Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngTàu cá của Trung Quốc có vai trò gì trong hoạt động...

Tàu cá của Trung Quốc có vai trò gì trong hoạt động khẳng định “chủ quyền” ở Biển Đông

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện kế hoạch phát triển lực lượng tàu cá hùng hậu cả về số lượng lẫn tải trọng để có thể đánh bắt xa bờ, và tìm cách khẳng định “chủ quyền” của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp. Chính giới, chuyên gia và học giả nhiều nước đã lên tiếng cảnh báo về âm mưu này của Trung Quốc.

Tàu cá Trung Quốc ồ ạt lao ra Biển Đông

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Chuẩn Đô đốc Indonesia A.Taufiq R (21/6) cảnh báo việc tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng lãnh hải của Indonesia chỉ là cái cớ để tiến tới tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Đông Nam Á Abraham Denmark cho rằng, bằng cách sử dụng các lực lượng có vỏ bọc là ngư dân, Trung Quốc đã tránh được việc đối đầu trực tiếp với quân đội các nước. Thậm chí, đây là chiêu bài để Trung Quốc có thể lợi dụng để bác bỏ các cáo buộc và ngụy biện rằng, đó là các hành động của “ngư dân yêu nước”. Song, đây thực chất là kế sách mới nhằm kiểm soát trái phép đối với các thực thể ở Biển Đông. Trong một động thái tương tự, hãng tin AFP (22/6) dẫn nguồn tin của một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang lợi dụng các tàu cá cùng đoàn hộ tống có vũ trang (lực lượng quân sự và bán quân sự) để đẩy mạnh những tuyên bố “chủ quyền” ở các vùng tranh chấp, gây “bất ổn tiềm tàng” trong khu vực. GS Andrew Erickson, Đại học Hải chiến Mỹ cho biết, Trung Quốc đang cố gắng sử dụng các ngư dân được chính phủ hậu thuẫn như một thành tố để hỗ trợ yêu sách Biển Đông. Trước đó, chuyên gia Zhang Hongzhu thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học kỹ thuật Nanyang của Singapore nhận định, “Chính quyền Trung Quốc xem ngư dân và hạm đội tàu cá là công cụ quan trọng nhằm bành trướng sự hiện diện của Trung Quốc cũng như yêu sách chủ quyền của nước này ở các vùng biển tranh chấp. Ngư dân ngày càng đươc đẩy lên tuyến đầu trong tranh chấp ở Biển Đông và các xung đột trong đánh bắt cá có thể châm ngòi cho những căng thẳng ngoại giao và an ninh giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực”. Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện có khoảng 21 triệu ngư dân và 439.000 tàu cá, trong đó tỉnh Hải Nam có khoảng 3,4 triệu ngư dân và khoảng 9.000 tàu cá.

Trung Quốc sử dụng các tàu cá để tìm cách khẳng định “chủ quyền” tại những vùng biển tranh chấp là một âm mưu thấp hèn và không có cơ sở luật pháp. Hành động này của Trung Quốc không thể tạo ra cái gọi là chủ quyền ở Biển Đông mà chỉ khiến cộng đồng quốc tế hiểu rõ ý đồ “độc chiếm Biển Đông” và coi thường luật pháp quốc tế. Trung Quốc âm mưu thông qua các hoạt động đánh bắt cá phi pháp để ngụy tạo rằng các vùng biển mà ngư dân Trung Quốc đang khai thác hải sản nằm trong vùng biển thuộc “chủ quyền” của Trung Quốc và đây là “ngư trường truyền thống, vùng nước lịch sử” của Trung Quốc. Trên thực tế, những hoạt động phi pháp của tàu cá Trung Quốc sẽ không thể chứng minh “chủ quyền” của Trung Quốc ởBiển Đông – một thứ chủ quyền phi lý mà Trung Quốc vẫn cứ rêu rao, vì:

