Thursday, December 26, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCần công khai quy chế Cảng quốc tế Cam Ranh

Cần công khai quy chế Cảng quốc tế Cam Ranh

Việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh một cách rõ ràng một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam.

 

Cảng quốc tế Cam Ranh có thể đón tàu đến 110.000 tấn

Chủ trương nhất quán

Thủ tướng Việt Nam vừa ký quyết định ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh, trong đó quy định rõ phạm vi giới hạn của Cảng quốc tế Cam Ranh; quản lý các hoạt động cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ; quản lý người và các phương tiện của Việt Nam, của nước ngoài vào, rời, hoạt động trong khu vực Cảng quốc tế Cam Ranh.

Trao đổi với Đất Việt, Tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu IV và Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam đều đánh giá cao việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh. Theo đó, với việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh một cách rõ ràng, công khai, Chính phủ càng khẳng định chủ trương nhất quán từ trước đến nay của Việt Nam về Cảng quốc tế Cam Ranh – đó là cơ sở dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tất cả các nước trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng chủ quyền và pháp luật của Việt Nam.

Tướng Nguyễn Quốc Thước lưu ý, cảng Cam Ranh rộng hàng chục km2, trong đó có cảng quốc tế và cảng quân sự. Cảng quốc tế Cam Ranh là cảng mở, cung cấp các dịch vụ hậu cần kỹ thuật, giao lưu, trong khi cảng quân sự không ai vào được.

“Quan điểm trước sau như một của Việt Nam là không cho nước ngoài thuê làm căn cứ quân sự hay căn cứ hậu cần kỹ thuật ở cảng Cam Ranh mà Việt Nam hoàn toàn làm chủ. Quốc gia nào có nhu cầu sử dụng các dịch vụ hậu cần kỹ thuật tại Cảng quốc tế Cam Ranh Việt Nam đều hoan nghênh, nhưng nếu có động cơ xấu thì Việt Nam kiên quyết phản đối”, ông nói.

Đề cập đến Quy chế quản lý hoạt động của Cảng quốc tế Cam Ranh, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam nhắc lại vai trò quan trọng của cảng Cam Ranh nói chung trong sách lược quân sự của Việt Nam.

Cụ thể, cảng Cam Ranh là cảng nước sâu, ít bị bồi lắng vì không có dòng sông lớn nào chảy gần đó. Diện tích của cảng rộng, điều kiện để phòng thủ và bố trí lực lượng rất dễ, cảng hội tụ đầy đủ điều kiện để xây dựng thành cảng quân sự cỡ lớn. Trước đây, người Pháp và Mỹ từng xây dựng Cam Ranh thành cảng quân sự lớn, đặc biệt sau khi Việt Nam thống nhất đất nước đã cho Liên Xô đồn trú ở đó gần 20 năm.

“Điều đó nói lên rằng rất nhiều nước lớn muốn được vào cảng Cam Ranh, đặc biệt những nước lớn quan tâm đến Biển Đông. Trước tình huống đó Việt Nam cho ai sử dụng? Chỉ có cách duy nhất là Việt Nam làm chủ và sử dụng, không cho ai thuê căn cứ Cam Ranh cả.

Đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đồng thời liên kết đa phương diện và đa quốc gia. Do đó, ta chủ trương cảng Cam Ranh vẫn là một cảng của Việt Nam, không ai được thuê nhưng không vì thế mà ta bó hẹp lại, thay vào đó chúng ta có phần mở ra.

Chẳng hạn, phần sân bay chúng ta đã mở ra cách đây vài chục năm. Sân bay đó hoàn toàn thuộc căn cứ Cam Ranh chứ không phải là sân bay dân sự, nhưng sau đó chúng ta mở ra để làm một sân bay quốc tế lớn phục vụ phát triển kinh tế.

