Friday, January 24, 2025
Trang chủGóc nhìn mớiCampuchia tự tin nhờ TQ?

Campuchia tự tin nhờ TQ?

Thủ tướng Campuchia lưu ý rằng Trung Quốc cũng giúp đỡ cho Campuchia rất nhiều nhưng không hề đặt ra những điều kiện như thế.

Phương Tây ra điều kiện

Ủy ban về ngân sách thuộc Thượng viện Mỹ vừa thông qua một dự luật chi tiêu, trong đó có phần nêu rõ Mỹ chỉ tiếp tục viện trợ cho Campuchia trong năm 2017 với những điều kiện nhất định.

Dự luật trị giá 52 tỷ USD cho các hoạt động trong và ngoài nước trong tài khóa 2017, trong đó có 77,8 triệu USD dành cho Campuchia.

Theo một báo cáo kèm theo dự luật, phần lớn ngân sách dành cho Campuchia (69,9 triệu USD) là cho các chương trình y tế và trợ giúp phát triển giáo dục. Phần còn lại dành cho đào tạo quân sự và tháo gỡ mìn, chống khủng bố và các chương trình liên quan.

Riêng 1,5 triệu USD được dành cho phiên tòa xét xử các thủ lĩnh Khmer Đỏ (ECCC) do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ nhưng với một số điều kiện “nếu Bộ Ngoại giao làm rõ và báo cáo được với ủy ban rằng các trường hợp thứ 3 sẽ được xem xét”.

Báo cáo trên nhấn mạnh việc Mỹ sẽ thắt chặt sự trợ giúp cho phiên tòa bởi trường hợp thứ 3 chống lại Tư lệnh hải quân Khmer Đỏ, ông Meas Muth, người thực hiện vụ bắt giữ tàu S.S. Mayaguez dẫn tới cái chết của 41 lính hải quân Mỹ năm 1975.

Dự luật lưu ý rằng nếu việc điều tra hiện đang tiến hành đối với ông này bị cản trở, ngân khoản của Mỹ dành cho ECCC sẽ bị đóng lại.

Ngoài ra, Ủy ban này cũng đã chỉ rõ Bộ Ngoại giao Mỹ cần nhấn mạnh với Chính phủ Campuchia tiếp tục điều tra để có kết luận đáng tin cậy về vụ ném lựu đạn vào cuộc biểu tình của đảng đối lập tại Phnom Penh năm 1997 làm 16 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương, trong đó có một công dân Mỹ.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cũng đã cùng các cơ quan chức năng Campuchia điều tra vụ này nhưng chưa chỉ ra đích danh thủ phạm.

Campuchia tu tin nho Trung Quoc?
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) đón Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại California hồi tháng 2/2016 nhân Hội nghị cấp cao ASEAN-Mỹ

Điểm nhấn dễ nhận thấy của dự luật vừa được thông qua tại Ủy ban của Hạ viện Mỹ là luôn nhấn mạnh tới các điều kiện đi kèm để được “giải ngân”.

Nghị viện châu Âu hồi tháng trước cũng đã thông qua hai nghị quyết thúc giục Ủy ban châu Âu (EC) cắt khoản viện trợ đến năm 2020 cho Campuchia trị giá 465 triệu USD với lý do về “nhân quyền”.

Tự tin nhờ Trung Quốc?

Tuy nhiên, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho rằng việc cắt các khoản viện trợ sẽ khiến những nhóm phi chính phủ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.

Thủ tướng Campuchia lưu ý rằng Trung Quốc cũng giúp đỡ cho Campuchia rất nhiều nhưng không hề đặt ra những điều kiện như thế.

Phát biểu trước 4.000 sinh viên dự lễ tốt nghiệp tại đảo Koh Pech ở Phnom Penh, với sự có mặt của Đại sứ Trung Quốc, ông Hun Sen nói:“Đừng có dọa Campuchia bằng việc cắt viện trợ. Tôi không bao giờ phải lo ngại với Trung Quốc, và Trung Quốc không bao giờ buộc Campuchia phải làm thế này, thế kia. Tôi chỉ muốn nói rằng các nhà tài trợ không nên tiếp tục đe dọa Campuchia”.

Ông Hun Sen nói thêm: “Các ông đe dọa cắt viện trợ; hãy cứ cắt đi và người bị ảnh hưởng trước hết là các tổ chức phi chính phủ”.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong một cuộc gặp Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh

Tuy nhiên, dư luận cho rằng phát biểu của ông Hun Sen là phiến diện vì số liệu chính thức cho thấy hầu hết các khoản viện trợ của nước ngoài đều dành cho Chính phủ Campuchia.

Số liệu chính thức từ Hội đồng phát triển Campuchia (CDC) cho thấy số tiền viện trợ nước ngoài dành cho các NGO ở Campuchia thực sự khá lớn nhưng số tiền dành cho các dự án của Chính phủ Hoàng gia hoàn toàn không nhỏ.

Theo các số liệu trên, Campuchia nhận được 2,03 tỉ USD từ các nhà tài trợ quốc tế trong các năm từ 2013 đến 2015, trong đó có 639 triệu USD dành cho các dự án từ cầu đường, xây dựng đường sắt, ứng phó với thiên tai, lũ lụt và trợ cứu trợ lương thực khẩn cấp.

Số liệu cho thấy các khoản cho vay đã lên đến 3,8 tỉ USD, trong đó có hơn 1 tỉ các khoản vay từ Trung Quốc, nơi mà ông Hun Sen nhấn mạnh là không đặt bất kỳ điều kiện gì để đổi lấy sự ủng hộ.

Cố vấn quân sự Trung Quốc gắn quân hàm cho một học viên quân sự Campuchia tốt nghiệp

Số liệu của CDC cũng cho thấy EU đã viện trợ cho 17,4 triệu USD cho ngành giáo dục Campuchia trong năm 2015. Tổng cộng có 120,2 triệu USD của các đối tác là những nước phát triển viện trợ cho Campuchia trong năm 2015.

Đối với lĩnh vực y tế, trong năm vừa qua, Campuchia đã nhận 176,3 triệu USD từ các nhà tài trợ quốc tế, trong khi ngân sách của Campuchia hàng năm cho lĩnh vực này chỉ khoảng 275 triệu USD.

Ông Ear Sophan, tác giả cuốn “Viện trợ độc lập ở Campuchia: Viện trợ nước ngoài đã phá hỏng dân chủ ở Campuchia như thế nào” nói rằng anh hưởng vượt trội của Trung Quốc đã khiến Thủ tướng Campuchia ngày càng thách thức các nước tài trợ nhiều hơn trong những năm qua.

Vị Giáo sư về các vấn đề quốc tế tại trường Occidental College ở Los Angeles này cũng nhận định nhiều năm sau sự can thiệp của Liên hợp quốc năm 1992, khi các khoản tiền viện trợ đổ vào Campuchia, Chính phủ nước này vẫn tiếp tục nhận được viện trợ nhiều hơn so với họ yêu cầu, mặc dù nhiều nhà tài trợ phương Tây đã khuyến cáo về sự tham nhũng của chính quyền.

Theo số liệu của CDC, các nhà tài trợ quốc tế có kế hoạch cung cấp tổng cộng 966 triệu USD viện trợ và 534 triệu USD cho Campuchia vay trong năm 2016.

RELATED ARTICLES

Tin mới