Trang tin BenarNews rất có lý khi cho rằng, Indonesia sắp bị cuốn vào cuộc xung đột về những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, bất chấp áp lực không hề nhỏ từ việc Bắc Kinh hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Jakarta. “Chúng tôi muốn giữ quan hệ thân thiện, nhưng chủ quyền và lãnh thổ Indonesia là điều không thể thương lượng”, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan nhấn mạnh.
Ông Widodo (chính giữa) cùng các quan chức trên tàu chiến ở Biển Đông
Những thay đổi đáng quan tâm
Ngày 24-6, tờ Thời báo Hoàn Cầu có bài xã luận: “Tổng thống Indonesia thị sát quần đảo Natuna là để cảnh cáo Trung Quốc?”. Bởi trước đó (23-6), tờ The Jakarta Post dẫn lời ông Luhut Binsar Pandjaitan khẳng định, Tổng thống Joko Widodo thị sát Natuna thời điểm này là muốn gửi thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh: Indonesia đang cương quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình. Đồng thời nhấn mạnh, trong lịch sử chưa bao giờ Indonesia nghiêm khắc với Trung Quốc như bây giờ.
Nhưng tờ Thời báo Hoàn Cầu lại cho rằng, ông Joko Widodo tuy có lên chiến hạm và họp nội các tại đây, nhưng Tổng thống Indonesia (là nhà lãnh đạo đầu tiên trong khu vực công khai yêu cầu Bắc Kinh làm rõ căn cứ pháp lý của “đường lưỡi bò” và đã đặt vấn đề này với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình) chưa từng trực tiếp phát biểu nhằm thẳng vào Trung Quốc. Những tuyên bố cứng rắn chống lại sự bành trướng của Trung Quốc trên báo chí phần lớn là do ông Luhut Binsar Pandjaitan đưa ra. Đồng thời nhấn mạnh, chỉ có Trung Quốc “mới có năng lực” giao tiếp với Indonesia, các nước khác hoặc là chấp nhận hoặc muốn giao tiếp nhưng bị Jakarta bỏ qua. Và không quên đổ tội cho Mỹ và Philippines muốn đưa “tranh chấp nghề cá” giữa Indonesia với Trung Quốc thành “xung đột ở Biển Đông”.
Giới truyền thông cho rằng, Trung Quốc luôn tìm mọi cách để biến khu vực hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, thềm lục địa mở rộng của nước khác thành “khu vực có tranh chấp”. Theo tờ Straittimes, ông Joko Widodo đích thân tới kiểm tra tàu cá Trung Quốc bị Hải quân Indonesia bắt vì tội đánh cá trái phép ngoài khơi quần đảo Natuna của Indonesia. Trước đó, Tổng thống Joko Widodo đã họp với ông Luhut Binsar Panjaitan để bàn về “vấn đề Biển Đông” trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có hành động gây hấn với Indonesia. Và những động thái mới đây cho thấy, Jakarta đã mất kiên nhẫn với Bắc Kinh. Hãng Bloomberg nhận định, việc ông Joko Widodo công khai bày tỏ sự bất bình về sự hiện diện của tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc tại vùng biển kể trên có thể khiến Indonesia xích lại gần hơn các nước Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, ngày 22-6, Hãng thông tấn Benar News đưa tin, sau nhiều năm “im hơi lặng tiếng”, Indonesia đã quyết định mạnh tay với Bắc Kinh, khi tàu cá Trung Quốc liên tiếp xâm nhập trái phép vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa 200 hải lý của quần đảo Natuna. Quân đội Indonesia cũng tuyên bố, sẽ kiểm soát khu vực kể trên và vừa bắn cảnh cáo, đuổi 12 tàu cá nước ngoài xâm nhập.
Theo giới bình luận, Jakarta ngày càng thể hiện lập trường cứng rắn hơn trước những hành động xâm nhập ngang ngược của tàu cá và tàu hải cảnh Trung Quốc. Và Bắc Kinh cũng lập tức gửi kháng thư phản đối, trong đó cho rằng, Indonesia đã sử dụng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và DOC. Đồng thời nhấn mạnh, hành động này của Indonesia đã làm phức tạp hóa tranh chấp, làm tổn hại hòa bình và ổn định trong khu vực. Ngày 19-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, các tàu cá Trung Quốc đang đánh bắt tại “ngư trường truyền thống” thì nhiều tàu Hải quân Indonesia đã ép và nhắm bắn làm một thuyền viên Trung Quốc bị thương. Đồng thời lên án Hải quân Indonesia quấy rối và lạm dụng vũ lực đối với tàu cá Trung Quốc.
Trước đó (18-6), một tàu hải quân Indonesia đã bắt một tàu cá Trung Quốc với 7 thuyền viên do đánh cá trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Theo nhận định của ông Rahul Bajoria, nhà kinh tế học người Indonesia tại Công ty Tài chính Barclays ở Singapore, Indonesia đang muốn hiện đại hóa hải quân và ngăn cản các hoạt động đánh bắt trái phép của tàu nước ngoài. Và nước này sẽ mua thêm tàu ngầm và tàu tuần tra để trang bị cho hải quân bởi Indonesia hiện mới có 66 tàu tuần tra và 2 tàu ngầm.
Hãng ABC News cũng vừa dẫn lời bà Colin Willett (khi có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí châu Á qua điện thoại hôm 22-6), trong đó bày tỏ quan ngại trước việc Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh hỗ trợ tàu cá đánh bắt ở Biển Đông. Theo bà Colin Willett, hành động này cho thấy Trung Quốc đang cố gắng thực thi những tuyên bố chủ quyền không hợp pháp và coi đây là những hành động khiêu khích, có thể gây bất ổn. Đồng thời cho rằng, phán quyết sắp tới của PCA sẽ đóng vai trò quan trọng – là điểm xuất phát cho các đàm phán ngoại giao.