Về phần nước, chúng ta giữ lại phần lớn cho lực lượng Hải quân nhưng cũng chủ trương mở một phần, đó chính là Cảng quốc tế Cam Ranh mà Chính phủ vừa ban hành Quy chế quản lý hoạt động. Phần cảng quốc tế này cung cấp các dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tàu nước ngoài. Khi đi vào Cam Ranh, các tàu này vẫn đi theo cửa Ba Ngòi nhưng không phải vào thẳng bên trong mà có một phần dành riêng cho tàu nước ngoài để họ có thể vào đó sử dụng các dịch vụ mà ta cung cấp. Việt Nam đã hoàn thành cầu cảng đủ cho những tàu cỡ lớn, kể cả tàu sân bay có thể vào được. Việt Nam sẵn sàng mời tàu dân sự, quân sự của các quốc gia, từ Đông Nam Á tới Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc… vào Cảng quốc tế Cam Ranh, tuy nhiên, tàu của các nước khi vào đây phải chấp hành đúng luật pháp của Việt Nam.

Chúng ta xây dựng ở Cam Ranh một nhà máy để sửa chữa máy móc, trang thiết bị cho các tàu bị hư hỏng nhưng hiện nay nhà máy này chưa xong, đồng thời phần cung cấp nước ngọt ở Cam Ranh cũng bị hạn chế. Hiện nước ngọt cung cấp cho Cam Ranh chủ yếu từ một hồ tự nhiên do núi lửa sụt xuống tạo thành, khối lượng nước khá lớn nhưng để cung cấp một cách vô hạn thì không được.

Việt Nam có thể cung cấp nước ngọt, dịch vụ hậu cần, giúp đỡ sửa chữa máy móc, trang thiết bị trên các tàu… Những dịch vụ đó rồi đây Việt Nam sẽ làm một cách công bằng, không phân biệt nước lớn nước nhỏ, từ đâu tới, chỉ cần các nước khi vào Cảng quốc tế Cam Ranh phải chấp hành luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm chỉ rõ.

Điều Việt Nam cần lưu ý

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm lưu ý, Việt Nam hoan nghênh tất cả tàu thuyền của các nước vào sử dụng dịch vụ tại Cảng quốc tế Cam Ranh miễn là tuân thủ luật pháp quốc tế và Việt Nam, chủ quyền của Việt Nam. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi trường hợp các tàu hải quân vào cảng Cam Ranh với mục đích xấu.

“Để quan sát toàn cảng Cam Ranh, các nước có thể dùng các phương tiện vệ tinh, trinh sát hàng không, máy bay dân sự đi ngang cũng có thể chụp ảnh… Ngoài ra, khi tàu của nước ngoài vào Cam Ranh có thể kết hợp hoạt động khác. Tuy nhiên, điều đó chúng ta đã biết rõ.

Nhưng Việt Nam cũng cần phải giáo dục cho người dân sống ở quanh đó ý thức bảo mật quốc gia, đặc biệt những người hoạt động trong khu vực cảng Cam Ranh phải có trách nhiệm giữ bí mật quốc gia.”, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm nhấn mạnh.

Nhìn lại hoạt động tấp nập của Cảng quốc tế Cam Ranh từ khi đi vào hoạt động (3/2016), nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam đánh giá, cái lợi lớn nhất của Việt Nam là đã chứng minh được đường lối ngoại giao rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa của chúng ta, thể hiện chủ trương của Đảng là hoàn toàn đúng đắn. Quan hệ giữa Việt Nam và các nước có tàu đến Cảng quốc tế Cam Ranh sử dụng dịch vụ và giao lưu được cải thiện, họ nhìn Việt Nam với con mắt tốt đẹp hơn, rộng mở hơn chứ không phải con mắt đề phòng như xưa. 

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm cũng lưu ý thêm, Trung Quốc đang hung hăng ngang ngược ở Biển Đông và họ đi từng bước từ nhỏ đến lớn, từ yếu đến mạnh. Chính vì thế, Việt Nam cần phải có biện pháp đối phó tăng dần.

RELATED ARTICLES

Tin mới