Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã lý giải vì sao đến thời điểm này mới công bố nguyên nhân cá chết.
Tại cuộc họp báo Chính phủ chuyên đề diễn ra chiều 30/6, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã lý giải vì sao đến thời điểm này mới công bố nguyên nhân cá chết và khẳng định không có chuyện ngăn cản báo chí đưa tin về sự việc này.
Việc chính thức công bố nguyên nhân, chủ thể cũng như các biện pháp xử lý xung quanh việc cá chết chứng tỏ Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương công khai minh bạch diễn biến và các biện pháp xử lý sự cố môi trường nghiêm trọng này.
Tôi xin nhắc lại, ngay từ đầu, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã tích cực, quyết liệt chỉ đạo. Thủ tướng, các Phó thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tổ chức hàng chục cuộc họp về vấn đề này, yêu cầu điều tra nhanh chóng, xác định nguyên nhân và thủ phạm gây ra nguyên nhân, đánh giá thiệt hại kinh tế, xã hội, môi trường, kịp thời có biện pháp hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chỉ đạo kiên quyết xử lý nghiêm minh theo pháp luật các tổ chức cá nhân sai phạm, bất kể họ là ai.
Tại sao tìm ra nguyên nhân nhưng chậm công bố. Chúng ta biết, công bố nguyên nhân là để giải quyết kịp thời hậu quả, công bố thủ phạm là để xử lý sai phạm, điều tra nguyên nhân và điều tra thủ phạm là hai quá trình điều tra khác nhau và công bố vào các thời điểm khác nhau.
Điều tra nguyên nhân được tiến hành bởi các nhà khoa học, đối tượng là các dữ kiện. Điều tra tìm thủ phạm được tiến hành bởi các cơ quan điều tra phối hợp với các nhà khoa học, đối tượng là con người nên phức tạp hơn nhiều. Như tôi đã nói tại cuộc họp báo lần trước, việc công bố ai là kẻ gây ra sự cố nghiêm trọng này cần có quá trình điều tra để xác định chứng cứ, quá trình điều tra có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan quản lý chuyên ngành, các nhà khoa học và các địa phương.
Tôi xin nhấn mạnh, kết quả điều tra là khách quan, chỉ dựa trên chứng cứ, hoàn toàn loại trừ mọi sự can thiệp làm chậm quá trình điều tra và làm sai lệch kết quả từ bất cứ khâu nào của quá trình điều tra. Các cơ quan tham gia điều tra đã nỗ lực rất lớn, làm hết năng lực và trách nhiệm của mình.
Thời gian qua, dư luận trên các trang mạng xã hội có nhiều ý kiến phản ứng việc chậm trễ công bố nguyên nhân cá chết. Tôi cho rằng sự bức xúc đó là sự chính đáng và dễ hiểu, vì sự cố này liên quan đến sự an lành của đất nước, liên quan đến đời sống người dân, đặc biệt là đời sống của hàng vạn ngư dân ven biển tại 4 tỉnh miền Trung.
Tuy nhiên, sự phản ứng thái quá, sự suy diễn không dựa trên kết quả điều tra đã làm nhiễu loạn thông tin, gây bất lợi cho quá trình điều tra. Tôi cần nói thẳng rằng, có thế lực chống phá chế độ đã lợi dụng tình trạng cá chết để công kích sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, thậm chí kích động gây mất trật tự công cộng, gây bất an trong nhân dân.
Quan điểm của chúng tôi là tôn trọng sự bức xúc chính đáng của đông đảo người dân nhưng không thể chấp nhận việc lợi dụng sự bức xúc đó để kích động chống phá Đảng, Nhà nước.
Đến giờ này, có thể khẳng định việc công bố nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố môi trường này là kịp thời.
Thực tế chúng ta thấy, sau khi sự cố môi trường xảy ra, báo chí trong và ngoài nước đã đưa rất nhiều, báo chí Việt Nam đã thông tin nhiều chiều về tình trạng cá chết với tần suất dày đặc.
Đảng và Nhà nước không hề có chủ trương che giấu thông tin, không chỉ người dân cần biết sự thật mà Đảng và Nhà nước cũng cần biết sự thật, nên yêu cầu tất cả các bộ ngành, địa phương phải vào cuộc.
Tuy nhiên, sau một thời gian, đối với báo chí trong nước, để tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, chúng tôi có đề nghị các cơ quan truyền thông hoạt động theo đúng Luật Báo chí và giảm liều lượng, tạm ngừng thông tin suy diễn, quy chụp để chờ kết luận điều tra. Việc này là cần thiết để tránh những thông tin suy diễn làm trở ngại quá trình điều tra, tác động đến quá trình điều tra. Trong một sự cố nghiêm trọng và phức tạp như vụ cá chết vừa rồi, các nhà báo không đủ khả năng để tìm ra thủ phạm, sự điều tra của báo chí không thể thay thế được điều tra của các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học.
Nhìn chung, các cơ quan báo chí trong và ngoài nước đã thông tin kịp thời về sự cố này, đã có sự hậu thuẫn đáng ghi nhận của các cơ quan điều tra nhanh chóng xác định nguyên nhân và thủ phạm gây ra sự cố môi trường này.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, nếu chúng ta cung cấp hết thông tin cho báo chí, thì chúng tôi không còn gì là bảo bối để đấu tranh, tìm ra nguyên nhân nữa.