Cùng ngày 22-6, Hãng Reuters dẫn “động thái nhắc nhở ngoại giao” đầu tiên của Liên minh châu Âu (EU) đối với Trung Quốc, khi EU cho rằng, tất cả các nước phải được quyền tự do đi lại trên Biển Đông. Và quan điểm này được Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra hôm 22-6 trong một dự thảo văn bản mới về chính sách của EU với Trung Quốc trong 5 năm tới. EC tuy không lên án trực tiếp Trung Quốc, nhưng cảnh báo sẽ phản đối các hành động đơn phương có thể làm thay đổi hiện trạng và gây gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.
Tuyên bố cứng rắn
Khi có mặt trên tàu KRI Imam Bonjol (1 trong 5 tàu chiến đang được triển khai tuần tra vùng biển quanh quần đảo Natuna) cùng với Tư lệnh quân đội Gatot Nurmantyo, ông Luhut Binsar Pandjaitan, Ngoại trưởng Retno Marsudi, Bộ trưởng Hàng hải và Thủy sản Susi Pudjiastuti… Tổng thống Joko Widodo đã chủ trì một cuộc họp nội các để bàn về vấn đề chủ quyền, đồng thời kêu gọi quân đội tăng cường tuần tra sau một loạt vụ đụng độ với tàu cá Trung Quốc tại vùng biển Natuna. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi tàu Hải quân Indonesia nổ súng cảnh cáo tàu cá Trung Quốc trước khi bắt giữ một chiếc cùng 7 ngư dân bị cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý quanh Natuna. Và đây là vụ đụng độ thứ ba trong vòng 3 tháng qua khiến quan hệ hai nước căng thẳng. Tổng thống Joko Widodo cũng lên chiếc tàu đã bắn cảnh cáo tàu cá và bắt giữ ngư dân Trung Quốc trước đó. Tư lệnh các lực lượng vũ trang Indonesia Gatot Nurmantyo cho biết, sẽ bắt giữ bất cứ ai xâm nhập bất hợp pháp vùng biển nước này.
Ngoại trưởng Retno Marsudi cũng từng khẳng định, các tuyên bố chỉ có thể được thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời bác bỏ thẳng thừng lập trường của Trung Quốc khi Bắc Kinh cho rằng, 2 quốc gia có yêu sách hàng hải chồng lấn ở Biển Đông, nơi xảy ra những cuộc đối đầu giữa tàu Hải quân Indonesia với tàu cá Trung Quốc. Phản ứng của bà Retno Marsudi được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, 2 nước không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào, nhưng có một số vùng chồng lấn về “quyền và lợi ích hàng hải”. Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Trung Quốc tách bạch “tranh chấp lãnh thổ và chủ quyền” với “tranh chấp hàng hải”. Và đó là thủ đoạn chơi chữ, đánh tráo khái niệm mà Bắc Kinh vẫn đã và đang thực hiện. Trong khi đó, bà Susi Pudjiastuti đã thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận sau những tuyên bố hùng hồn về việc trừng phạt hành động đánh bắt trộm và sẵn sàng công khai các vụ việc với báo chí và trên mạng xã hội.
Ngày 21-6, bà Susi Pudjiastuti cho biết, Trung Quốc nói họ không có tranh chấp với Indonesia, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Do đó, tàu cá Trung Quốc sẽ được đối xử giống bất kỳ tàu cá nào khác bị phát hiện đánh bắt trái phép trong vùng biển của Indonesia. Đồng thời thông báo, Indonesia đã lên kế hoạch đánh chìm ít nhất 30 tàu cá nước ngoài bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang tiến hành các hoạt động đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của nước này. Dự kiến, những tàu kể trên sẽ bị đánh chìm trong 2 ngày 9 và 10-7. Được biết, Indonesia đã đánh chìm tổng cộng 176 tàu cá nước ngoài kể từ tháng 10-2015. Chuẩn Đô đốc Achmad Taufiqoerrochman của Hải quân Indonesia từng cho rằng, sự chống đối một cách quyết liệt và hung hãn của tàu cá Trung Quốc bởi họ nhận được hỗ trợ từ Chính phủ Trung Quốc. Do đó, việc tàu cá Trung Quốc vi phạm lãnh hải Indonesia là nhằm thực hiện mục đích chính trị – hiện thực hóa “đường lưỡi bò”.
Ông Luhut Binsar Pandjaitan khẳng định, Indonesia không bao giờ chấp nhận việc Bắc Kinh coi vùng biển Indonesia là “ngư trường truyền thống” của Trung Quốc. Đồng thời cho biết, Tổng thống Joko Widodo đã ký quyết định thành lập một nhóm chuyên gia luật hàng hải quốc tế nhằm giải quyết vấn đề một cách thân thiện với Trung Quốc. Ngày 20-6, Phó tổng thống Indonesia Jusuf Kalla cho rằng, Indonesia muốn gửi một thông điệp tới Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Indonesia đối vùng biển quanh quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông. “Đây không phải là một vụ va chạm, mà chúng tôi đang bảo vệ khu vực này”, ông Jusuf Kalla nhấn mạnh. Phó tổng thống Jusuf Kalla đã bày tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Indonesia trong một cuộc trả lời phỏng vấn Hãng Reuters.