Thứ nhất, tàu cá Trung Quốc thường xuyên xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước, tiến hành đánh bắt cá phi pháp trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các nước, các vùng biển có tranh chấp chủ quyền hoặc những vùng biển mà Bắc Kinh ngang nhiên sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp của một số nước, trong đó có có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), EEZ là vùng biển mở rộng 200 hải lí (tương đương 370km) tính từ bờ biển của một quốc gia. Trong khu vực này, quốc gia đó có đặc quyền khai thác và sử dụng toàn bộ tài nguyên biển. Cụ thể, Điều 56 của UNCLOS 1982 quy định các quốc gia ven biển có đặc quyền liên quan đến khai thác các loại tài nguyên sinh vật hoặc phi sinh vật; Điều 62 của UNCLOS 1982 quy định công dân của các quốc gia khác khi tiến hành đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác phải tuân theo các biện pháp bảo tồn và các thể thức, các điều kiện khác được đề ra trong các luật và quy định của nước ven biển. Vì vậy, việc các tàu cá Trung Quốc cố tình xâm nhập, đánh bắt trộm thủy hải sản của Việt Nam cũng như của các nước trong khu vực là vi phạm luật pháp quốc tế và những nước này hoàn toàn có thể kiện các tàu cá của Trung Quốc ra Tòa án quốc tế.

Thứ hai, các nước trong khu vực liên tục đưa ra các tuyên bố phản đối hoạt động đánh bắt cá phi pháp của tàu cá Trung Quốc và triển khai nhiều biện pháp trấn áp hoạt động này. Indonesia đã áp dụng các biện pháp cứng rắn, tiến hành bắt giữ và xử lý tàu cá phi pháp của Trung Quốc. Bộ trưởng Hàng hải và nghề cá Indonesia Susi Pudjiastuti (21/6) cho biết, hành động đánh cá phi pháp là một sự vi phạm quy định nghiêm trọng, Indonesia sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật và khẳng định không thừa nhận các tuyên bố của bất kỳ ai (ám chỉ Trung Quốc) nói rằng có một vùng đánh bắt truyền thống trong Vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, ngoại trừ vùng lãnh thổ mà Indonesia ký thỏa thuận với Malaysia. Trong động thái nhằm gửi thông điệp phản đối mạnh mẽ đến Trung Quốc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo (23/6) đã tới kiểm tra tàu cá Trung Quốc bị hải quân Indonesia (17/6) bắt giữ ở quần đảo Natuna do đánh bắt cá trái phép trong vùng biển của Indonesia. Trước đó, ông Joko Widodo cũng cho biết Indonesia mất 20 tỷ USD doanh thu hàng năm do hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp của Trung Quốc. Indonesia đã tăng cường bảo vệ các vùng biển, mở rộng sự hiện diện hàng hải của nước này thông qua các cuộc tuần tra mạnh mẽ hơn, bắt giữ và đánh chìm tàu thuyền nước ngoài, trong đó có tàu của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm lãnh hãi của Indonesia. Hàn Quốc và Bộ chỉ huy Liên hợp quốc – UNC (10/6) tuyên bố bắt đầu phối hợp điều tàu quân sự trấn áp các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại vùng đệm quân sự, quanh cửa sông giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Yonhap dẫn lời một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul mới đây đã thành lập 24 đội quân cảnh, được trang bị 4 xuồng cao tốc, nhằm đối phó với số lượng tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép ngày càng tăng tại vùng đệm này. Các đội tàu tuần tra Hàn Quốc được phép sử dụng vũ lực chống trả các tàu cá Trung Quốc trong trường hợp các tàu này không tuân thủ mệnh lệnh cảnh báo của Hàn Quốc. Trong trường hợp xảy ra giao tranh giữa các tàu cá nước ngoài với đội tàu Triều Tiên, Hàn Quốc cũng sẽ triển khai tàu chiến và trực thăng tới hỗ trợ. Một số nước như Malaysia, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản… cũng thực hiện nhiều biện pháp đối phó với các tàu cá phi pháp của Trung Quốc.

Thứ ba, tàu cá Trung Quốc còn tiến hành đánh bắt các loài sinh vật trong sách đỏ như rùa biển, san hô; phá hủy môi trường sinh thái và sử dụng lưới vét tận diệt các thủy hải sản ở Biển Đông. UNCLOS mà Trung Quốc đã phê chuẩn nêu rõ các nước thành viên phải có nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển. Thông qua việc phá hủy các rạn san hô, Trung Quốc đang gây nguy hại cho toàn bộ hệ sinh thái biển. Ngư dân Trung Quốc không chỉ phá hoại an ninh lương thực của chính họ mà còn cả khu vực Đông Nam Á. Hành động trên của ngư dân Trung Quốc đã vi phạm hàng loạt các Hiệp định, Điều ước, Công ước quốc tế như UNCLOS, Công ước về buôn bán quốc tế về các giống loài động, thực vật có nguy cơ bị đe dọa (1973), Công ước của Liên hợp quốc về sự biến đổi môi trường (26/8/1980), Công ước về Ða dạng sinh học 1992 (16/11/1994), Công ước về đánh bắt cá và Bảo tồn tài nguyên sinh vật của High Seas, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) …

