Người Việt không thể tạo nên bầu không khí hữu nghị giữa hai dân tộc nếu người Trung Quốc vừa không muốn vừa cố tình xuyên tạc lịch sử.
Thư của sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội xúi giục người Hoa ở Đà Nẵng chống Việt Nam, tịch thu được của can phạm Hàng Phú Quang bị bắt tháng 7/1978
(Ảnh tư liệu đăng trong sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua”)
Tại phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam -Trung Quốc lần thứ 9 vừa diễn ra hai bên xác nhận đã hoàn thành các thủ tục lập Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Đà Nẵng.
Chưa có thông tin cho biết Việt Nam có đặt thêm Lãnh sự quán tại Trung Quốc theo thông lệ một đối một hay không.
Việc Trung Quốc đặt lãnh sự quán tại Đà Nẵng cho thấy Bắc Kinh rất quan tâm đến dải đất miền Trung này bởi đây là địa bàn chiến lược có tầm ảnh hưởng lớn đến toàn bộ Biển Đông.
Đà Nẵng cũng là một căn cứ quân sự quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam với các sân bay, quân cảng, cơ sở hậu cần…
Trên thế giới, sứ quán các nước thường có bộ phận tình báo hoạt động dưới các tên gọi khác nhau, lãnh sự quán cũng không ngoại lệ.
Vì sao doanh nhân Trung Quốc tìm mọi cách xây dựng cơ sở tại Đà Nẵng, vì sao khách Trung Quốc đến Đà Nẵng ngày càng đông, vì sao Trung Quốc lại chọn Đà Nẵng đặt Lãnh sự quán?
Đó là những câu hỏi cần có câu trả lời chính xác, nghiêm túc cả từ phía chính quyền cũng như từng người dân không chỉ riêng Đà Nẵng.
Ngược dòng lịch sử, chuẩn bị cho cuộc xâm lược Việt Nam đầu năm 1979, Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã gửi thư xúi giục người Hoa ở Đà Nẵng chống phá Việt Nam từ bên trong. Hành động này đã bị lực lượng an ninh Việt Nam phát hiện và ngăn chặn.
Không phải chỉ tại Đà Nẵng, người Việt gốc Hoa được quân đội Trung Quốc lựa chọn đưa vào các “Sư đoàn sơn cước” với nhiệm vụ “chuyên đánh rừng núi, thọc sâu vào hậu phương, hoặc những đơn vị đi trước mở đường, hoặc những đơn vị thám báo, dẫn đường, bắt cóc, ám sát, phá hoại cầu cống, kho tàng của Việt Nam”.
Ngay từ những năm 70 thế kỷ trước, Trung Quốc đã đặc biệt quan tâm đến địa bàn Đà Nẵng, đã sử dụng lực lượng người Hoa như đạo quân thứ năm để đánh phá Việt Nam.
Ngày nay, các cơ sở làm ăn của người Hoa hiện diện nhan nhản trên mảnh đất này không chỉ vì mục đích kinh tế mà còn phục vụ những mưu đồ chiến lược lâu dài, nham hiểm khiến chúng ta không thể không cảnh giác.
Vấn đề là tại sao người Trung Quốc lại có thể chiếm lĩnh những khu đất vàng, có vị trí vô cùng nhạy cảm quanh các căn cứ quân sự tại nhiều địa phương?
Số lượng người Hoa hiện diện đông đảo tại các địa bàn chiến lược chỉ là ngẫu nhiên hay nằm trong chiến lược lâu dài mà Bắc Kinh đã hoạch định từ thế kỷ trước?
Để xảy ra hiện tượng này có nhiều nguyên nhân như chính sách thu hút đầu tư, sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại và một bộ phận người Việt mất cảnh giác, chưa đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân.
