Friday, November 15, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiTuyên chiến trong thương mại của Trump và Clinton với Trung Quốc

Tuyên chiến trong thương mại của Trump và Clinton với Trung Quốc

Hillary Clinton và Donald Trump đều đưa ra những thông điệp về chính sách thương mại cứng rắn với Trung Quốc nếu họ trở thành tổng thống.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Đối với châu Á, việc ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đưa ra bản kế hoạch 7 điểm, đề xuất những quan điểm cứng rắn về thương mại của Mỹ trong thời gian tới, đặc biệt với Trung Quốc, chưa phải là thông tin quá xấu. Theo New York Times, điều đáng lo lắng hơn với Trung Quốc là đội ngũ của bà Hillary Clinton khẳng định rằng cựu ngoại trưởng cũng ủng hộ một kế hoạch hành động tương tự trong vấn đề này.

Chủ nghĩa dân túy trong chính sách kinh tế và cả những vấn đề địa chính trị đã phủ bóng lên các kế hoạch về thương mại của hai ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Để thu hút cử tri, cả ông Trump và bà Clinton đều cam kết sẽ hành động nhiều hơn để bảo vệ việc làm cho người Mỹ, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại. Và Trung Quốc, với kim ngạch thương mại khổng lồ, cùng ảnh hưởng ngày một lớn trên trường quốc tế đi đôi với một chính quyền ngày càng hành động quyết liệt, là mục tiêu cho các ứng viên nhắm tới.

Mùa bầu cử nào cũng vậy, các ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng đều hứa hẹn sẽ nỗ lực nhiều hơn nhằm giúp đỡ người lao động Mỹ đang bị cạnh tranh từ nước ngoài. Dù vậy, sau khi nhậm chức, họ lại luôn theo đuổi những chính sách thương mại mang tính hòa hoãn hơn với Trung Quốc, khi xét tới những lợi ích chiến lược từ mối quan hệ nồng ấm hơn với Bắc Kinh.

Tuy nhiên, khi việc làm có thu nhập tốt bị mất đi do sự cạnh tranh toàn cầu đã trở thành điểm nóng về chính trị, cộng với quan ngại ngày một lớn trước thái độ quyết liệt hơn về mặt quân sự của Trung Quốc, có thể tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ phải thực thi những gì mình cam kết. Nếu điều này xảy ra, các chính sách sẽ thực sự gây khó cho Trung Quốc cũng như các quốc gia châu Á khác lệ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Hàng triệu nhân công Trung Quốc và khắp khu vực phụ thuộc vào thiện chí lâu dài từ Mỹ trong việc nhập khẩu hầu như mọi loại hàng hóa, từ quần áo cho tới điện thoại thông minh.

Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng tại Trung Quốc và việc phát triển một thị trường tiêu dùng mạnh dường như đã giúp giảm sự lệ thuộc của nền kinh tế nước này vào hoạt động xuất khẩu sang Mỹ. Dù vậy, kinh tế Trung Quốc gần đây tăng trưởng chậm lại, khiến mọi doanh nghiệp nước này bị ảnh hưởng, từ các nhà xuất khẩu nhỏ tới các tập đoàn sản xuất thép lớn.

Tăng trưởng yếu đi cũng khiến Trung Quốc càng phải chú trọng hơn vào việc duy trì thặng dư thương mại lớn với Mỹ, bằng cách bán được nhiều sản phẩm hơn cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ trong khi nhập khẩu ít hơn. Suốt nhiều năm, Trung Quốc luôn xuất khẩu cao gấp 4 lần lượng hàng hóa nước này nhập từ Mỹ, và điều này vẫn đang tiếp diễn.

“Nếu các chính sách thương mại của Mỹ trở nên cứng rắn hơn, xuất khẩu của Trung Quốc sẽ chịu tác động xấu”, kinh tế gia Shen Jianguang, tại công ty Mizuho Securities Asia, nhận định.

Hiện cả hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump đều đang nhắm trực tiếp vào cán cân thương mại giữa hai nước.

Họ muốn khắc họa Trung Quốc như một kẻ thao túng tiền tệ, định giá thấp đồng nhân dân tệ để hỗ trợ các nhà xuất khẩu nước mình giành ưu thế ở thị trường nước ngoài. Các ứng viên cũng muốn mở ra nhiều vụ kiện về thương mại chống lại Trung Quốc và áp đặt thêm các hàng rào thuế quan. Họ muốn điều tra xem Bắc Kinh đang trợ giá cho các doanh nghiệp ra sao và thậm chí xem xét lại cả những thỏa thuận thương mại lớn.

Tương lai TPP

Ông Trump muốn xóa bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận tự do thương mại giữa Mỹ và một nhóm các quốc gia, chủ yếu tại châu Á. Chiến dịch tranh cử của bà Clinton thì có lập trường khác đi chút ít, khi nói rằng bà phản đối phương thức hiện tại của bản thỏa thuận.

