Friday, November 15, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCampuchia chỉ cần tiền của Trung Quốc?

Campuchia chỉ cần tiền của Trung Quốc?

Campuchia ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, có thể dẫn đến việc Campuchia bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi.

Sĩ quan Trung Quốc gắn quân hàm cho học viên quân sự Campuchia tốt nghiệp, ảnh: Ibtimes.

Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Veasna Var đang theo đuổi chương trình nghiên cứu chính trị quốc tế tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc, ngày 29/6 có bài phân tích về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Campuchia trên Khmer Times.

Theo ông, Campuchia chịu ảnh hưởng về kinh tế, chính trị và trở thành đồng minh ngoại giao của Trung Quốc là điều không thể phủ nhận.

Quan hệ bạn bè xây dựng trên tiền bạc

Trung Quốc và Campuchia ký thỏa thuận quan hệ đối tác toàn diện vào tháng 4/2006. Năm 2010, hai nước nâng cấp quan hệ thành đối tác chiến lược toàn diện, đánh dấu sự hợp tác sâu sắc trên tất cả các mặt giữa hai nước.

Thủ tướng Hun Sen gần đây gọi Trung Quốc là “bạn bè đáng tin cậy nhất” của Campuchia. Đầu tháng 6 Vua Norodom Sihamoni thăm chính thức Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nói Campuchia là láng giềng tốt, anh em chân tình, bạn bè thân thiết.

Veasna Var nhấn mạnh, Trung Quốc là nước cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất của Campuchia, đồng thời cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Kể từ năm 1992 Trung Quốc đã giải ngân nguồn vốn hỗ trợ phát triển cho Campuchia 200 triệu USD mỗi năm, và đã cung cấp khoảng 3 tỉ USD vốn vay ưu đãi cho Campuchia.

Từ năm 1994 đến 2013, đầu tư từ Trung Quốc vào Campuchia đạt khoảng 10 tỉ USD, tập trung chủ yếu vào nông nghiệp, khai thác khoảng sản, xây đựng cơ sở hạ tầng, xây đập thủy điện và sản xuất may mặc.

Ngoài viện trợ phát triển, Trung Quốc cũng cung cấp đáng kể viện trợ quân sự cho quân đội hoàng gia Campuchia. Trong những năm gần đây Trung Quốc vừa viện trợ vừa cho Campuchia vay tiền để mua trang thiết bị vũ khí cho quân đội, từ xe tải đến máy bay trực thăng, máy bay huấn luyện, quân phục, xây dựng các bệnh viện quân y.

Về mặt tổng thể, sự tham gia của Trung Quốc đã tạo ra những lợi ích đáng kể cho Campuchia từ đường xá, cầu cống, thủy điện cho đến việc tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân nước này. 

Trung Quốc đã xây dựng khoảng 10 cây cầu và hơn 2000 km đường giao thông cho Campuchia, mở ra hơn 3000 công ty dệt may tạo công ăn việc làm cho nửa triệu người lao động, chiếm 80% sản phẩm xuất khẩu và đóng góp 2% GDP cho Campuchia mỗi năm từ 1995.

Mặt trái của củ cà rốt Trung Quốc

Lợi ích Trung Quốc mang đến cho Campuchia là không có gì bàn cãi, Vaesna Var lưu ý. Tuy nhiên chính sách viện trợ và đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia làm cho tình trạng tham nhũng trở nên tồi tệ hơn và không được người dân Campuchia đánh giá cao, nhà nghiên cứu này cho hay.

Sở dĩ như vậy là vì lợi ích Trung Quốc mang đến cho Campuchia chủ yếu tập trung vào các cơ quan chính phủ, các đảng phái chính trị và giới tinh hoa, giàu có của đất nước Chùa Tháp. Người dân bình thường và tầng lớp trung lưu ít được hưởng lợi ích từ nguồn vốn đầu tư và viện trợ của Trung Quốc.

Một số nhà quan sát lo ngại về các tác động môi trường và sự thiếu minh bạch trong một số dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà Trung Quốc hậu thuẫn, bao gồm các đập thủy điện và dự án phát triển kinh tế.