Thứ tư, Trung Quốc luôn tìm cách bao biện cho hoạt động phi pháp của các tàu cá khi cho rằng tàu cá của nước này “hoạt động bình thường” trong “ngư trường truyền thống Trung Quốc”, nằm trong phạm vi “đường 9 đoạn”, ngư dân Trung Quốc được hưởng “quyền đánh bắt theo lịch sử”… Tuy nhiên, bản thân Trung Quốc làm gì có “chủ quyền” theo yêu sách “đường 9 đoạn”. Hơn nữa, chưa có tiền lệ nào trong luật quốc tế về “quyền lịch sử” theo kiểu mà Trung Quốc tuyên bố.

Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục có các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ ngư dân đánh bắt cá phi pháp trong các vùng biển tranh chấp. Điều này sẽ càng khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, dễ mất kiểm soát.

Một là, các nước tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện để hiện đại hóa lực lượng chấp pháp đối phó với tàu cá phi pháp Trung Quốc, dẫn đến tình trạng chạy đua mua sắm các tàu bán quân sự trong khu vực.

Hai là, gia tăng khả năng xảy ra xung đột giữa tàu chấp pháp của Trung Quốc với tàu các nước. Trung Quốc liên tục cử các tàu ngư chính, Hải giám đi theo bảo vệ tàu cá hoạt động trong các vùng biển tranh chấp và đã xảy ra một số vụ việc khi tàu chấp pháp Trung Quốc tìm cách “hỗ trợ” tàu cá thoát khỏi sự truy đuổi, bắt giữ của các nước. Vụ việc thứ nhất xảy ra vào ngày 19/3/2016, Trung Quốc cho tàu Hải cảnh ngăn cản lực lượng tuần tra Indonesia lai dắt tàu cá 200 tấn Kway Fey 10078 của Trung Quốc vào nội thủy của Indonesia và ép tàu tuần tra của Indonesia thả tàu cá này. Vụ việc thứ hai xảy ra trong Vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ngoài khơi bãi cạn Nam Luconia. Chỉ trong 03 ngày từ 24 – 27/3/2016, khoảng 100 tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển gần bãi cạn Nam Luconia, sau đó được tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống rút ra hết.

Ba là, ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, bao gồm cả Trung Quốc đều cho rằng cần phải giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận liên quan. Tuy nhiên, việc tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong EEZ của các nước là đi ngược lại tinh thần trên, làm gia tăng mâu thuẫn, bất đồng giữa các nước, góp phần tạo ra các tranh chấp mới, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực.

Bốn là, việc tận diệt các loại thủy hải sản và phá hủy môi trường sinh thái ở Biển Đông gây ra thảm họa môi trường trong khu vực, đe dọa sinh kế của hàng triệu ngư dân các nước ven biển. Với sản lượng đánh bắt cá ngày càng giảm, chi phí cho mỗi lần ra khơi cao hơn nhiều so với số tiền bán cá thu được, ngư dân các nước sẽ phải bỏ nghề, khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh lương thực và ổn định xã hội của các nước liên quan.

Năm là, các tàu cá phi pháp của Trung Quốc thường có thái độ hung hăng, sẵn sàng chống trả lực lượng chấp pháp của các nước, gây đe dọa nghiệm trọng về tính mạng của nhân viên chấp pháp cũng như tài sản (tàu, thuyền) của các nước.

Nhìn chung, việc Trung Quốc sử dụng và hỗ trợ tàu cá đánh bắt phi pháp trong các vùng biển tranh chấp không ngoài mục đích “độc chiếm Biển Đông”. Tuy nhiên, hành động này là phi pháp và trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng không tạo ra “chủ quyền” cho Trung Quốc. Trung Quốc cần chấm dứt ngay những hành động trên. Các nước trong khu vực Biển Đông cần tăng cường phối hợp, nghiên cứu đưa ra các cơ chế tuần tra, giám sát chung để bắt giữ, xử lý tàu cá Trung Quốc hoạt động phi pháp.

RELATED ARTICLES

Tin mới