Ngoài một số ngoại lệ, giới chức Trung Quốc đã cố gắng tránh xa việc bình luận về các ứng viên Mỹ. Ngay cả các học giả Trung Quốc cũng ngần ngại khi làm việc này, để tránh bị xem là vi phạm chính sách không can thiệp công khai vào công việc chính trị của các nước khác. Bởi vậy, nếu các chuyên gia nước này có nói gì, thì đó cũng chỉ là hy vọng những bàn thảo về việc Mỹ cứng rắn hơn trong chính sách thương mại sẽ không báo hiệu cho những thay đổi chính sách thực sự trong tương lai.

“Không có khác biệt lớn nào so với các chiến dịch tranh cử tổng thống trước, chỉ có thêm những nhấn mạnh, do tình hình thương mại thế giới kém khả quan”, và triển vọng kinh tế toàn cầu u ám, He Weiwen, đồng giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc – Mỹ  – EU, tại Hiệp hội Thương mại Quốc tế Trung Quốc có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận định.

Sự bất an với Trung Quốc và phần lớn châu Á là liệu các ứng viên có tiếp tục điệp khúc về thương mại đó một khi đắc cử. Lối tiếp cận mang tính đối đầu của ông Trump dường như cho thấy ông sẽ làm như những gì đã tuyên bố. Bà Clinton thì ít có khả năng sẽ thay đổi chính sách thương mại, khi bà tuyên bố ủng hộ các nỗ lực tự do thương mại của Tổng thống Obama trong nhiệm kỳ đầu, thời điểm bà còn là ngoại trưởng.

Các cựu tổng thống Bill Clinton và George W. Bush, cùng Tổng thống Obama ít nhất ban đầu đều cố gắng giúp Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào nền kinh tế thế giới. Họ từng hy vọng rằng sự tham gia lớn hơn vào hoạt động thương mại cùng các mối quan hệ tài chính sẽ khiến Trung Quốc có quan hệ ngoại giao chặt chẽ hơn với phương Tây.

Chiến lược này đã phát huy hiệu quả trong một thời gian. Nhưng trong vòng ba năm trở lại đây, Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã dịch chuyển theo hướng ngược lại.

Nước này đã tăng cường củng cố năng lực quân sự về mọi mặt, xây dựng các đảo nhân tạo cùng các đường băng có thể dùng cho mục đích quân sự trên Biển Đông. Bắc Kinh cũng có tranh chấp với Tokyo ở biển Hoa Đông. Cùng lúc đó, sự kết hợp giữa hoạt động kiểm duyệt nghiêm ngặt và hoạt động tuyên truyền toàn diện, đã thổi bùng tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, vốn đã mạnh mẽ ở nước này.

Các vấn đề địa chính trị này đã khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ đứng trước hai lựa chọn, mà cả hai đều không dễ dàng. Nếu tăng cường thương mại với Trung Quốc và đẩy mạnh đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia phương Tây vào nước này, kinh tế Trung Quốc sẽ mạnh lên. Điều này có thể khiến Bắc Kinh càng thêm tham vọng trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ và chính sách quân sự.

Trái lại, nếu không khuyến khích thương mại và đầu tư vào Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự chậm lại, nhưng đồng thời cũng có thể làm gia tăng tâm lý chống phương Tây, và tiếp sức cho những kêu gọi trong dư luận Trung Quốc về một chính sách đối ngoại quyết liệt hơn.

Nếu ý tưởng của các ứng viên thực sự trở thành chính sách sau này, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ trả đũa. Hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, dù ít hơn nhiều so với lượng hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ, có khả năng trở thành mục tiêu.

Nạn nhân trực tiếp và rõ nhất của những chính sách thương mại cứng rắn hơn có thể là những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama trong việc củng cố quan hệ với các quốc gia như Nhật Bản và Singapore. Trọng tâm kinh tế của chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama là TPP. 

Ông Trump hôm 28/6 chỉ trích TPP, cho rằng nó khiến công nhân Mỹ phải cạnh tranh với lao động giá rẻ ở nước khác. Bà Clinton, sau khi ủng hộ các vòng đàm phán đầu tiên, giờ quay sang phản đối thỏa thuận này khi cho rằng nó chưa đi đủ xa để giải quyết các vấn đề như thao túng tiền tệ.

Thế nhưng, việc hủy bỏ TPP sẽ còn tạo ra những vấn đề nghiêm trọng hơn, khi đẩy các đồng minh của Mỹ trong khu vực vào vòng tay Trung Quốc, trong khi cản trở các công ty Mỹ phát triển tại các thị trường mới nổi ở châu Á.

“Nếu người Mỹ giết chết TPP, thì Trung Quốc sẽ trở thành trung tâm thu hút kinh tế”, ông Kishore Mahbubani, lãnh đạo trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore cảnh báo.

RELATED ARTICLES

Tin mới