Bên cạnh những người “trái tim lầm lỡ để trên đầu” không thể không nhắc tới những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”, những kẻ đang tiếp tay cho ngoại bang mua đất, mở công ty, nhà hàng, khách sạn, đang tiếp tay cho ngoại bang phỉ báng lịch sử dân tộc, tuyên truyền cho chủ nghĩa bành trướng, xâm lược.
Hành động của họ không chỉ cướp đi bát cơm manh áo của người lao động Việt Nam trong lĩnh vực du lịch mà họ thực sự là kẻ thù của dân tộc, họ không phải là “đồng bào” của chúng ta, mà là kẻ thù của chúng ta.
Người viết hoan nghênh chủ trương của UBND TP Đà Nẵng về việc thí điểm lập Cảnh sát du lịch.
Tuy nhiên việc giáo dục ý thức dân tộc và nghiêm trị những người Việt tiếp tay cho người nước ngoài gây hại cho đất nước mới là cái gốc bởi không có sự tham gia của người dân, Cảnh sát du lịch không thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Những người Việt đứng tên mua đất, mở công ty cho người Trung Quốc trên các địa bàn chiến lược có phải chỉ thuần túy là hám lợi?
Có thể có một số người như vậy nhưng không thể không đặt câu hỏi bao nhiêu người đã bị Trung Quốc lợi dụng, mua chuộc, trở thành công cụ, thậm chí là gián điệp, hoạt động dưới sự chỉ đạo từ nước ngoài?
Những người này không chỉ cung cấp cơ sở cho người Trung Quốc sinh sống, kiếm tiền hợp pháp mà rất có thể còn được tuyển dụng vào “đạo quân thứ năm” khi có tình huống xảy ra.
Những người Việt đang tiếp tay cho người Hoa lũng đoạn nền kinh tế đất nước, phục vụ mưu đồ triển khai “quyền lực mềm” của người Trung Quốc cần phải bị nghiêm trị, không thể chỉ là giáo dục, thuyết phục.
Xét về góc độ kinh tế, du lịch là ngành công nghiệp không khói do vậy thu hút khách du lịch người nước ngoài là chiến lược phát triển quốc gia nào cũng hướng tới. Du lịch vừa thu hút ngoại tệ, vừa quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam.
Một đất nước với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên được thế giới công nhận như Vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng, rừng Quốc gia Cúc Phương…
Một dân tộc vượt qua nỗi đau chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới mục tiêu là bạn của tất cả các dân tộc khác.
Tuy nhiên, du khách Trung Quốc đến Việt Nam không hẳn là đã mang lại nhiều lợi nhuận cho nền kinh tế nước nhà.
Họ mua hàng tại các cửa hàng do người Hoa làm chủ, họ lưu trú tại các khách sạn do người Hoa xây dựng, họ tiêu Nhân dân tệ trong các cửa hàng đó, lợi nhuận được các ông chủ người Hoa chuyển về Trung Quốc.
Người Việt chỉ là người làm thuê trên chính quê hương mình.
Nguy cơ những địa điểm đông khách Trung Quốc vắng khách các nước khác đã được nhiều người kinh doanh du lịch lên tiếng, điều này chắc chắn gây nên những thiệt hại kinh tế chưa thể đo đếm được.
Xét về góc độ văn hóa, một bộ phận du khách Trung Quốc không mang đến Việt Nam nét văn minh phương Đông truyền thống, cách đối nhân xử thế mà Khổng Tử, Lão Tử và các bậc triết gia cổ đại Trung Quốc đề cao mà là phong cách ngông ngênh của nhà giàu mới nổi.
Tại Trung Quốc, một căn phòng trong ký túc xá dành cho nữ sinh viên được đặt cho cái tên “căn phòng bẩn nhất hệ mặt trời” hoặc “ký túc xá bẩn như bãi rác”.
Vậy nên việc du khách Trung Quốc sang Việt Nam vứt rác trong khách sạn, nói ầm ĩ trong phòng ăn không phải là chuyện quá lạ.
