật Bản năm 2013 đã thực nghiệm khoan thăm dò nhưng đã thất bại. Hàn Quốc sắp tới cũng sẽ thực hiện thăm dò song nhận định tình hình giá dầu giảm nên đã dừng lại.

Khai thác băng cháy đòi hỏi công nghệ rất cao ngoài ra còn có các yêu cầu về môi trường bởi đây là hoạt động khai thác trên bề mặt và có thể gây nguy hiểm. TS. Cường viện dẫn một ví dụ điển hình là bí ẩn về các tàu thuyền bất ngờ mất tích ở Tam giác quỷ Bermuda. Nguyên do bởi nhiệt độ từ trên mặt đất ấm lên bất thường và từ dưới lòng đất, do các đường đứt gãy địa lý làm giải phóng băng cháy và gây nên những vụ nổ khí ngầm.

“Trung Quốc hiện vẫn dùng công nghệ của Nga, trang thiết bị hiện đại vẫn dựa vào công nghệ của Mỹ. Nếu phát hiện ra công nghệ khai thác băng cháy thì họ đã công bố trên cả thế giới rồi”, TS. Cường nhận định.

Bên cạnh đó, tại Biển Đông, nơi có những cơn bão biển nhiều và rất mạnh, rất khó để lập giàn khoan và thực hiện khai thác.

Ông Cường cũng cho rằng, băng cháy về bản chất không phải là một loại nguyên liệu sạch.

“Nếu đã đốt cháy tạo ra CO2 thì không thể gọi là nguyên liệu sạch”, TS. Cường nói.

Mức độ ô nhiễm, tác động dây chuyền của khai thác băng cháy sẽ gây ra những ảnh hưởng rất lớn. Giả sử trong trường hợp có công nghệ để khai thác được băng cháy cũng không đảm bảo khai thác hết 100% lượng băng cháy được lấy ra mà sẽ bị chảy tràn ra ngoài. Việc băng cháy tràn ra biển sẽ gây các tác động môi trường chưa tính toán được.

Thực chất, băng cháy ở nhiều nước trên thế giới đã có nhưng không chỉ tính riêng về công nghệ mà còn hiệu quả khai thác có làm cho họ muốn đầu tư hay không, khai thác có mang lại hiệu quả kinh tế, mang lời lãi về hay không, trữ lượng tiềm năng thế nào mới dám đầu tư công nghệ.

Đối với Việt Nam hiện nay, chúng ta vẫn kết hợp nghiên cứu với nước ngoài như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng mức độ nghiên cứu ít hơn, với mức đầu tư tài chính ít hơn.

“Chúng ta bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông. Khi công bố phát hiện ra tài nguyên mới, chúng ta nhao vào làm song tài chính không đủ mạnh nên mức nghiên cứu cũng chỉ sơ qua. Tôi cho rằng, băng cháy là điều chưa cần quan tâm bởi có những nguồn nguyên liệu sạch thay thế tốt hơn như năng lượng mặt trời, năng lượng gió… vốn giờ đã rẻ hơn”, TS. Cường kết luận.

Thực chất, tại Biển Đông, con đường giao lưu trung chuyển chiếm 60-70% lượng hàng hóa thông thương trên thế giới có giá trị với Trung Quốc nhiều hơn là trữ lượng băng cháy đứng thứ 5 trên thế giới tại khu vực này.

Việc Trung Quốc ngày càng ngang ngược tại các vùng biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam không chỉ nhằm mục đích khai thác tiềm năng khoáng sản và năng lượng mà vốn giờ đã rất rẻ, đặc biệt là dầu khí.

“Khi Trung Quốc đưa ra những thông tin công bố khoa học, tôi chưa thực sự tin. Bởi họ có thực sự làm hay chỉ vẽ lại các kết quả từ nghiên cứu khác là điều chỉ họ biết mà thôi”, TS. Trịnh Xuân Cường nói

Bài toán lâu dài cho năng lượng Trung Quốc

Đồng tình với quan điểm này, TS. Phùng Văn Phách, Viện trưởng Viện địa lý và địa chất biển cho rằng, đây là điều rất bình thường tại khu vực Biển Đông và với mực nước như vậy.

Bên cạnh đó, việc Trung Quốc phát hiện ra dải băng cháy này cũng không đồng nghĩa với việc họ có cách để khai thác hay sử dụng nó. Bởi đây là vấn đề công nghệ.

“Trung Quốc cũng là nước đầu tư rất mạnh nhưng tôi cho rằng rất khó và còn rất lâu nữa mới tìm được công nghệ cách khai thác băng cháy. Chưa kể, băng cháy là một dạng tài nguyên nằm sâu dưới biển, công nghệ để khai thác nó là cả một vấn đề lớn”, TS. Phách khẳng định.

TS. Phách cũng cho rằng, hiện giá dầu đã rẻ, lại có loại nguyên liệu mới như dầu đá phiến có khả năng dễ khai thác hơn nên xét về tính kinh tế, băng cháy chưa mang lại hiệu quả.

Vị Viện trưởng Viện Địa lý và địa chất biển cho rằng, băng cháy cũng là một nguyên nhân đóng góp cho nỗ lực chiếm lấy Biển Đông của Trung Quốc. Về lâu dài, khi các nguồn tài nguyên khác cạn dần, Trung Quốc hoàn toàn có thể sở hữu những bể băng cháy nằm dưới Biển Đông để khai thác.

RELATED ARTICLES

Tin mới