Ví dụ dự án phát triển dịch vụ hồ Boeung Kak ở trung tâm Phnom Penh đã dẫn đến việc “cưỡng chế di dời bất hợp pháp” khoảng 4000 gia đình để giải phóng mặt bằng, hay tình trạng cờ bạc phát triển ở Công viên Quốc gia Botum Sakok.

Đổi lại các lợi ích kinh tế từ viện trợ và đầu tư của Trung Quốc, chính sách đối ngoại hiện nay của Campuchia được nhìn thấy là để phục vụ một phần lợi ích chính trị và ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực cũng như trên thế giới.

Điều này thể hiện rõ qua việc Campuchia phản đối gay gắt các tuyên bố chung của ASEAN lên án Trung Quốc xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo trong khu vực tranh chấp ở BIển Đông. Ngoài ra, Thủ tướng Hun Sen công khai tuyên bố tẩy chay phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc.

Gần đây Campuchia từ chối kêu gọi mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế bao gồm Mỹ, EU, Liên Hợp Quốc về các vấn đề trong nước đang xấu đi. Điều này cho thấy Campuchia ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, có thể dẫn đến việc Campuchia bị cộng đồng quốc tế bỏ rơi, nhà nghiên cứu này nhận định.

Veasna Var khuyến cáo, để đạt được mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của mình, Campuchia nên tìm kiếm chính sách đối ngoại đa phương, đa dạng, tăng cường hợp tác với tất cả các nước, tìm thấy giá trị trong việc tham gia các tổ chức khu vực. Lợi ích lâu dài của Campuchia nằm ở khu vực ASEAN và đảm bảo hài hòa các mối quan hệ.

Phnom Penh không cần viện trợ từ Mỹ, Nhật, EU?

Ngày 30/6 The Phnom Penh Post cho biết, ông Hun Sen chỉ trích Đại sứ Nhật Bản tại Campuchia Yuji Kumamaru rằng, ông không nên lấy đe dọa rút viện trợ của Nhật Bản để làm phép thử, gây ảnh hưởng đến quá trình tư pháp đối với các thành viên phe đối lập và xã hội dân sự Campuchia.

“Tôi đã nói với ngài trước đây, Hun Sen không phải người dễ dàng bị áp lực. Do đó ngài Đại sứ Nhật Bản, xin vui lòng không bày tỏ lo ngại về việc đăng ký cử tri thất bại của chỉ một vài người.

Xin vui lòng đừng nói nhiều nếu ngài muốn hỗ trợ Campuchia. Campuchia dám chơi và không sợ bị mất”.

Ông Hun Sen nhấn mạnh, nếu các nước tài trợ hủy bỏ hỗ trợ tài chính của họ cho Campuchia, ông sẽ “giải ngân nguồn vốn từ ngân sách quốc gia” để bù vào các khoản thâm hụt.

Trước đó ngày 10/6 đài RFA cho hay, Chính phủ Campuchia bác bỏ đe dọa của Nghị viện Châu Âu về việc cơ quan này có thể rút lại khoản viện trợ hàng triệu euro tài trợ cho Campuchia vì việc bắt giữ một số nghị sĩ phe đối lập. 

Ngày 7/6 trước việc Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ thông qua dự thảo ngân sách, cảnh báo cắt viện trợ cho Campuchia vì việc sử dụng bạo lực và quấy rối phe đối lập, xã hội dân sự, người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan đã lên tiếng bác bỏ.

Theo ông, Chính phủ Campuchia nhận thấy: “Viện trợ của Mỹ không có hiệu quả, nó không ảnh hưởng đến bất cứ điều gì”. Bởi theo lập luận của Chính phủ Campuchia, viện trợ của Mỹ chủ yếu cung cấp tiền cho các tổ chức phi chính phủ thực hiện các dự án của họ.

Cá nhân người viết cho rằng, những đánh giá của nghiên cứu sinh Veasna Var và phản ứng của Thủ tướng Hun Sen với áp lực từ Mỹ, Nhật Bản, EU cho thấy, dường như Trung Quốc là lựa chọn số một trong chính sách đối ngoại của quốc gia này. Nói cách khác, các nhà lãnh đạo Campuchia đang “bỏ tất cả trứng vào giỏ Trung Quốc”.

RELATED ARTICLES

Tin mới