Người viết cho rằng Bộ Ngoại giao cần làm việc với phía Trung Quốc xử lý du khách đốt tiền Việt Nam tại Đà Nẵng bởi hình ảnh người này đã được ghi lại rõ ràng.
Có khách Trung Quốc còn giật micro của hướng dẫn viên để nói “Biển Đông là biển Nam Trung Hoa” hay “cố đô Huế giống kiến trúc Trung Quốc vì trước đây khu vực này là của Trung Hoa”.
Bằng các hành động thiếu văn hóa đó, bộ phận du khách Trung Quốc này tự đánh mất thiện cảm của mình chứ không phải người Việt không có thiện cảm với họ.
Xét về góc độ chính trị, các hướng dẫn viên người Trung Quốc thuyết minh với khách đi theo, rằng: “14 thế kỷ trước Việt Nam thuộc một bộ phận phía bắc Trung Quốc. Sau này Việt Nam đã độc lập rồi tự thành lập một quốc gia, nhưng nó vẫn là quốc gia phụ thuộc, phải triều cống cho Trung Quốc”.
Hay “cố đô Huế giống kiến trúc Trung Quốc vì trước đây khu vực này là của Trung Hoa” không còn là sự ngộ nhận, sự kém hiểu biết cả về văn hóa lẫn lịch sử của người hướng dẫn mà còn là sự xuyên tạc lịch sử, cổ súy cho tư tưởng Đại Hán, bành trướng, xâm lược.
Để chứng minh sự xuyên tạc lịch sử không chỉ của các hướng dẫn viên mà của cả những người đứng đầu Trung Nam Hải, thiết nghĩ cũng nên cung cấp cho bạn bè quốc tế, đặc biệt là người dân Trung Quốc biết rằng:
“Nguyễn An (chữ Hán: 阮安, 1381-1453), còn gọi là A Lưu (chữ Hán: 阿留, tên gọi ở Trung Hoa), kiến trúc sư thời xưa, người Việt.
Ông là tổng công trình sư và cùng với Sái Tín là kiến trúc sư trưởng của Tử Cấm Thành Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông cũng tham gia trị thủy hệ thống sông Hoàng Hà”.
Sách “Kinh thành ký thắng” của Dương Sĩ Kỳ viết: “Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng”.
Nguyễn An sinh năm Tân Dậu (1381), quê ở vùng Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), năm 1407, nhà Minh đánh bại nhà Hồ, chiếm được Việt Nam.
Tướng nhà Minh là Trương Phụ, ngoài việc bắt cha con Hồ Quý Ly còn bắt Nguyễn An, Phạm Hoằng, Vương Cấn… đưa về Trung Quốc.
Nguyễn An là tổng công trình sư thiết kế Tử Cấm Thành, vậy thì “cố đô Huế giống kiến trúc Trung Quốc” hay Tử cấm thành là kiến trúc do người Việt Nam mang sang Trung Hoa 600 năm trước?
Cũng xin nói thêm rằng những điều nêu trên đã được ghi trong Minh Sử (quyển 304), đã được các học giả Trung Quốc đương đại thừa nhận.
Một bàn tay không thể tạo nên tiếng vỗ, người Việt không thể tạo nên bầu không khí hữu nghị giữa hai dân tộc nếu người Trung Quốc vừa không muốn vừa cố tình xuyên tạc lịch sử.
Một số người Việt có thể vì một phút lầm lỡ mà tiếp tay cho người Hoa lũng đoạn hoạt động du lịch tại Việt Nam, có thể vì hám lợi mà bị mua chuộc, bị lợi dụng, thậm chí bị không chế trở thành công cụ phục vụ cho mưu đồ của họ. Điều này không chỉ diễn ra ở Đà Nẵng, Nha Trang hay một số nơi khác.
Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, nhưng sẽ không thừa nếu nhắc lại câu nói nổi tiếng của người chiến sĩ cộng sản Tiệp Khắc Jiliut Phuxich: “Hỡi nhân loại, ta yêu người, nhưng hãy cảnh giác”.