Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố ra lệnh bắt giữ lãnh đạo Đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia CNRP, Kem Sokha ngay khi có lệnh.
Phó Chủ tịch Đảng CNRP Kem Sokha tới tòa án ở Phnom Penh ngày 8/4/2015. Ảnh: CDN
Ngày 29/6, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Hun Sen tuyên bố ông sẽ ra lệnh bắt giữ Phó Chủ tịch đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP), nghị sỹ Kem Sokha ngay khi có lệnh của tòa án.
Nếu bị kết tội, ông Sokha có thể phải đối mặt với bản án từ 1 – 6 tháng tù giam. Thủ tướng Hun Sen khẳng định sẽ không có sự khoan hồng trong trường hợp này.
Theo quy định nếu không vào giải trình thì Tòa sẽ cưỡng chế, nhưng do ông Kem Sokha là nghị sỹ nên Tòa đã có Công văn xin ý kiến Quốc Hội và Quốc Hội cũng đã đồng ý để Tòa thực hiện các thủ tục tiếp theo đối với ông Kem Sokha.
“Kem Shokha cho rằng tôi sợ thua trong cuộc bầu cử. Nhưng tôi muốn gửi tới ông ta một lời nhắn rằng ông ta có thể sẽ bị tù”, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố.
Ông Hun Sen bác bỏ cáo buộc cuộc điều tra về nạn mại dâm mang động cơ chính trị. Người đứng đầu Chính phủ Campuchia cho rằng ông Kem Shokha đã tự tạo ra rắc rối bằng việc có tình nhân.
Hiện CNRP chưa đưa ra bình luận gì sau tuyên bố của ông Hun Sen. Lãnh đạo CNRP Sam Rainsy đang phải sống lưu vong để tránh lệnh truy nã và nhiều khả năng không tham gia tranh cử năm 2018.
Được biết, chiều 2/6, Tòa sơ thẩm Tòa án Phnom Penh, Campuchia đã ký giấy triệu tập ông Kem Sokha, Phó Chủ tịch Đảng Cứu quốc đối lập (CNRP) lần 3 để vào Tòa giải trình.
Trước đó, ông Sokha đã hai lần cố tình phớt lờ các lệnh triệu tập của tòa (vào ngày 17/5 và 25/5) và lẩn trốn trong trụ sở của CNRP từ ngày 26/5 vừa qua khi cảnh sát tìm cách bắt giữ vì không chấp hành lệnh triệu tập của tòa án liên quan tới vụ ông này bị tình nhân khiếu kiện.
Lệnh triệu tập mới nhất đã được nhân viên của Tòa và chính quyền địa phương đến niêm yết trước cửa nhà ông Kem Sokha, trong khi theo báo chí Campuchia, mấy ngày nay, ông này đang ở trong trụ sở của CNRP ở ngoại ô Thủ đô Phnom Penh và được nhiều người ủng hộ tụ tập bên ngoài trụ sở để bảo vệ, ngăn cản cảnh sát nếu tới bắt giữ ông Sokha.
Tòa phát đã lệnh triệu tập ông Sokha sau khi xuất hiện các đoạn ghi âm các cuộc nói chuyện điện thoại giữa chính khách này và cô Khom Chandaraty, một thợ cắt tóc 25 tuổi được cho là nhân tình của ông. Chandaraty đã kiện ông Sokha không thực hiện lời hứa cho cô 3.000 USD để mua nhà và mở cửa hiệu.
Người phụ nữ này yêu cầu được bồi thường 300.000 USD.
Tuy nhiên, ông Kem Sokha từ chối thẩm vấn với lý do cuộc điều tra “mang động cơ chính trị”, trước khi Campuchia tiến hành bầu cử vào năm 2018.
Giới quan sát cho rằng trong 31 năm nắm quyền, ông Hun Sen đã lãnh đạo Campuchia thoát khỏi đói nghèo và trở thành nền kinh tế phát triển tương đối nhanh. Tuy nhiên, gần đây nhiều người dân tỏ ra bất mãn với nạn tham nhũng ở nước này.
Nghị viện Liên minh châu Âu đe dọa sẽ xem xét số tiền viện trợ gần 500 triệu USD nếu ông Hun Sen “tiếp tục đàn áp đối thủ”. Liên Hiệp Quốc và Mỹ mới đây đã bày tỏ lo ngại về việc cảnh sát Campuchia cố gắng bắt giữ Kem Sokha.
Ông Hun Sen tuyên bố sẽ chống lại sự can thiệp vào công việc nội bộ Campuchia. “Tôi không muốn các nhà ngoại giao nhại lại như vẹt về giọng điệu của các đảng đối lập”, ông nói và chỉ trích việc dùng “cái gọi là viện trợ” để xúc phạm hoặc đe dọa Campuchia.